Hủy dù ảnh hưởng nhưng cần thiết
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, bà rất ủng hộ quyết định của Bộ GTVT, và luôn tin DN Việt đủ sức làm cao tốc Bắc - Nam, miễn có các điều kiện hợp lý và thời gian để doanh nghiệp (DN) bàn bạc, liên kết. Trong lần mời sơ tuyển hồi tháng 5 vừa qua, do thời gian ngắn (chỉ 2 tháng nhận hồ sơ), nên nhiều DN nói không đủ thời gian bàn bạc, thỏa thuận liên kết tham gia đấu thầu. Trong khi đó, các DN Trung Quốc lại tham gia nhiều, do họ đã có sự chuẩn bị trước.
Trong bối cảnh hiện nay, theo bà, quyết định của Bộ GTVT sẽ mang tới điều gì?
Trong bối cảnh Biển Đông vẫn căng thẳng, Trung Quốc gây hấn rồi đưa ra các tuyên bố ngang ngược về bãi Tư Chính của Việt Nam. Do đó, chúng ta cũng phải tính cả câu chuyện trong đất liền.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, hiện có một số người đang nhầm lẫn cam kết của Việt Nam về mua sắm công trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo bà Lan, trong WTO, Việt Nam không tham gia hiệp định về mua sắm chính phủ. Việt Nam chỉ tham gia ký hiệp định về mua sắm chính phủ trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU). Do đó, Việt Nam chỉ cần đảm bảo cạnh tranh trong mua sắm chính phủ với doanh nghiệp tới từ các quốc gia tham gia 2 hiệp định này. Còn với các quốc gia thành viên WTO và các hiệp định FTA khác, Việt Nam không có nghĩa vụ phải đảm bảo cạnh tranh, mà có quyền ưu tiên doanh nghiệp trong nước.
Lẽ ra, Bộ GTVT và các bộ, ngành phải tính trước các tình huống, để không đấu thầu quốc tế rồi phải hủy khi dư luận đã lên tiếng góp ý. Quyết định hủy chào thầu quốc tế có thể ảnh hưởng tới tín nhiệm quốc gia, vì DN nộp hồ sơ ngoài từ Trung Quốc, còn có nhiều DN tời từ Hàn Quốc, Pháp... Do đó, Bộ GTVT cũng cần có những giải thích rõ ràng, hợp lý, và khẳng định thay đổi này không phải chủ trương chung của Việt Nam trong kêu gọi đầu tư nước ngoài. Đây là bài học để Bộ GTVT và các cơ quan Chính phủ rút kinh nghiệm, thận trọng và cân nhắc hơn ở các dự án sau này.
Vấn đề của đất nước, cần lòng tự tôn dân tộc
Vấn đề với nhà đầu tư trong nước là thiếu năng lực tài chính, trong khi ngân hàng cho vay làm BOT giao thông đã khá cao, khó cho vay thêm nhiều, để giải quyết điểm nghẽn đó theo bà cần làm gì?
Trước tiên cứ đấu thầu trong nước để tạo điều kiện cho DN Việt. Cũng mong DN cố gắng, tích cực, xem đây là vấn đề của đất nước, lòng tự tôn, tự cường dân tộc, không chỉ câu chuyện lợi ích kinh doanh. Ngoài ra, cũng cần giám sát, đặc biệt về vốn, công nghệ để tránh tình trạng DN đứng tên Việt Nam, nhưng vốn, công nghệ lại từ nước ngoài đưa vào. Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài cũng có lưu ý, giám sát để ngăn chặn tình trạng đội lốt trong nước, hay mua bán thầu.
Ngoài ra, các DN cũng cần chứng minh năng lực của mình, để ngân hàng tin tưởng cho vay vốn, hoặc người dân tin tưởng đóng góp qua hình thức trái phiếu. Với tinh thần yêu nước, tôi tin rằng người Việt sẵn sàng mua trái phiếu dự án, nhưng nhà đầu tư phải có năng lực, trách nhiệm để người dân có thể tin tưởng được. Đặc biệt nhà đầu tư nội cần tránh tình trạng mập mờ như các dự án BOT giao thông thời gian qua, làm mất niềm tin của người dân.
Theo bà, Nhà nước cần làm gì để tạo điều kiện cho DN Việt có thể thực hiện được các dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam?
Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ 1 phần tín dụng để chia sẻ gánh nặng với nhà đầu tư, đảm bảo tính khả thi của dự án. Hiện tại lãi suất ngân hàng khá cao, là một rào cản với các dự án cần vốn lớn trong thời gian dài như giao thông, nhà nước có thể hỗ trợ một phần lãi suất, để dự án khả thi hơn. Đồng thời, các ngân hàng nên chia sẻ với nhà đầu tư, đưa ra các gói vay với lãi suất hợp lý. Nhà nước cũng cần rà soát lại toàn bộ các đoạn tuyến, để phân kỳ đầu tư, ưu tiên làm trước 1 số đoạn cần thiết, để các DN hợp lực làm. Sau đó, tùy tình hình cụ thể, nguồn lực DN có sẽ thực hiện sau.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Cần tôn trọng ý kiến dân
Như bà đã nói, vừa qua các dự án BOT giao thông để lại không ít điều tiếng, với các đoạn BOT thuộc cao tốc Bắc - Nam, chúng ta cần làm gì để tránh điều đó?
Muốn tránh tai tiếng cho các dự án tương lai, cần xác định rõ vấn đề của dự án BOT hiện tại là gì, ở đâu? phải chăng cơ quan nhà nước và nhà đầu tư đã bỏ qua người dân? Khi làm dự án BOT, hay khi đặt trạm thu phí không hỏi ý kiến người dân bị tác động, cơ quan quản lý và nhà đầu tư nhập nhèm để làm, nên người dân phản đối. Do đó, không chỉ với cao tốc Bắc - Nam, với bất kể dự án BOT nào cũng cần minh bạch, tôn trọng ý kiến người dân, và luôn cho người dân quyền lựa chọn. Cao tốc Bắc - Nam có lợi thế là đã có các tuyến khác song song để người dân chọn. Tại cao tốc thực hiện thu phí kín, ai đi người đó trả tiền.
Trong tương lai, việc thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài vào các dự án hạ tầng rất cần thiết, và Bộ KH&ĐT đang xây dựng Luật PPP, với đề xuất Chính phủ bảo lãnh tỷ giá, doanh thu tối thiểu, theo bà cần luật hóa ra sao để đảm bảo bình đẳng giữa DN trong và ngoài nước?
Các quy định trong Luật PPP cần được áp dụng cho cả DN trong và ngoài nước, đặc biệt là về ưu đãi. Tránh tình trạng DN nước ngoài được bảo lãnh tỷ giá, doanh thu, nhưng DN trong nước lại không được hưởng. Thậm chí, do DN Việt mới phát triển vài năm gần đây, trong môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, nên phải được hưởng ưu đãi cao hơn nhà đầu tư nước ngoài tới từ các nước phát triển.
Cảm ơn bà!
PS st Theo Tiền Phong