Lời kể của những gia đình có con mất liên lạc trên đường sang Anh
Nguồn: Báo Điện tử VnExpress
Bỏ ra gần một tỷ đồng, một số lao động Việt Nam được hứa hẹn đưa sang Anh làm việc với thu nhập cao.
Tại Hà Tĩnh, trưa 26/10, trong căn nhà cấp bốn ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, ông Phạm Văn Thìn (55 tuổi), người trình báo con gái Phạm Thị Trà My (26 tuổi) mất tích ở Anh cho biết, ngày 3/10, My rời Việt Nam, sang Trung Quốc rồi đi qua Pháp và Anh.
|
Ông Phạm Văn Thìn. Ảnh: Đức Hùng |
"Ngày 23/10, My nhắn tin vào điện thoại của mẹ nhưng bà ấy không để ý nên chưa đọc. Sáng hôm sau, con trai út cầm máy lên thấy, gọi lại có đổ chuông song không ai bốc máy", ông Thìn kể và cho hay nhiều khả năng con gái ông là nạn nhân được phát hiện chết trong xe container tại Anh.
My là con thứ hai trong gia đình có 3 anh chị em. Vài năm trước, khi đang học cao đẳng ở Vinh (Nghệ An), cô bỏ ngang để đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Năm 2019, về nước My dồn tiền mua ôtô cho anh trai đi lái taxi, sau đó tiếp tục liên hệ với nhiều người để qua Anh làm ăn.
Ông Thìn cho biết, chi phí sang Anh là 950 triệu đồng, đi theo diện liên hệ với người quen, không có hợp đồng. Trước khi xuất cảnh, họ yêu cầu nộp trước 22.000 USD (khoảng 500 triệu đồng), khi sang Anh thành công sẽ thu nốt số tiền còn lại. Từ hôm 23/10, khi có tin 39 người chết được phát hiện trên xe container ở Anh, người chịu trách nhiệm đưa My đi đã không liên lạc với gia đình.
Bà Nguyễn Thị Phong (mẹ Trà My) nói: "Tôi khuyên con ở nhà lấy chồng, nhưng nó bảo cố đi nốt chuyến này, kiếm tiền trả nợ giúp bố mẹ thoát nghèo đã rồi tính chuyện lập gia đình sau". Gia đình bà Phong buôn bán nhỏ ở chợ huyện. Hai con trai đã nhiều tuổi song không có nghề nghiệp ổn định.
Cách nhà ông Thìn 15 km, ông Nguyễn Đình Gia (trú xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc) cũng trình báo có con trai Nguyễn Đình Lượng (20 tuổi) mất tích từ hôm 23/10.
|
Ông Nguyễn Đình Gia kể về quá trình làm việc của con trai ở châu Âu. Ảnh: Đức Hùng |
Ông Gia cho biết, tháng 8/2017, Lượng sang Pháp làm việc qua giới thiệu của một số người quen, chi phí cho chuyến đi khoảng 18.000 USD. Cậu bay từ Việt Nam sang Nga, sau đó tới Ukraine rồi Đức, đến ngày 27/4/2018 mới đến Pháp. Tại đây, Lượng làm trong một nhà hàng do người Việt Nam quản lý được một năm hai tháng, lương mỗi tháng gần 50 triệu đồng.
"Ngày 10/10, con gọi điện về, nói giờ nợ gần trả xong, sắp tới muốn sang Anh làm việc sơn móng tay, móng chân cho một số cơ sở thẩm mỹ, thu nhập cao gấp 3-4 lần hiện tại. Cháu bảo đã liên hệ, có người Việt Nam ở châu Âu hứa đưa sang Anh, nếu thành công nhờ bố mẹ gửi tiền sang để trả cho họ", ông Gia nói.
Theo ông Gia, Lượng nói từ Pháp đi sang Anh có hai lựa chọn cách đi. Một là "cỏ", hai là "VIP". "Cỏ" là đi khổ cực, dễ bị lộ còn "VIP" là cách đi ít vất vả, an toàn, được đảm bảo, tỷ lệ bị phát hiện thấp. Phương án đi có thể di chuyển bằng các xe tải phủ bạt che kín, hoặc xe container.
Lượng chọn cách đi "VIP". Ngày 21/10, qua mạng xã hội, cậu thông báo cho người thân biết đang đến Paris (Pháp). Ngày 24/10, một người chủ cũ ở của Lượng ở Pháp gọi điện về cho ông Gia, nói "xe chở con ông sang Anh gặp tai nạn rồi". Ông Gia có linh cảm con mình là một trong số những nạn nhân trong xe container ở Anh, song vẫn hy vọng vào điều may mắn.
Tại Nghệ An có 5 gia đình cũng đang ngóng tin con mất tích ở Anh. Ông Nguyễn Đình Sắt (65 tuổi, trú xã Đô Thành, huyện Yên Thành) nói, con trai Nguyễn Đình Tứ (26 tuổi) mất tích hôm 23/10, nay chưa rõ tung tích nhưng vẫn lập bàn thờ cúng viếng.
|
Ông Nguyễn Đình Sắt. Ảnh: Văn Hải |
Tứ làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động theo đường chính ngạch sang Rumani vào năm 2018, chi phí 70 triệu đồng. Sang Đông Âu, cậu tiếp tục qua Đức. Ngày 20/10, Tứ gọi điện về báo đã có mặt tại Pháp, chuẩn bị nhập cư vào Anh. Những ngày sau, cậu bặt vô âm tín.
Ngồi thất thần bên hiên nhà, ông Sắt nói gia đình có 5 người con, Tứ là cậu út, hiện mới xây nhà nên muốn xuất ngoại vài năm kiếm tiền về trả nợ. Mấy hôm nay, các thành viên trong gia đình luôn thấp thỏm, đứng ngồi không yên, xem tivi, đọc báo thường xuyên để theo dõi hình của Tứ.
Ở xóm Yên Hội (xã Đô Thành), ông Lê Tuân có con Lê Văn Hà (30 tuổi, con trai thứ hai) cũng rơi vào trạng thái lo lắng tương tự. Hà xuất ngoại ba tháng trước. Ban đầu bay sang Malaysia, sau đó đi qua nhiều nước châu Âu, chờ cơ hội vào Anh.
Trong cuộc điện thoại ngắn gọn gọi về cho bố hôm 21/10, Hà nói đang ở Pháp và chuẩn bị qua Anh. Ông Hà cho hay không am hiểu về đường đi của con ra sao nên cũng chỉ dặn dò ngắn gọn "hãy giữ gìn sức khỏe và nhớ gọi điện về khi đang sang tới nơi".
"Không biết con trai đi theo công ty nào, chỉ nghe nó nói để tới được Anh thì tốn hàng chục nghìn USD. Tôi lên ngân hàng cầm cố hai sổ đỏ, lấy tiền cho xuất ngoại. Giờ lành ít dữ nhiều, gia đình rất sốc", ông Tuân nói.