Ông Dương Trung Quốc hỏi GĐ viện Tim có dám nhường chức cho người tài hơn
Ông Dương Trung Quốc hỏi GĐ viện Tim có dám nhường chức cho người tài hơn
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
"Anh Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) thấy có người rất yêu nước, giỏi hơn thì có dám nhường chức không?", ĐB Dương Trung Quốc đặt vấn đề.
Trao đổi với báo chí bên lề QH sáng nay liên quan đến cuộc tranh luận về nhân tài hôm qua, ông Dương Trung Quốc cho rằng ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc BV Tim Hà Nội) có lẽ giống rất nhiều người, hiểu về quan điểm học tập Bác Hồ cái gì là cứ nguyên vẹn như thế.
“Thời đại thay đổi nhiều. Tôi cứ đặt câu hỏi đơn giản, anh Tuấn thấy có người rất yêu nước, giỏi hơn có dám nhường chức không. Kể cả anh dám nhường chức cho người khác nhưng trong cơ chế hiện nay họ có bổ nhiệm không nếu người đó là ông Việt kiều yêu nước rất giỏi”, ĐB kỳ cựu đặt vấn đề.
|
Ông Dương Trung Quốc: Thời đại bây giờ khác rồi, ngay cả yêu nước cũng đã khác |
Theo ông Quốc, nếu có bổ nhiệm đi chăng nữa thì người đó có làm việc được trong cơ chế này không.
“Ở đây, phải hiểu rõ, thời kỳ cụ Hồ có những đặc thù, chúng ta vừa mới giành được độc lập, phần lớn các trí thức tài năng đều được đào tạo ở chế độ cũ nên phải đặt đại nghĩa lên trên và thu hút vào. Giá trị quan trọng không phải là đãi ngộ và lòng yêu nước”, ĐB Dương Trung Quốc phân tích.
Ông cho rằng, thời đại bây giờ khác rồi và ngay cả yêu nước cũng đã khác nên đừng lấy chuẩn cũ làm cho bây giờ, quan trọng nhất, sâu sắc nhất của cụ Hồ là “dùng đúng người, đúng lúc, đúng chỗ”.
Người rất giỏi ở nước ngoài về thì đừng đề bạt họ làm lãnh đạo
“Bây giờ một người rất giỏi ở nước ngoài về thì đừng đề bạt họ làm lãnh đạo mà hãy sắp xếp một công việc phù hợp, môi trường hoạt động tốt để họ phát triển, một chế độ đãi ngộ, sự tôn trọng là đủ”, ông Quốc nói.
Ông cho rằng, muốn sức sống tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi thì cũng phải để tư tưởng đó phát triển theo thời đại chứ không thể như cũ.
ĐB Dương Trung Quốc cũng bày tỏ không bằng lòng lắm ở chỗ: “Có thể khác biệt nhau trong lúc tranh luận nhưng đừng quy kết những chuyện xa rời tư tưởng. Quan trọng là tìm ra cốt lõi”.
Theo quan điểm của ông, công chức là đặc thù và quan trọng nhất với công chức là tính kỷ luật công vụ, làm cho tốt chức trách của mình, quan hệ với trên, với dưới, với dân.
Thứ 2, kỷ luật về chính trị tức là phải trung thành với chế độ. Không phải người này yêu nước hay không mà đã ở trong hệ thống anh phải trung thành với đất nước, quốc gia, với Đảng.
Đấy là tiêu chí còn đừng đòi hỏi tài năng của hệ thống công chức là cái gì đột phá vì anh phải làm đúng quy chuẩn, quy chế và anh phải làm tốt công việc của mình.
Ông cũng phân tích thêm, bây giờ cái gì cũng chức vụ, bằng cấp. Điều đó không phải không quan trọng và nó vẫn kích thích tâm lý ngày xưa là thích làm quan. Trong khi đó, bộ máy cần các công chức có tính chuyên nghiệp rất cao.
“Tại sao đội bóng đá Việt Nam chỉ cần có 2 nhân tố là người dẫn dắt giỏi và đá chuyên nghiệp, trung thực là thay đổi ngay”, ông so sánh.
Giải thích thêm về câu nói “công chức tài năng là phải đánh máy giỏi”, trong cuộc tranh luận hôm qua, ông Quốc cho hay: “Ở đây tôi nói, người đánh máy thì phải đánh máy giỏi, đừng để nhầm cách diễn đạt không đúng thôi. Cũng như bác sĩ công phải là bác sĩ giỏi. Bác sĩ giỏi không phải chỉ thực hiện chức trách nghề nghiệp mà làm tăng giá trị của bệnh viện công. Hay thầy giáo cũng như vậy”.
Theo ông, chữ công chức là ở nghĩa đó, nó tạo ra một chuẩn mực để có thể một hệ quy chiếu, hệ thống giá trị cho toàn xã hội.
ĐB tỉnh Đồng Nai nêu quan điểm, không phải tài năng là người xuất chúng mà nhân tài ngày xưa là anh nào dùng đúng việc anh đấy và điều đó mới phát huy được sức mạnh của xã hội.
Còn xuất chúng là chuyện khác chứ không phải chỉ công chức. Tư nhân họ cũng tranh thủ, mua chất xám và cái đó nên để luật khác làm còn luật Công chức rất chung, đừng đòi hỏi xuất chúng, còn nếu xuất chúng đã làm lãnh đạo rồi.
( C. H sưu tầm)