60 năm trường THPT Hà Trung, Thanh Hóa

Ngày đăng: 04:39 09/11/2019 Lượt xem: 1.052
 
60 NĂM TRƯỜNG PTTH HÀ TRUNG
 
    Hà Trung là một huyện cửa ngõ tỉnh Thanh Hóa, là quê hương có biết bao huyền thoại và di tích như: Lăng miếu Triệu Tường, Đền Hàn Sơn, Đến Sòng Sơn, Ly cung nhà Hồ…Khí thiêng sông núi đã hun đúc nên nhân tài và truyền thống hiếu học của người Hà Trung. Bởi vậy dù là mảnh đất nghèo nhưng bất luận trong hoàn cảnh nào, người Hà Trung cũng chắt chiu, chịu khó lo toan cho việc học, nuôi chí lớn.
    Chính vì thế ngôi trường PTTH Hà Trung sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này không phải là ngẫu nhiên, mà đó là quá trình lâu dài và sự tiếp nối của nhiều thế hệ thày trò và của bao thế hệ người Hà Trung tạo dựng nên. Đến nay hơn nửa thế kỷ trôi qua, trường  PTTH Hà Trung đã lớn lên và tự khẳng định mình, là một trong những con chim đầu đàn của Ngành Giáo dục tỉnh Thanh. Thời kỳ 1959 – 1964, xuất phát từ nhu cầu phát triển văn hóa, nâng cao trình độ học phổ thông lúc bấy giờ, tháng 9 năm 1959 Trường cấp III Hà Trung được thành lập. Đây là một mốc lịch sử quan trọng mở ra một vùng ánh sáng mới cho khu vực phía Bắc xứ Thanh.
    Ngay khi mới bước vào những tháng năm đầu tiên xây dựng, trường đã nhận một trọng trách hết sức lớn lao, trường phải phấn đấu trở thành trung tâm văn hóa- khoa học- giáo dục của cả vùng. Với 16 thấy cô, thầy Mai Văn Chới được cử làm Hiệu trưởng nhà trường. Đây là thời kỳ nhà trường có bước chuyển biến mạnh mẽ thực hiện nguyên lý giáo dục: “ Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”. Cơ sở vật chất lúc đầu chỉ vẻn vẹn 6 phòng học làm từ tranh tre nứa lá. Để khắc phục khó khăn về vật chất và phấn đấu nhanh chóng ổn định tư tưởng, thầy trò nhà trường đã hăng hái trong việc xây dựng trường mới. Sau mỗi buổi trên lớp, thầy trò lại kéo những xe bò cát, luồng, tranh tre để xây dựng trường. Mặc dù nhân dân khu vực gần trường, đời sống còn nghèo khó, nhưng họ vẫn tạo điều kiện đùm bọc thầy trò vượt qua khó khăn.
    Thời kỳ những năm 1965, giặc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam và mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân. Chúng ném bom vào trường học, bệnh viên, khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp. Địa bàn Hà Trung là nơi chúng tập trung đánh phá ác liệt, các địa danh Đò Lèn, Cầu Cừ, Tống Giang và biết bao tên đất, tên làng đã đi vào lịch sử. Thời kỳ này công đoàn nhà trường đóng vai trò tích cực trong việc động viên giáo viên tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, điển hình là phong trào “4 tốt” (Công tác tốt, học tập tốt, lao động tốt, đời sống tốt). Hòa chung với khí thế “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, thầy trò nhà trường đã tham gia tải thương, tải đạn, đào hầm hào nguỵ trang trận địa pháo và nhiều thầy trò tình nguyện lên đường ra trận. Những năm tháng chiến tranh nhà trường phải gồng gánh sơ tán về Hà Lai, Hà Vân, Hà Thanh, Hà Thái, Hà Tân. Tuy gian khổ khó khăn, nhưng thầy trò đã vượt lên để dạy tốt, học tốt.
    Trong thời gian 10 năm của cuộc chiến tranh phá hoại, nhà trường sơ tán 6 địa điểm, lúc lên phía Tây, khi xuống phía đông. Đây là thời kỳ vất vả nhưng có nhiều kỷ niệm sâu sắc. Các thầy Hiệu trưởng Nguyễn Bá Thâu, Nguyễn Danh Dự, Lê Ngọc Giớm là những con chim đầu đàn cùng với tập thể giáo viên ngày đêm bám trường, bám lớp, hết lòng vì học sinh. Trong hoàn canh ác liệt của chiến tranh, đã toát lên sự đồng cảm, gắn bó thương yêu nhau cùng với sự  giúp đỡ của nhân dân địa phương mà thầy trò đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Khi Miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục, thầy hiệu trưởng Nguyễn Danh Dự cùng toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường, đã năng động, sáng tạo, tập trung công sức để xây dựng lại cơ sở vật chất của nhà trường. Hàng vạn viên gạch, ngói đỏ được ra lò từ bàn tay của thầy trò nhà trường. Từ đó mà cơ sở vật chất của trường được khang trang, cảnh quan nhà trường được thay đổi đáng kể.
    Bước vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và làn rộng trên phạm vi cả nước. Cơ sở vật chất của nhà trường bị xuống cấp, đời sống nhân dân, cán bộ, giáo viên khó khăn, kèm theo lụt lội mất mùa liên miên. Để chèo lái con thuyền nhà trường vượt qua khó khăn thử thách, cần phải có một quyết tâm, nỗ lực của tập thể cán bộ giáo viên nhà trường. Tháng 12/1986, Đảng CS Việt Nam khởi xướng đường lối đổi mới. Nó như một luồng gió mới thổi về, đã làm thay đổi bộ mặt ngành giáo dục cả nước nói chung và trường cấp III Hà Trung nói riêng. Đến năm 1986-1987, trường cấp III Hà Trung đổi tên thành trường PTTH Hà Trung. Thời kỳ này cán bộ, giáo viên không ngừng được nâng cao chất lượng dạy và học. Ghi nhận sự cố gắng và phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ giáo viên nhà trường, năm 1999, trường PTTH Hà Trung đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
    Với tư thế của nhà trường có bề dày thành tích xây dựng và phát triển, trường PTTH Hà Trung đã chủ động mở rộng dạy nghề và cấp chứng chỉ nghề cho học sinh.   
    Một niềm tự hào là 472 học sinh ra đi từ mái trường này vào Nam đánh Mỹ và đã anh dũng hy sinh. Trong số họ có nhiều liệt sĩ Trường Sơn. Họ đã viết nên bản anh hùng ca đẹp nhất cho quê hương và cho mái trường thân yêu.
 Tháng 3/2008 trường vinh dự được công nhận là trường chuẩn Quốc gia. Liên tục những năm 2007, 2008, 2009 nhà trường nằm trong tốp 100 và 200 trường trong toàn quốc có tỷ lệ đỗ Đại học cao. Trường vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân Chương Lao động hạng Nhất.
     Chặng đường 60 năm qua nhà trường đã vượt biết bao thử thách, các thế hệ thày trò nhà trường đã giành được những thành tựu xuất sắc. Lớp lớp học sinh đã trở thành các nhà lãnh đạo, những nhà khoa học phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Những thành tựu đó và truyền thống cách mạng vẻ vang đã và đang tạo thêm nguồn lực mới, để nhà trường tiếp tục phấn đấu, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn to đẹp hơn./
 
Bùi Văn Hoằng
CTV Trang TT&BT Trường Sơn
 

 
.
 

tin tức liên quan