Cán bộ sử dụng bằng giả để tiến thân: Sau giả dối là làm gì để thăng tiến?

Ngày đăng: 07:09 12/10/2019 Lượt xem: 390

Cán bộ sử dụng bằng giả để tiến thân: Sau giả dối là làm gì để thăng tiến?

“Tại sao cô ấy tồn tại được 20 năm và vẫn thăng tiến trong hệ thống quy trình của chúng ta? Rõ ràng, nhìn dưới góc độ thủ tục là sự gian dối, nhưng phải phân tích xem quá trình thăng tiến của cô ấy có đàng hoàng hay không, có thể hiện năng lực thực không hay có những chuyện khác đằng sau?”.

Đây là chia sẻ của đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc xung quanh câu chuyện cán bộ sử dụng bằng cấp giả để thăng tiến đang gây bức xúc trong dư luận xã hội hiện nay. 

ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc

Việc cán bộ sử dụng bằng cấp giả để thăng tiến, là hiện tượng theo nhà sử học Dương Trung Quốc “rất suy nghĩ”. Trong đó không thể không nhắc đến câu chuyện mới xảy ra ở Đắk Lắk. Một nữ trưởng phòng, dù chưa tốt nghiệp cấp 3, nhưng sử dụng bằng giả để đi học lên cao và "tiến thân". Lạ lùng hơn nữa, việc cô này gian dối về bằng cấp đã xảy ra tới 20 năm, nhưng đến giờ mới được phát hiện khi có đơn tố cáo.

“Nếu chỉ nhìn một chiều, chúng ta tuyệt đối lên án sự giả dối. Đầu tiên là bản thân người đó tự giả dối, thứ hai là cả bộ máy, cả dây chuyền giả dối. Đây là vấn đề có thể coi là vấn nạn. Nói vấn nạn hàng đầu có thể không đúng, nhưng nó là vấn nạn phổ biến hiện nay”, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ.

Nguyên nhân được vị đại biểu dân cử tỉnh Đồng Nai chỉ ra rằng, đó là do sự đảo lộn giá trị. Khi cơ quan công quyền đòi hỏi bằng cấp này thì mới được chức vụ kia.

“Ai cũng biết trình độ này thì phải chức vụ kia là đúng nhưng bằng cấp không phải là trình độ. Nhưng ai cũng nhìn vào hồ sơ, bằng cấp. Tôi cho rằng, đằng sau bằng cấp rất nhiều sự giả dối.

Tại sao các doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài họ trọng cái cách ứng viên tuyển dụng thực hiện công việc như thế nào, họ phỏng vấn để nắm bắt được năng lực và qua thực tế họ thực hiện.

Nhưng chúng ta hoàn toàn lý thuyết, chúng ta đòi hỏi bằng cấp, chính vì thế đi đến chỗ lợi dụng điều này để thực hiện được mục tiêu của mình, cho con cái mình hoặc cho những người cùng ekip, trong nhóm lợi ích của mình”, đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Tuy nhiên ông Quốc cũng lưu ý, chúng ta phải đi vào thực chất vấn đề, con cái quan chức không có nghĩa là không được làm lãnh đạo.  

Đối với trường hợp nữ trưởng phòng Đắk Lắk, đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi: tại sao cô tồn tại được 20 năm và thăng tiến, bổ nhiệm trong suốt thời gian dài mà không ai phát hiện ra?

Rõ ràng là có sự gian dối, nhưng phải phân tích xem quá trình thăng tiến của cô ấy có đàng hoàng hay không, có thể hiện năng lực thực không?

“Khi nhìn thẳng, phân tích cụ thể chúng ta mới có giải pháp được”, ông Quốc bày tỏ. Vì thế, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng cần phải xây dựng giá trị mà ở đó không tạo ra sự bất công và sự giả dối.

N. Huyền
PS st Theo infonet

tin tức liên quan