51 thí sinh được nâng điểm năm 2018 vẫn đang học đại học

Ngày đăng: 05:26 17/10/2019 Lượt xem: 502

51 thí sinh được nâng điểm năm 2018 vẫn đang học đại học

  THANH AN
(GDVN) - Con số 51 thí sinh sau khi chấm thẩm định vẫn đủ điểm chuẩn đang được học tại các trường đại học thì bây giờ sẽ giải quyết ra sao?

Vụ án gian lận điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình đang bước vào giai đoạn nước rút.

Trong tháng 10 này thì Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang và Sơn La sẽ được mở lại và xét xử công khai vụ án gian lận điểm thi. Ở Hòa Bình thì cơ quan điều tra cũng đã bắt thêm một số bị can liên quan đến việc nâng điểm cho các thí sinh.

Hàng loạt các phụ huynh ở 3 địa phương này đã bị kỷ luật…Thế nhưng, con số 51 thí sinh sau khi chấm thẩm định vẫn đủ điểm chuẩn đang được học tại các trường đại học bây giờ sẽ giải quyết ra sao?

Vẫn còn 51 thí sinh gian lận điểm thi đang theo học tại các trường đại học chưa bị xử lý (Ảnh minh họa: VTV)

Còn nhớ, sáng 8/5/2019, tại Hội nghị báo cáo viên do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã cung cấp một số thông tin liên quan đến sự việc gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thì kết quả chấm thẩm định tại Hà Giang có 330 bài thi của 114 thí sinh (công an Hà Giang công bố 107) được nâng điểm. Trong 114 thí sinh Hà Giang được trả điểm thực, có 39 em đang học tại 23 trường đại học, cao đẳng.

Tại Sơn La có 44 thí sinh, Hòa Bình có 64 thí sinh có điểm chấm thẩm định thấp sơn so với điểm đã công bố ban đầu.

Trong 108 thí sinh ở Hòa Bình và Sơn La, có thí sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp Trung học phổ thông, có thí sinh không có tên trong danh sách trúng tuyển đại học, một số thí sinh bị các trường đại học buộc thôi học.

Tuy nhiên, vẫn còn 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển đang được các trường cho tiếp tục theo học.

Từ những thông tin chia sẻ trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đi đến kết luận: "Khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu người nào trong số 12 sinh viên này tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật".

Xử lý tiêu cực điểm thi năm 2018, các bên đã thiếu cương quyết ngay từ đầu

Ông còn nhấn mạnh thêm: "Quan điểm của chúng tôi là tuyệt đối không dung túng cho sai phạm, đảm bảo quy định của quy chế và pháp luật; các sai phạm trong thi cử phải xử lý đến cùng để đảm bảo công bằng giữa các thí sinh".

Như vậy, trong số 3 địa phương được xác định là tiêu cực trong kỳ thi 2018 thì hiện nay vẫn còn lại 51 thí sinh (Hà Giang 39; Sơn La và Hòa Bình 12) đủ điểm chuẩn sau khi chấm thẩm định và đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.

Phụ huynh đã bị xử lý, sao chưa thấy Bộ xử lý các thí sinh còn lại?

Đến thời điểm này, việc điều tra của 2 địa phương (Sơn La và Hà Giang) đã cơ bản hoàn tất và đưa ra xét xử trong tuần này. Chỉ còn Hòa Bình là Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng.

Nhưng, có một điểm chung là cả 3 địa phương đều đã xác định được danh sách phụ huynh có con được nâng điểm và tiến hành xử lý kỷ luật đối với một số phụ huynh.

Điều này cũng đồng nghĩa là trong số 51 thí sinh đang theo học tại các trường đại học đã được cha mẹ các em “nhờ xem điểm trước” hoặc "tác động" để nâng điểm và trong số này đã có những phụ huynh bị các địa phương xử lý kỷ luật.

Vậy, tại sao Bộ lại chưa tiến hành “xử lý theo quy định của pháp luật” các thí sinh gian lận điểm thi như lời Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chia sẻ vào ngày 8/5/2019?

Chúng ta đều biết vụ án gian lận điểm thi của Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La trong kỳ thi năm 2018 là một vụ án lớn làm mất uy tín, ảnh hưởng tới rất nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị của nhà nước.

Bởi, hàng trăm phụ huynh là cán bộ, đảng viên đã tác động hoặc gián tiếp tác động để con em mình được nâng điểm thi. Trong đó, có nhiều thí sinh được nâng với số điểm rất cao. Thậm chí một số em là thủ khoa của các trường đại học lớn.

Trước tòa, liệu tình nghĩa cũ của ông Yến, ông Đức, ông Duy Hoàng có còn không?

Ròng rã hơn 1 năm trời điều tra, xử lý của nhiều lực lượng chức năng ở các địa phương nhưng cuối cùng thì chúng ta thấy sự việc lại chưa được xử lý đến nơi đến chốn.

Cứ cho rằng việc xử lý phụ huynh các thí sinh được nâng khống điểm là chức năng, thẩm quyền của các địa phương thì việc xử lý những thí sinh đã được xác định gian lận điểm  nhưng đang theo học tại các trường đại học là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và các trường đại học. Vì thế, Bộ không thể lơi được chuyện này bởi không xử lý những thí sinh này sẽ không tạo được công bằng cho những thí sinh khác.

Trong phòng thi, chỉ cần thí sinh mang điện thoại vào, mang tài liệu vào đã bị đình chỉ thi. Tại sao những thí sinh đã được cha mẹ lên kế hoạch để nâng điểm thi mà vẫn không bị xử lý nghiêm minh?

Khi mới chấm thẩm định xong, dư luận lên tiếng về số lượng 51 thí sinh này thì lãnh đạo Bộ nói vẫn cho học, khi có kết luận của cơ quan điều tra sẽ xử lý thì bây giờ xử lý đã là thời điểm phù hợp nhất.

Những sinh viên này đã bước vào năm học thứ 2 của mình, nếu không xử lý rốt ráo, vẫn cho học bình thường thì không chỉ là lãnh đạo Bộ thất hứa với dư luận xã hội và còn dung túng cho hành vi sai trái, tiêu cực.

Sau hơn 2 năm nữa ra trường, những sinh viên này lại được cha mẹ các em đặt vào những vị trí đã lựa chọn sẵn. Bởi, chỉ có một số phụ huynh bị kỷ luật ở mức khiển trách, một số thì yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm mà đa phần phụ huynh của những em này đều có vị thế rất lớn tại địa phương.

Họ còn ngồi đó, con họ ra trường thì đương nhiên là họ sẽ lo lắng nên chuyện cơ cấu, tìm kiếm một vị trí việc làm phù hợp có gì là khó khăn đối với những phụ huynh này.

Hy vọng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhớ lời hứa của mình trong Hội nghị báo cáo viên do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức để đưa ra những phương án giải quyết cụ thể cho 51 thí sinh đang còn theo học tại các trường đại học, cao đẳng. 

Thời gian quá lâu rồi, lãnh đạo Bộ cần cương quyết về việc này, đừng để mọi chuyện trôi vào quên lãng...!

THANH AN
PS st Theo Giáo dục Việt Nam

tin tức liên quan