Quốc hội chuyên nghiệp

Ngày đăng: 08:06 26/11/2019 Lượt xem: 542

                                      Quốc hội chuyên nghiệp

                                                       Nguồn: Báo Điện tử VnExpress

Những ngày Quốc hội đang họp, tôi nhớ câu nói được lưu truyền về hoạn lộ ở Việt Nam ta: "Tiến vi bộ, thoái vi ban, cơ nhỡ lang thang thì về Quốc hội".

 

Chính đại biểu Phùng Văn Hùng đã nhắc đến câu này trong phiên thảo luận tại nghị trường ngày 16 tháng 6 năm 2014, khi góp ý về Luật Tổ chức Quốc hội. Ông đã sửa đôi chút từ ngữ cho bớt sự nôm na.

Cuối những năm chín mươi, khi còn làm phóng viên đưa tin về Quốc hội, tôi từng nghe nhiều lần câu này và các dị bản của nó ở hành lang, trong "Nhà kính" - trung tâm báo chí của Hội trường Ba Đình cũ.

Việt Nam tuy chưa coi chính trị gia là một nghề cần đào tạo chuyên nghiệp như bao nghề khác, nhưng làm quan cũng đã trở thành đường đi công khai của rất nhiều người. Sự chuyên nghiệp của các đại biểu ở cơ quan dân cử, mỗi năm đến kỳ chất vấn lại trở thành một vấn đề day dứt với đông đảo cử tri.

Nhưng cho đến lúc này chúng ta chưa có "đại biểu chuyên nghiệp" mà đang chỉ có "đại biểu chuyên trách". Chuyên trách chưa phải là chuyên nghiệp.

Một trong những ý kiến đáng chú ý nhất về vấn đề này là bài viết của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng hồi năm 2003, lúc đó đương nhiệm giám đốc Trung tâm Thông tin, thư viện và nghiên cứu khoa học thuộc Văn phòng Quốc hội. Ông Dũng cho rằng "giữa hai thuật ngữ chuyên trách và chuyên nghiệp, các nhà lập pháp nước ta đã lựa chọn chuyên trách để chỉ những đại biểu làm việc toàn thời gian cho Quốc hội. Đây là một sự lựa chọn tinh tế và chính xác".Trong bài viết đó, đến nay đã gần 2 thập kỷ, tiến sĩ Dũng đặt kỳ vọng về lộ trình tiến lên chuyên nghiệp hóa của các đại biểu "chuyên trách" để rồi xây dựng một Quốc hội chuyên nghiệp thực sự.

Vậy chuyên nghiệp và chuyên trách khác nhau ở chỗ nào, và vì sao chúng ta phải sử dụng một thuật ngữ "made in Vietnam" quá lâu cho một công việc mà nội dung và hình thức dường như không thể rõ hơn là "đại biểu quốc hội"?

Ở nơi tôi sống, Australia, một nghị sĩ nếu không giữ ghế trong Chính phủ, Đối lập hay trưởng các bộ phận của Quốc hội thì lịch trình hoạt động vẫn dày đặc bởi những đòi hỏi của khu vực bầu cử mà người này đại diện cũng như các vấn đề lập pháp liên quan. Ngày làm việc thường bắt đầu từ bảy giờ sáng, và nhiều khi kéo dài tới chín giờ khuya, nhất là vào những thời điểm quốc hội nghị sự. Nghị sĩ đi gặp các nhóm lợi ích, đi thực tế tìm hiểu thông tin về đời sống, sản xuất, về môi trường, thăm các cơ sở đào tạo và chăm sóc y tế, đọc tài liệu và chuẩn bị các bài phát biểu.

Những người chuyên nghiệp này nhận mức lương tối thiểu là 207.100 AUD, gấp 10 lần mức sống trung bình của công dân Australia. Trong một guồng quay chuyên nghiệp, nếu dừng lại sẽ là mất phiếu, và tất nhiên, mất việc - một công việc thu nhập gấp 10 người thường. Suy cho cùng, thì "chuyên nghiệp" được hiểu một cách đơn giản chỉ là một cơ chế khiến người ta phải làm việc đúng và có trách nhiệm với vị trí của mình.

Nhiều lúc, chúng ta đã có cảm giác về sự chuyên nghiệp trong cơ quan dân cử. Nhưng cảm giác đó qua đi rất nhanh.

Tôi còn nhớ giai đoạn 2004-2007, mỗi khi phiên họp của Hội đồng nhân dân TP HCM được tổ chức, cử tri và báo chí đều chờ đợi những hành động của ông Đặng Văn Khoa. Hay ở những khóa đầu thời kỳ chất vấn Quốc hội được truyền hình trực tiếp, là những lần Thiếu tướng Nguyễn Quốc Thước đứng dậy đặt câu hỏi.Ông hội đồng Khoa, hay danh sách "Nhất Thước nhì Trân, tam Lân tứ Thuyết" trên diễn đàn Quốc hội để lại những giai thoại về các hoạt động bước đầu mang dấu ấn chuyên nghiệp của những dân cử.

Nhưng sự chuyên nghiệp không được tạo ra bởi những cá nhân đơn lẻ có tính giai đoạn, nó phải được xây lên từ gốc rễ. Và mỗi một nhiệm kỳ Quốc hội qua đi, niềm mong mỏi về một cơ quan dân cử chuyên nghiệp lại càng lớn lên.

Cũng trong phiên thảo luận về Luật tổ chức Quốc hội năm 2014, đại biểu đoàn TP HCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, đã phát biểu: "Nếu không có một cơ chế đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp thì muôn thuở đại biểu vẫn phải ăn, phải sống, lệ thuộc rất nhiều vấn đề khác... nên không thể nói chính kiến của mình một cách độc lập được". Thực tế, quá trình hoạt động đại biểu của bà Tâm là minh chứng rõ nhất cho những khó khăn mà bà đã tâm sự hơn 5 năm về trước.

Tìm hiểu về hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách, tôi thấy, phụ cấp dành cho các đại biểu được tính theo hai cấp dựa trên lương cơ bản. Theo đó, ước tính mỗi một đại biểu khi "lên chuyên trách", phụ cấp sẽ tăng thêm từ hai đến ba triệu đồng. Chắc tôi không cần bình luận thêm về con số này nữa hay so sánh với đại biểu quốc hội chuyên nghiệp ở các nước khác nữa. Nói như lời của ông Nguyễn Sĩ Dũng, thì đại biểu chuyên trách với mức lương quy định có thể sống trong cảnh "cơm niêu, nước lọ".

Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng nhìn vào thực tế hoạt động của Quốc hội, rõ ràng đòi hỏi chuyên nghiệp hóa đại biểu là việc không thể trì hoãn. Một Quốc hội với hai trăm nghị sĩ chuyên nghiệp, xem chính trị là một nghề, thì mức chi phí có thể vẫn thấp hơn một Quốc hội 483 nghị sĩ cơ cấu.

Chừng nào có những người đeo đuổi được làm nghề nghị sĩ với mức thù lao xứng đáng cho sự chuyên nghiệp, chừng đó mới hết tiếng thở dài "cơ nhỡ lang thang thì về Quốc hội".

  Lại Trọng Tình
  ( C. H sưu tầm )

tin tức liên quan