Cán bộ mắc sai phạm mà chỉ bị "rút kinh nghiệm" thì răn đe được ai?

Ngày đăng: 06:40 09/10/2019 Lượt xem: 566

Cán bộ mắc sai phạm mà chỉ bị "rút kinh nghiệm" thì răn đe được ai?


                                                                   Nguồn: Báo Điện tử VOV

Đánh lận sai phạm với khuyết điểm, biến những sai phạm nghiêm trọng trở nên ít nghiêm trọng, thậm chí chỉ như một khuyết điểm rất nhỏ.

 

Trong công tác xử lý cán bộ mắc sai phạm, khuyết điểm, việc xử lý bằng hình thức “rút kinh nghiệm” dường như đã trở nên khá phổ biến. Nó phổ biến đến mức khiến người ta có cảm giác như đó là một kiểu “lách luật” biến những sai phạm nghiêm trọng trở nên ít nghiêm trọng, thậm chí chỉ như một khuyết điểm rất nhỏ mà không ai có thể tránh khỏi trong quá trình làm việc.

can bo mac sai pham ma chi bi "rut kinh nghiem" thi ran de duoc ai? hinh 1
Rút kinh nghiệm để "né" trách nhiệm? (Ảnh minh họa: Dân Trí)

Đơn cử như mới đây nhất là vụ chi tiền tỷ để lắp camera nhà lãnh đạo ở tỉnh Sóc Trăng nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh này chỉ thống nhất rút kinh nghiệm sau khi đã tiến hành họp phân tích, đánh giá vụ việc. Cũng tại tỉnh này, nữ Trưởng Ban Dân vận, Trưởng đoàn ĐBQH của tỉnh là bà Hồ Thị Cẩm Đào tổ chức tiệc cưới rình rang cho con trai tới 3 ngày khiến dư luận bàn tán. Cuối cùng thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng lại yêu cầu nữ cán bộ này phải rút kinh nghiệm sâu sắc. 

Hay vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT năm 2018 tại tỉnh Hà Giang, kết quả xử lý của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cho biết, trong tổng số 137 cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm phải xem xét, có 29 cán bộ đảng viên có khuyết điểm, vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật, do vậy chỉ yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm. Đáng nói thông báo của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang còn cho rằng, với cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm, nhưng chưa có đủ cơ sở kết luận có tác động, can thiệp, nhờ giúp đỡ thì yêu cầu rút kinh nghiệm trước chi bộ và tổ chức Đảng. 

Rút kinh nghiệm không có trong danh mục hình thức kỷ luật

Từng có hơn 10 năm làm công tác trong ngành Kiểm tra (1987-1999) với vai trò Vụ trưởng một vụ chuyên quản lý cán bộ cấp cao của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Ngô Văn Sửu cho rằng, hình thức xử lý theo kiểu rút kinh nghiệm đã tồn tại từ rất lâu và đến bây giờ hình thức đó vẫn được “thịnh hành”. 

can bo mac sai pham ma chi bi "rut kinh nghiem" thi ran de duoc ai? hinh 2
Ông Ngô Văn Sửu - Nguyên Vụ trưởng Vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Theo ông Sửu là không biết vô tình hay cố ý mà người ta nhầm lẫn giữa sai phạm và khuyết điểm. Sai phạm khác hoàn toàn với khuyết điểm. Nếu chỉ là khuyết điểm thì có thể rút kinh nghiệm bởi làm việc chẳng ai không mắc khuyết điểm; nhưng đã là sai phạm, vi phạm thì dứt khoát phải xử lý, hình thức thấp nhất là khiển trách, cách cáo, cách chức, khai trừ Đảng, chứ không thể là rút kinh nghiệm. 

“Kết luận kiểm tra, xác định là vi phạm mà đưa mức xử lý “rút kinh nghiệm” là không thỏa đáng, nó thể hiện bản chất của tổ chức đảng, không dám thừa nhận sai sót, phải tìm ra một hình thức nhẹ đi. Còn nếu là một đảng viên, một cán bộ gương mẫu, theo đúng tinh thần quy định về nêu gương, anh phải tự nhận một hình thức xử lý thích hợp nhất, nghiêm túc nhất chứ không thể ngồi im, lảng tránh. Những người xung quanh cũng ngồi họp nhưng thấy người ta có chức có quyền nên “ngại”. Đó chính là yếu kém của tổ chức Đảng, của đảng viên, người có chức quyền không đủ bản lĩnh để nhận ra những sai lầm, thiếu sót”, ông Sửu nhấn mạnh.

Thực tế, “rút kinh nghiệm” không có trong danh mục các hình thức kỷ luật của Đảng. Sở dĩ có cái gọi là “rút kinh nghiệm” là do tổ chức đảng yếu kém, nghĩ ra để giải quyết cho xong, cho qua. Hình thức kỷ luật đảng viên như đã nói ở trên chỉ có từ “khiển trách” trở lên, khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Sai phạm về mặt tổ chức cũng với các hình thức như thế, cao nhất là giải tán. Chẳng qua họ né trách nhiệm nên mới nghĩ ra hình thức rút kinh nghiệm.

Đúng ra, một kết luận khi kiểm tra phải rõ: sai phạm, khuyết điểm đến đâu; những sai phạm, khuyết điểm đó gây tác hại thế nào, tính chất ra sao, ảnh hưởng như thế nào, rồi nguyên nhân chủ quan, khách quan của những sai phạm đó như thế nào, từ đó mới kiến nghị hình thức kỷ luật. Còn để né trách nhiệm, người ta chỉ kết luận chung chung, không rõ sai phạm là gì, nguyên nhân cũng như tác hại của sai phạm đó. “Đã là sai phạm mà chỉ rút kinh nghiệm là nương nhẹ, không có tính răn đe", ông Ngô Văn Sửu nói.

Tổ chức đảng yếu kém mới sinh ra hình thức “rút kinh nghiệm”

Nhớ lại giai đoạn từng làm công tác kiểm tra (năm 1987-1999), ông Ngô Văn Sửu, Nguyên Vụ trưởng Vụ I - Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho biết, thời đó để xử lý một cán bộ có sai phạm, khuyết điểm bằng hình thức cảnh cáo thôi cũng đã rất khó, đặc biệt đối với cán bộ diện Trung ương quản lý. Sau khi có kết luận rồi phải báo cáo Ban Bí thư, chứ Ủy Ban Kiểm tra khi đó chưa có thẩm quyền xử lý, nên gần như không xử lý được. Do vậy, thông thường khi có tố cáo, cơ quan kiểm tra vào cuộc, phát hiện sai phạm, khuyết điểm thì xử lý kiểu kiểm điểm là chính. 

Thực tế, trong nhiều chi bộ tồn tại nhiều vấn đề nhưng không dám đấu tranh, nể nang, né tránh, không đưa ra mổ xẻ sai sót để sửa chữa, rút ra bài học. “Vì thế tôi cho rằng, tồn đọng những năm gần đây bắt nguồn từ những năm trước đây”, ông Sửu nhấn mạnh. Thời đó, do tác động nhiều mặt, nhìn chung, việc xử lý chưa nghiêm, giải quyết cho xong, chứ còn để cho minh bạch tố cáo, đúng sai đến đâu chưa rõ. 

Ông Sửu còn nhớ, đã từng tới gặp một vị Ủy viên Trung ương vì có đơn tố cáo và gặp phải sự phản đối kịch liệt, họ không muốn tiếp cán bộ cơ quan kiểm tra. Để đạt được kết quả, ông phải đấu tranh thẳng với họ: “Quy định của Đảng, điều lệ Đảng cho phép, với những tố cáo nặc danh nhưng cơ quan kiểm tra nhận thấy có dấu hiệu vi phạm, có việc cụ thể, thì vẫn cứ xem xét. Anh là Ủy viên Trung ương, đã giơ tay biểu quyết điều lệ thì phải tuân thủ”. 

“Phải nói như thế họ mới chịu lên Ban Kiểm tra để tường trình”, ông Sửu cho biết và thừa nhận, cán bộ làm công tác kiểm tra mà không có trình độ, bản lĩnh không thể làm được. Thực tế thời ông làm việc đã có những vụ việc, cả chục đoàn kiểm tra vào vẫn không giải quyết được, phải đến khi Ủy ban Kiểm tra vào cuộc, xuống thực tế làm việc mới kết luận được, người ta mới đồng tình.

Ông Sửu cũng cho rằng, những tồn tại lâu nay trong công tác xây dựng Đảng suy cho cùng là do chúng không được xử lý nghiêm túc. Kiểm tra, làm rõ xong chỉ rút kinh nghiệm rồi để đấy nên những danh hiệu Chi bộ 4 tốt, Đảng viên 4 tốt chỉ là hình thức. Mấy năm trở lại đây, sau khi có Nghị quyết Trung ương khóa XII, đặc biệt quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, đã mang đến những chuyển biến thực sự, điều đó giúp Đảng lấy lại niềm tin của nhân dân. Nhưng cũng phải nói rằng, nếu làm chặt hơn nữa, vẫn còn nhiều tồn tại, khuyết điểm. 

“So với thời tôi làm việc, hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương những năm gần đây đã có những bước tiến vượt bậc. Đặc biệt, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra cũng mạnh mẽ hơn, kiểm tra xong là có kết luận, kết luận ấy được công bố rộng rãi, có tác dụng tốt chứ không họp kín xong rồi không công khai như trước đây”, ông Sửu nhận xét. 

“Theo tôi, bây giờ mới là lúc công tác cán bộ thực sự chuyển biến. Sự chuyển biến ấy được nhìn thấy qua các quy định của Trung ương, quy định về nêu gương của cán bộ cấp cao, quy định những điều đảng viên không được làm và đặc biệt mới đây là Quy định 205 về chống chạy chức chạy quyền do đích thân Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành. Những quy định đó là rất trúng. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng đòi hỏi phải có quá trình chứ không thể một chốc một lát có kết quả ngay, có thể làm được ngay. Nhưng nếu chúng ta kiên trì thực hiện được nghiêm các quy định đó là chúng ta đã đi vào được gốc rễ của vấn đề cán bộ”, ông Sửu quả quyết./.

 (C. H sưu tầm )

 
tin tức liên quan