Tại đây, ông Đào Hồng Tuyển, Phó chủ tịch Thường trực Hội thay mặt đoàn trao tặng 10 tỷ đồng cho đại diện UBND tỉnh Bến Tre.
|
Lãnh đạo Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển chụp ảnh với nguyên Phó thủ Tướng Trương Vĩnh Trọng và Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn.
|
Ông Đào Hồng Tuyển cho biết việc trao tặng 10 tỷ đồng cho UBND tỉnh Bến Tre để phục vụ đầu tư cho các công trình giáo dục, giao thông, đền ơn đáp nghĩa. Bởi Bến Tre là tỉnh giàu truyền thống cách mạng, kiên cường, bất khuất, đóng góp to lớn cho 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhưng kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn.
Cùng với lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre, các thành viên trong Hội đã đi thăm bến Thạnh Phong ở huyện Thạnh Phú. Với vị trí có tầm chiến lược quân sự, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Mỹ, các lực lượng cách mạng đã chọn Thạnh Phong làm căn cứ địa, và là một trong những bến tiếp nhận vũ khí của đường Hồ Chí Minh trên biển. Người đầu tiên mở đường ra Bắc xin vũ khí, tài liệu phục vụ kháng chiến chống Pháp chính là nữ tướng Nguyễn Thị Định.
|
Ông Đào Hồng Tuyển cùng các cán bộ Đoàn tàu không số ôn lại kỷ niệm chuyến tàu đầu tiên rời Bến Tre ra Bắc nhận vũ khí.
|
Tiếp đón Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam - Đoàn tàu không số, ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết, ngoài tập trung cho công tác phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua tỉnh luôn chăm lo cho người có công với cách mạng thông qua việc triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách.
Trên địa bàn tỉnh có hơn 6.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 35.000 liệt sĩ, 16.000 thương binh, trên 5.000 gia đình có công. Vì vậy, ngoài nguồn ngân sách của Nhà nước, các nhà tài trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp thành công đã hỗ trợ Bến Tre rất nhiều.
“Đối với số tiền ủng hộ của Hội và cá nhân ông Đào Hồng Tuyển, Bến Tre sẽ sử dụng một cách nghiêm túc và ý nghĩa, xây dựng công trình đúng tầm và nguyện vọng của đoàn. Năm 2020, Bến Tre sẽ kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17-1-1960/17-1-2020), công trình do ông Đào Hồng Tuyển trao tặng sẽ nằm trong 60 công trình tỉnh đang tập trung hoàn thành trước dịp lễ” - ông Nguyễn Trúc Sơn nhấn mạnh.
Cách đây 10 năm, nếu từ TP Hồ Chí Minh xuống Bến Tre phải qua phà Rạch Miễu, Hàm Luông, Cầu Ván. Nhưng nay trên toàn tuyến hơn 80km, 3 bến phà trên đã được thay thế bằng 3 cây cầu hiện đại, thông thoáng. Diện mạo tỉnh Bến Tre so với 10 năm trước thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần mọi tầng lớp nhân dân ngày càng được cải thiện.
Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người không quá 15 triệu đồng/năm, nay tăng lên 39 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh dưới 5%, thu ngân sách từ dưới 1.000 tỷ đồng/năm nay tăng lên 5.000 tỷ đồng/năm, tự cân đối được trên 50%.
|
Đại diện hội dâng hương tại di tích Đài tưởng niệm Đoàn tàu không số.
|
Một niềm vinh dự đối với người dân Bến Tre vào tháng 6-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 683/QĐ-TTg về việc công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Theo đó, công nhận huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre là vùng An toàn khu của Trung ương đặt ở tỉnh Bến Tre bao gồm địa bàn 18 xã, thị trấn: An Điền, An Nhơn, An Quy, An Thạnh, An Thuận, Bình Thạnh, Đại Điền, Giao Thạnh, Hòa Lợi, Mỹ An, Mỹ Hưng, Phú Khánh, Quới Điền, Tân Phong, Thạnh Hải, Thạnh Phong, Thới Thạnh và thị trấn Thạnh Phú.
Trên tinh thần đó, UBND tỉnh Bến Tre đã quyết định sử dụng ngân sách và dành 10ha đầu tư Công viên đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, phục dựng lại Đoàn tàu không số, phục dựng lại bến cảng biểu tượng, tượng đài hình chiếc tàu...
Tin, ảnh: MINH TUẤN
( C. H sưu tầm)