30 năm trấn giữ thềm lục địa của lính nhà giàn DK1

Ngày đăng: 10:29 24/10/2019 Lượt xem: 391

30 năm trấn giữ thềm lục địa của lính nhà giàn DK1

Những thế hệ lính nhà giàn tiếp bước ra thềm lục địa phía Nam, vượt qua mọi khó khăn để gìn giữ chủ quyền đất nước.

Từ cuối thập niên 80, những người lính đầu tiên đã xung phong làm lính hải quân trực gác ở khu vực DK1. Là chỉ huy đầu tiên của nhà giàn 1A Tư Chính ở bãi cạn Tư Chính, trung tá Tạ Ngô Quyền (61 tuổi) bồi hồi nhớ lại thời trai trẻ.

"Lúc ấy tôi đang là trưởng ngành pháo, tên lửa của tàu săn ngầm HQ09 thuộc Lữ đoàn 171 thì bất ngờ nhận được điều động của cấp trên sang khung quản lý DK1 - tiền thân của tiểu đoàn DK1 ngày nay", ông mở đầu dòng hồi ức, tháng 5/1989.

Trung tá Tạ Ngô Quyền, Chỉ huy trưởng đầu tiên của nhà giàn 1A Tư Chính. Ảnh: Phước Tuấn.

Trung tá Tạ Ngô Quyền, Chỉ huy trưởng đầu tiên của nhà giàn 1A Tư Chính. Ảnh: Phước Tuấn.

Đánh giá đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và khó khăn, lãnh đạo Lữ đoàn 171 gọi ông Quyền lên giao nhiệm vụ, đồng thời động viên tinh thần. "Biết đi nhà giàn sẽ hết sức gian khổ nhưng tôi vẫn chấp hành mệnh lệnh. Đã là người lính thì bất kể khó khăn gì cũng phải chịu, nếu khi đấy ai cũng thoái thác thì Tổ quốc đâu có ai bảo vệ", ông Quyền nói.

Lực lượng ra nhà giàn 1A Tư Chính được lãnh đạo "chiêu mộ" đa phần là những người lính trẻ mới chuyển từ bộ binh sang. Họ lên tàu rẽ sóng ra khơi làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước với tinh thần: "Còn người là còn nhà giàn, còn nhà giàn là còn người".

Trong đoàn binh sĩ ra tiếp nhận nhà giàn 1A Tư Chính xuất thân từ những người thợ xây dựng thuộc Bộ Tư lệnh công binh, có y sĩ trẻ Nguyễn Hữu Tôn, nay là trung tá quân y, đã nghỉ hưu.

Khi ấy, ông Tôn tròn đôi mươi, vừa ra trường đã nhận nhiệm vụ với sóng gió trùng khơi. Đôi mắt bình thản, ông Tôn kể: "Ngoài nhà giàn trưởng Tạ Ngô Quyền thì hầu hết anh em đều lần đầu tiên ra biển, trong đó có nhiều người lính chưa tròn 20 tuổi. Ngày ấy chúng tôi ra đi với tinh thần hừng hực, biết là khó khăn vất vả song ai cũng vững niềm tin vì cứ nghĩ rằng ở đó cũng là quê hương".

Cuối tháng 7/1989, khi Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương ra thăm nhà giàn, những người lính nhìn lên lá quốc kỳ tung bay trên nóc nhà giàn tuyên thệ với đầy kiêu hãnh: "Sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất, vùng biển của Tổ quốc".

Những ngày đầu họ làm nhiệm vụ ở thềm lục địa phía Nam, cũng là thời gian những cơn bão ập đến. Những chiến sĩ 1A Tư Chính bắt đầu cảm nhận những hiểm nguy xung quanh. "Nhà giàn đóng đời đầu không vững chắc như giờ, mỗi đợt sóng to gió lớn là rung lắc dữ lắm, anh em cảm nhận có thể nằm lại nơi này bất cứ lúc nào", trung tá Tôn nói.

Nhiều khi sóng lớn, tàu trực cũng không thể đưa xuồng vào tiếp tế lên nhà giàn. Hết ngày này qua tháng khác, tất cả hoạt động của cán bộ chiến sĩ đều diễn ra trong phạm vi gần 150 mét vuông của nhà giàn, lại luôn phải đối phó với những diễn biến phức tạp của tình hình mặt biển.

Xa người thân, thiếu thông tin, phương tiện cho giải trí, thưởng thức văn hóa cũng làm đời sống tinh thần của chiến sĩ bị ảnh hưởng, dễ gây nên tâm lý tù túng. Vì thế, mỗi người lính phải đấu tranh vượt lên chính mình.

Trung tá Quyền trầm ngâm, khó khăn nhất của người lính DK1 lúc ấy chính là nước ngọt và rau xanh. Nhà giàn được trang bị bể chứa nước mưa khoảng 60 m3, mùa mưa bộ đội được sử dụng nước khá thoải mái, nhưng mùa khô phải tiết kiệm chặt chẽ để đảm bảo cho sinh hoạt và dự trữ. Còn thức ăn chủ yếu vẫn là đồ hộp, lương khô.

Thời gian sau, họ chú trọng tăng gia sản xuất, mỗi nhà giàn được cấp khay trồng rau, đất màu, hạt giống. Họ tận dụng nước thải sinh hoạt tưới rau. Có nhà giàn còn điện về đất liền nhờ gửi thêm giống cây, phân bón.

Hàng năm mỗi nhà giàn thu hoạch được 300 - 400 kg rau xanh, chủ yếu là cải, mồng tơi, rau dền... Có nhà giàn còn dành phần rau trồng được chi viện cho anh em đơn vị tàu làm nhiệm vụ trực dài ngày.

Ngoài ra, họ câu cá để cải thiện bữa ăn. "Mới ra chưa có kinh nghiệm nên câu không có hiệu quả, chỉ được vài con cá nhỏ. Sau này có anh lính trẻ sáng kiến được bọc chì nặng thì mới câu được cá to. Ai cũng vui vì sáng kiến quá thiết thực", ông Quyền kể.

Những nhà giàn mới tiếp tục được xây dựng, và những người lính lại tiếp bước ra trấn giữ. Năm 1995, anh lính bộ binh Lê Xuân Nam (quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đặt chân lên tàu hải quân bồng bềnh trên biển hai ngày đêm để đến với nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau.

Lính nhà giàn DK1 trực gác dưới Quốc kỳ. Ảnh: Phước Tuấn.

Lính nhà giàn DK1 trực gác dưới quốc kỳ. Ảnh: Phước Tuấn.

Cũng như bao chàng trai trẻ lần đầu biết biển cả, anh Nam phải vượt qua thử thách đầu tiên của người lính biển. "Lần ấy bị say sóng, nôn ói, không ăn được gì. Nằm trên giàn cảm giác rất khó tả", anh Nam hồi tưởng. Sau chuyến công tác kéo dài 10 tháng, cơn say sóng trong anh biến mất.

Dần quen với nhà giàn, nhưng chàng lính trẻ vẫn còn những nỗi thèm rất bình dị. "Hồi đó tôi chỉ thèm ly nước chanh giải cái nóng. Đường có, chanh có nhưng đá lại là mặt hàng hết sức xa xỉ", anh nói.

Năm 1997, anh Nam cưới cô giáo cùng quê Lương Thị Thu rồi chuyển vợ vào Vũng Tàu lập nghiệp. Con gái đầu chào đời 10 tháng anh mới được ôm vào lòng trong những ngày ít ỏi được ở nhà. Rồi anh lại lên tàu ra biển.

Sau 25 năm gắn bó, đi qua hầu hết nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam, trung tá Lê Xuân Nam giờ là Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/16 ở bãi Phúc Tần. Anh nói: "Đúng là nghiệp chọn mình. Tình yêu biển đảo của mình quá lớn, bởi khoảng thời gian ít ỏi được về đất liền vẫn cảm thấy nhớ biển. Ra ngoài đó lại nhớ nhà. Hai trạng thái cứ lẫn lộn nên dù khó khăn mấy biển vẫn níu chân mình ở lại".

Trung tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 nói, trước đây vào mùa sóng to gió lớn, những cơn bão quét qua gây rung lắc khiến chiến sĩ lo lắng, cấp trên lo lắng. "Bây giờ, độ bền vững của nhà giàn cao hơn, tạo cho anh em tư tưởng chắc chắn", trung tá Thái nói.

Bắt đầu từ năm 2012, các nhà giàn được nâng cấp, sửa chữa với kết cấu liên hoàn theo mẫu giàn khoan nước sâu. Chân đế cắm sâu xuống đáy san hô, vững chãi, chịu được sóng từ đáy đại dương; thượng tầng rộng gấp ba và cao hơn so với nhà giàn cũ.

Chiến sỹ nhà giàn DK1 xem tivi sau giờ trực gác. Ảnh: Phước Tuấn.

Chiến sĩ nhà giàn DK1 xem tivi sau giờ trực gác. Ảnh: Phước Tuấn.

Các phòng trên nhà giàn thoáng mát. Hệ thống pin năng lượng mặt trời đủ điện để huấn luyện, nấu cơm, xem tivi nhiều ngày trong điều kiện mưa bão, không thấy mặt trời. Mỗi nhà giàn đều được trang bị thiết bị trữ lương thực, thực phẩm, chuồng trại chăn nuôi, buồng trồng rau... Các thiết bị nghe, nhìn, thể dục thể thao và lượng nước ngọt trữ được nhiều hơn trước.

Trung tá Thái chia sẻ, từ khi được phủ sóng điện thoại, Internet, những câu chuyện vui, buồn của các chiến sĩ được chuyển tải nhanh hơn giữa các nhà giàn và người thân. Nhờ đó mà áp lực tinh thần của những người đi làm nhiệm vụ giữ biển giảm đi rất nhiều.

30 năm qua, chiến sĩ ở các nhà giàn DK1 đã cứu hàng nghìn ngư dân lúc hoạn nạn, cấp phát thuốc, chia sẻ nước ngọt. "Nhà giàn trở thành chỗ dựa cho ngư dân từ chỉ đường lúc sóng to gió lớn, cấp cứu và đó mặc định là một phần trong nhiệm vụ thường nhật của chiến sĩ nhà giàn", Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 nói.

Theo trung tá Thái, Tiểu đoàn DK1 đang có những thuận lợi nhất định, tạo cơ hội cho các chiến sĩ nâng cao kỹ năng mềm, năng lực và yên tâm nhận nhiệm vụ bởi nhà giàn không chỉ vững chãi mà còn "gần" hơn với đất liền. "Nhưng một điều không thay đổi trong mỗi chiến sĩ hải quân khi làm nhiệm vụ tại DK1 là bản lĩnh và quyết tâm bảo vệ chủ quyền thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc", ông Thái khẳng định.

Phước Tuấn - Đăng Khoa - Phạm Linh

tin tức liên quan