PGS.TS Vũ Minh Khương: Cần một bộ máy công quyền quật khởi

Ngày đăng: 02:13 19/10/2019 Lượt xem: 599
PGS.TS Vũ Minh Khương:

                         Cần một bộ máy công quyền quật khởi

                                                       Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet

Chìa khóa quan trọng nhất của mọi nỗ lực cải cách là sự minh bạch. Đó là vấn đề đầu tiên. Chính quyền phải chấp nhận bày tất cả ra và để con mắt thần của người dân giám sát.


LTS:Cải cách bộ máy theo tinh thần kiến tạo, hành động, hiệu lực, hiệu quả đang là nỗ lực của Đảng và Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển. Tuần Việt Nam xin giới thiệu loạt bài về chủ đề này.

Toàn tâm toàn ý xây dựng một bộ máy công quyền ưu tú không khó, nếu coi đó là vấn đề sống còn của đất nước, của hệ thống chính trị, của bộ máy lãnh đạo. Nhưng việc yêu cầu chứng chỉ này nọ lại đi vào thủ tục chứ không tạo ra sự thay đổi nền tảng cho hệ thống, theo PGS.TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu.

Chứng chỉ không làm cho công chức có động lực làm việc

Để chuẩn hóa khu vực công, hiện nay Chính phủ đã đề ra nhiều yêu cầu về năng lực dưới dạng bằng cấp, chứng chỉ, nhưng trên thực tế nảy sinh tiêu cực, đối phó thay vì chuẩn hóa. Singapore nổi tiếng có một bộ máy công quyền chất lượng. Với tư cách là người đã từng làm việc trong khu vực công ở Việt Nam, hiện nay đang sinh sống ở Singapore và giảng dạy tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu, ông thấy đâu là điểm chưa phù hợp trong chính sách tuyển dụng nhân lực cho khu vực công ở Việt Nam, khiến kết quả chưa được như mong muốn.

PGS.TS Vũ Minh Khương: Việt Nam đã và đang tiến hành cải cách ngày càng mạnh mẽ. Nỗ lực cải cách có thể chia làm hai giai đoạn: Đổi mới 1986 (từ 1986 đến 2015) và Đổi mới (từ 2016 đến 2045). Hai cuộc đổi mới này tuy cùng chung một đặc trưng là sự đổi mới về tư duy, chúng có sự khác biệt lớn về chất và tầm chiến lược.

Trong Đổi mới 1986, bí quyết lớn nhất của cải cách là tìm ra và khơi dậy bàn tay vô hình của thị trường. Chính bàn tay vô hình này đã tạo nên sự hứng khởi và nỗ lực sống động của người dân và doanh nghiệp. Chính đây là động lực căn bản đã làm nên thành công của Đổi mới. Nó tạo thế và lực cho Việt Nam bước vào Đổi mới lần II với sự tự tin và khát vọng lớn hơn rất nhiều so với lúc khởi đầu Đổi mới 1986.

Đổi mới 2016 đến 2045 sẽ là công cuộc cải cách có sứ mệnh đưa Việt Nam đến vị thế hùng cường khi đất nước kỷ niệm 100 năm độc lập. Bí quyết để Đổi mới 2016 - 2045 thành công sẽ là tìm ra được một bàn tay vô hình thúc đẩy nền kinh tế hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa. Bàn tay vô hình này tuy nhiên không còn nằm ở thị trường mà ở thể chế. Tìm ra và kích hoạt bàn tay vô hình trong thể chế này sẽ đem lại sức mạnh quật khởi cho bộ máy công quyền.

Khi đó, người cán bộ công chức, cũng như người nông dân trên ruộng đồng và người doanh nhân trên thị trường, sẽ dốc hết sức mình, sống động và nhạy bén, trong mọi công việc,

Đảng và Chính phủ đã thấy rõ tầm quan trọng phải có một bộ máy công quyền ưu tú, nhưng phương thức cải cách chưa đi vào cốt lõi mà vẫn sa vào cải tiến qui trình, thủ tục. Yêu cầu chứng chỉ này khác để chuẩn hóa cán bộ cũng không có ý nghĩa gì nếu công chức không có động lực làm việc. Ba động lực lớn tạo nên bàn tay vô hình là lợi ích thỏa đáng, niềm tin mãnh liệt vào sứ mệnh đưa đất nước đến tương lai hùng cường, và hệ thống yểm trợ, giám sát minh bạch và có hiệu năng cao.

Cần một bộ máy công quyền quật khởi
"Nếu toàn tâm toàn ý xây dựng một bộ máy công quyền ưu tú không khó, nhưng phải coi đó là vấn đề sống còn của đất nước, của hệ thống chính trị, của bộ máy lãnh đạo" - PGSTS Vũ Minh Khương.

Vậy làm sao để có được động lực cho họ làm việc? Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ có vẻ đã đưa ra nhiều “cây gậy” dưới dạng văn bản, quy chế, kiểm tra, đánh giá, thậm chí cả tòa án... nhưng xem ra chưa thực sự có uy lực. Phải chăng vì thiếu “củ cà rốt”, tức là động lực cho hệ thống?

Khi nói đến bàn tay vô hình, nó có 3 thứ: lợi ích, niềm tin và cảm hứng của đồng đội khiến người ta cảm thấy được yểm trợ, thấy là cùng nhau làm tiến lên, tốt đẹp lên. Nhảy ngay vào quy trình là một sai lầm rất lớn. Cần phải bắt đầu từ khâu thiết kế chiến lược chứ không phải bằng sửa đổi chắp và một vài qui định.

Ví dụ ngoại ngữ, không cần chứng chỉ gì cả, thời kỳ 4.0 rồi, có thể tải ngay một bài báo, bài nghiên cứu trên internet, anh đọc, dịch cho tôi; một video trên youtube anh nghe, trình bày lại... Chỉ cần 3 mức thôi, không cần hệ thống chứng chỉ quy đổi dài dằng dặc làm gì.

Thực sự, nếu toàn tâm toàn ý xây dựng một bộ máy công quyền ưu tú không khó, nhưng phải coi đó là vấn đề sống còn của đất nước, của hệ thống chính trị, của bộ máy lãnh đạo.

Tính chính danh của hệ thống chính trị sẽ giảm sút và mất đi nếu nó không đủ khả năng thiết lập và vận hành được một bộ máy công quyền ưu tú. Chính phủ phải là những người cháy bỏng khát vọng dân tộc, đau đáu trách nhiệm với người dân, và quả cảm đứng đầu trong dòng chảy thời đại.

Làm sao để chọn được những người ưu tú như ông nói, trong khi trên thực tế hệ thống của Việt Nam đang có sự chọn lọc ngược - người tài rời đi vì có nhiều cơ hội tốt hơn?

Tìm người ưu tú không nên bắt đầu từ kiểm tra lý lịch bằng cấp mà hãy nghe họ trình bày phương cách họ có thể tạo nên giá trị lớn khi nhận trách nhiệm được giao. Tài năng của một cá nhân được đo bằng giá trị họ sẽ giúp một tổ chức tạo thêm chứ không phải bằng những thành tích từ quá khứ. Giá trị càng lớn, người đó càng tài.

Điều này cũng có nghĩa là, tổ chức tiếp nhận người đó và thời cơ cũng là những yếu tố giúp tài năng của anh ta phát lộ. Theo cách định nghĩa này, huấn luyện viên bóng đá Park Hang Seo quả là một người rất tài, mặc dù về bằng cấp, chứng chỉ, ông có lẽ chỉ ở mức trung bình. Ông ấy đã tạo ra những giá trị vượt bậc cho bóng đá Việt Nam, làm cho các cầu thủ chói sáng lên về cả kỹ năng và tinh thần dân tộc. Điều đáng quí nhất là lòng tin đã được lấy lại.

Có lẽ giờ đây, người dân Việt Nam không bao giờ còn nghĩ đến khả năng cầu thủ của đội tuyển bán độ như họ thường nghĩ trước đây.

Nhiều người nói công cuộc cải cách của Việt Nam đang bế tắc vì lương thưởng không xứng đáng nên không tạo động lực cho người ta làm việc. Các đòi hỏi ngày càng cao lên (bằng cấp, chứng chỉ, thái độ...) nhưng thu nhập không cao chắc chắn sẽ khiến họ bỏ đi?

Cái đó hoàn toàn đúng, nhưng thu nhập thật có thực sự thấp không? Lợi ích là yếu tố không thể thiếu, nhưng sức mạnh của nó nằm rất nhiều ở tính chính đáng chứ không ở số lượng. Người xuất sắc phải được tưởng thưởng. Làm sao để người cán bộ có nhà có xe từ nỗ lực chân chính của mình và họ có thể hãnh diện về điều đó.

Ví dụ trong đầu tư công. Nếu cán bộ đóng góp xuất sắc trước sự kính nể của người dân về chất lượng và tiến độ tuyệt vời của công trình thì họ xứng đáng được thưởng 1-10% giá trị dự án. Hiện nay, nhiều dự án cũng phải chi trả giá trị này, thậm chí nhiều hơn, nhưng đi trong bóng tối, để vào túi người có quyền chức.

Nghĩa là, chìa khóa quan trọng nhất của mọi nỗ lực cải cách là sự minh bạch. Đó là vấn đề đầu tiên. Chính quyền phải chấp nhận bày tất cả ra và để con mắt thần của người dân giám sát. Còn trong bóng tối thì tài thánh cũng chịu. Thông tin không chuẩn thì anh xuất sắc đến đâu cũng không bắt trúng được.

(còn nữa...)

C. H sưu tầm

 


tin tức liên quan