Ngày 7-11, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn với nhóm vấn đề đầu tiên là việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; việc sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Cụ thể là việc thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ liên thông, ở cấp tỉnh là Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính; Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng; hợp nhất cơ quan chuyên môn với ban Đảng, đang thực hiện tại 1 địa phương, giữa Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh; hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh...
|
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân |
Vấn đề biên chế công chức, theo báo cáo của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, tính đến 30/9/2019, cả nước có gần 254.000 biên chế, tính cả số dự phòng năm 2020, giảm được 8,7% so với số biên chế được giao năm 2015.
Vấn đề nan giải trong tinh giản biên chế vẫn nằm ở khối các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là biên chế ngành giáo dục, y tế vì thực tế, biên chế viên chức các ngành này chưa đáp ứng được yêu cầu công tác, nhưng ký hợp đồng tuyển thêm thì lại trái với quy định pháp luật.
Con số chính thức, từ năm 2015 đến nay, khu vực này mới tinh giản được 40.500 người.
Nhóm vấn đề thứ hai đặt ra với Bộ trưởng Nội vụ là công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch; chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Trong nhóm vấn đề này, việc cải cách tiền lương được Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề cập. Theo báo cáo, hiện Bộ Nội vụ đang cùng các cơ quan tổng hợp, đánh giá thực trạng chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý qua các giai đoạn, rà soát văn bản quy định về chính sách tiền lương, trên cơ sở đó, đề xuất thiết kế bảng lương và chế độ phụ cấp theo nội dung cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27 của Trung ương.
Kế hoạch, sau khi tổng hợp, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Bộ Chính trị quy định cụ thể chế độ tiền lương mới để làm căn cứ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện từ năm 2021.
Nhóm vấn đề thứ ba là công tác đánh giá, xử lý vi phạm của cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, tư lệnh ngành Nội vụ cho biết, việc đánh giá tại 32 Bộ, ngành Trung ương và 63 địa phương cho thấy những con số thống nhất, ổn định.
Phương Thuỷ
PS st Theo CAND online