Đã có một thời gian tôi nghiên cứu khoa học về chủ đề thay đổi mực nước biển trong hiện đại và là thành viên nhóm nghiên cứu về vấn đề nước biển dâng được ghi nhận trong khoảng thời gian 20.000 năm trở lại đây ở khu vực Biển Đông Việt Nam trong khoảng từ năm 2003 - 2010. Vì vậy, khi đọc toàn văn của nghiên cứu trên tạp chí Nature Communications, tôi có một vài nhận định.
|
Bản so sánh kết quả nghiên cứu cũ và nghiên cứu mới công bố về ảnh hưởng của nước biển dâng đối với miền Nam Việt Nam. |
Bài báo nghiên cứu hướng trọng tâm vào việc giải quyết các nhược điểm của mô hình số độ cao (DEM - Digital Elevation Model) vốn có sai số khá lớn (tầm 2,5 - 3,7m tại Úc và Mỹ) đặc biệt tại các khu đô thị hoá cao.
Bài báo đó đưa ra mô hình "bồn tắm" (bathtub) cho rằng mực nước biển sẽ ảnh hưởng tất cả các khu vực ngập nước bên trong lục địa có độ cao từ 0-10m và hiệu chỉnh độ cao các khu vực này về 0,25 và 1,00m để làm căn cứ tính mức ảnh hưởng của mực nước biển.
Về các kịch bản biến đổi khí hậu, bài báo sử dụng các nghiên cứu trước đây chủ yếu theo hai kịch bản chính. Kịch bản mực nước dâng thông thường đã được công nhận khá phổ biến là mức dâng toàn cầu từ 30 - 100 cm và kịch bản tan băng 2 cực có đột biến tách các núi băng.
Dựa trên bài báo trên và phương pháp tiếp cận mới được minh hoạ trên website của Climate Central để New York Times đã đưa ra hình ảnh minh hoạ như ta thấy.
Bài báo trên tạp chí Nature Communications cũng nêu, mô hình "bồn tắm" được đưa ra nhằm giải quyết sai số lớn do các mô hình DEM hiện tại chưa thể giải quyết, tuy nhiên bản thân mô hình này lại có những vấn đề mới.
Đó là chưa tính toán đến việc chênh lệch do thuỷ động lực và tác động của các hệ thống đê, kè sông biển. Với đặc thù sông ngoài chằng chịt thì rõ ràng việc áp dụng mô hình "bồn tắm" sẽ ảnh hưởng lớn đến cách nhìn nhận đánh giá về nước biển dâng. Trong phần bình luận, bài báo cũng tự nhận phương pháp có xu thế "overestimate exposure from episodic flooding".
Tuy nhiên, một vấn đề mà bài báo chưa đề cập đến là tác động của sụt lún địa phương. Sụt lún các đô thị lớn tại Tp.HCM cũng giống như Bangkok hay Jakarta do khai thác nước ngầm quá mức và bê tông hoá tầng mặt khiến đất kém ngậm nước và giảm trương lực chưa được đề cập trong bài nghiên cứu.
Như vậy có thể có một vài kết luận:
Thứ nhất, bài báo trên tạp chí Nature Communications mang tính tổng quát, đưa ra phương pháp nhiều hơn là một kết luận. Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp mới thì cách nhìn nhận về mô hình sẽ hoàn toàn thay đổi.
Theo mô hình đó, kịch bản 2050 của Việt Nam sẽ vô cùng nguy kịch khi trên 10% dân số bị ảnh hưởng nặng nề. Bài báo trên NewYork Times là hình ảnh của đồng bằng Nam Bộ, nhưng khi dùng mô hình cho khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ ta cũng có kết quả tương tự. Vùng ảnh hưởng là vô cùng rộng lớn so với kết quả cũ.
Thứ hai, bài báo trên tạp chí Nature Communications đơn thuần là về mô hình, các nhận định về biến đổi khí hậu vẫn như cũ. Do đó, các nhận định về việc cường hoá các biến đổi chỉ là suy diễn. Thực trạng biến đổi khí hậu vẫn xấu như cũ, không kém đi và cũng không tốt lên so với các dự báo cũ.
Do vậy, trọng tâm của việc trao đổi sẽ cần bàn là mô hình như vậy thì tính khả tín đến đâu trong việc xây dựng chính sách quy hoạch đô thị.
Thứ ba, mực nước biển thay đổi do tác động con người chỉ là một phần trong toàn bộ bức tranh về biến đổi khí hậu.
Ví dụ, trong hình là ngấn biển trên vịnh Hạ Long, để có được ngấn biển này, mực nước biển đã cao hơn ngày nay 2-4m khi chưa hề có tác động của công nghiệp hoá.
Và cách đây 20.000 năm, khi kỷ băng hà thì mực nước biển thấp hơn hiện nay cỡ khoảng 120m, chúng ta có thể đi đường bộ sang Indonesia. Đó là lý do tại sao cư dân Tây Nguyên có hệ ngôn ngữ Đa Đảo giống Indonesia và Malaysia.
Trong vòng 20.000 năm đó, mực nước biển tăng 120m, trái đất ấm lên vì lý do tự nhiên. Có thể search từ khoá "Milankovitch cycles" nếu bạn muốn tìm hiểu thêm nguyên nhân.
Nhân loại hiện nay may mắn sống trong giai đoạn nước biển "tự nhiên" đang có xu hướng hạ xuống. Nếu không tác động của nước biển dâng còn ghê gớm hơn nhiều. Lịch sử trái đất đã ghi nhận những trận đại hồng thuỷ khi nước biển tăng đột ngột hơn chục mét, sóng thần lớn do vỡ núi băng hai cực.
Thứ tư, hình ảnh cuối trong bài nghiên cứu trên trang Nature Communications là minh hoạ các thành phố bị ảnh hưởng. Kết quả nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa các mô hình và không có hình ảnh của Việt Nam. Hình ảnh của Việt Nam có được là do NewYork Times bổ sung dựa trên mô hình mới.
Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng trường ĐH Phú Xuân, Huế
Chú thích:
Bài báo trên New York Times: https://www.nytimes. com/…/cl…/coastal-cities- underwater.html
Bài báo khoa học trên Nature Communications: https://www. nature.com/articles/s41467- 019-12808-z
Mô hình trên Climate Central: https://coastal. climatecentral.org/map/9/100. 8958/13.6789/