Trump 'bắn nhiều mũi tên' khi đến Afghanistan trong đêm

Ngày đăng: 11:05 29/11/2019 Lượt xem: 377

Trump 'bắn nhiều mũi tên' khi đến Afghanistan trong đêm

Nhà Trắng cho biết Trump đến Afghanistan để thăm binh sĩ nhân lễ Tạ ơn, song Trump bay hơn 13 tiếng trong đêm không chỉ để ăn gà tây.

Trên hành trình đến Afghanistan hôm 27/11, người phát ngôn Nhà Trắng Stephanie Grisham nói với các phóng viên chuyến bay bí mật này "thực sự chỉ vì ngày lễ Tạ ơn và thể hiện sự ủng hộ với các binh sĩ" và "không liên quan đến tiến trình hòa đàm" với Taliban.

Trump rời đi trên chuyên cơ Không lực một vào tối 27/11 ở Mỹ, đến Afghanistan lúc 20h33 và trở về Washington sau hơn 3 giờ. Tổng thống đã có bữa tối truyền thống với gà tây và khoai tây nghiền với các quân nhân, sau đó chụp ảnh và phát biểu trước 1.500 binh sĩ tại một nhà chứa máy bay.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu trước các quân nhân Mỹ, Trump tuyên bố sẽ nối lại các cuộc hòa đàm với phiến quân Taliban bị đổ vỡ chưa đầy ba tháng trước, nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 18 năm.

"Quân đội chúng tôi sẽ ở lại cho đến khi đạt được một thỏa thuận, hoặc giành được 'chiến thắng toàn diện', và Taliban đang rất mong chờ thỏa thuận này", Trump nói trong bài phát biểu. Ông cũng xác nhận sẽ giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ từ khoảng 12.000 - 13.000 xuống còn 8.600 quân nhân ở Afghanistan.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (bên trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên phải) trong cuộc tối 27/11. Ảnh: AP.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (bên trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên phải) trong cuộc gặp tối 27/11. Ảnh: AP.

"Taliban muốn có một thỏa thuận và chúng tôi đang tiến hành các cuộc đàm phán", Trump nhắc lại trong cuộc họp với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tại căn cứ quân sự của Mỹ ở phía bắc thủ đô Kabul.

Theo Michael Crowley, bình luận viên tờ New York times, thông báo bất ngờ của Trump về nối lại các cuộc hòa đàm xuất hiện vào thời điểm quan trọng khi nước Mỹ sa lầy trong tranh cãi về bầu cử và người dân ngày một chán nản với chiến dịch quân sự ở Afghanistan, bắt đầu từ sau vụ khủng bố 11/9/2002.

"Hai bên đã nhất trí rằng nếu Taliban nghiêm túc muốn đạt được một thỏa thuận hòa bình, họ phải chấp nhận một lệnh ngừng bắn. Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng để bất cứ thỏa thuận hòa bình nào có thể được duy trì, hang ổ trú ẩn của các phần tử khủng bố bên ngoài lãnh thổ Afghanistan cần phải bị dẹp bỏ", Ghani chia sẻ trên mạng Twitter.

Nhưng Taliban chưa cho thấy dấu hiệu muốn thực hiện lệnh ngừng bắn. Thay vào đó, nhóm phiến quân khẳng định nhóm chỉ đồng ý đàm phán với các lãnh đạo chính trị của Afghanistan về tương lai của đất nước khi quân đội Mỹ đã rút quân.

Tuy nhiên, chuyến thăm của Tổng thống còn có một mục đích chính trị khác. Trump từng nổi giận và rút khỏi các cuộc hòa đàm với Taliban hồi tháng 9 khi các bên dường như đã "chạm một tay" đến thỏa thuận. Tuy nhiên, hiện ông muốn tìm kiếm một "chiến công" đối ngoại để có thể "kể" trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2020. Nỗ lực đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên và kìm hãm Iran bằng áp lực kinh tế của Trump không đem lại nhiều kết quả.

Trump ăn tối cùng quân nhân Mỹ trong lễ Tạ ơn hôm 27/11. Ảnh: AP.

Trump ăn tối cùng quân nhân Mỹ trong lễ Tạ ơn hôm 27/11. Ảnh: AP.

Trong chuyến thăm, Trump tự hào kể về các chiến tích quân sự của Mỹ trước al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trump cũng cho rằng Taliban sẽ sẵn sàng chấp nhận một lệnh ngừng bắn trong thời gian thực hiện các cuộc hòa đàm. Đây chính là điều mà chính quyền Tổng thống Ghani đã kêu gọi trong các cuộc hòa đàm trước đó.

Trump đến Afghanistan chỉ một ngày sau khi một vụ đánh bom xe khiến 13 người thiệt mạng tại đám cưới ở phía bắc Afghanistan, vùng do phiến quân Taliban kiểm soát.

Nếu đạt được thỏa thuận hòa bình với Taliban hoặc có "chiến thắng toàn diện", tức tiêu diệt hoàn toàn Taliban, Trump sẽ thực hiện được lời hứa "kéo nước Mỹ ra khỏi các cuộc chiến kéo dài vô tận".

Giới lãnh đạo quân đội Mỹ và giới ngoại giao từ lâu đã bỏ ngỏ khả năng giành chiến thắng về mặt quân sự ở Afghanistan. Họ cho rằng cách duy nhất để chấm dứt cuộc chiến này là một giải pháp chính trị.

"Các cuộc hòa đàm là con đường duy nhất đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc chiến, song con đường này sẽ rất dài và trắc trở", theo James Dobbins, cựu đặc phái viên về Afghanistan và Pakistan dưới thời tổng thống George Bush và Barack Obama.

"Trước đây, hai lựa chọn chính là đàm phán hoặc giành chiến thắng trên chiến trường. Tuy nhiên, giờ đây các lựa chọn chỉ còn là đàm phán hoặc đơn phương rút quân", Dobblins nói.

Trump cũng thể hiện quan điểm tương tự khi ông phát biểu trong chuyến thăm, tuyên bố "cuộc chiến sẽ không được định đoạt trên chiến trường" và "cần phải đạt được một giải pháp chính trị".

Các quan chức ngoại giao Mỹ vẫn âm thầm duy trì tiến trình hòa đàm kể từ khi Trump tuyên bố rút khỏi, và có động thái "xoa dịu" như trao đổi tù nhân để xây dựng lòng tin.

"Kể cả sau khi Trump chấm dứt các cuộc hòa đàm hồi tháng 9, Taliban cũng không chỉ trích gay gắt Tổng thống Mỹ. Điều này khiến giới chuyên gia cho rằng nhóm phiến quân vẫn còn 'mặn mà' với Mỹ", Crowney nói.

Chuyến thăm nhân lễ Tạ ơn cũng giúp Trump "hàn gắn" mối quan hệ với Lầu Năm Góc và các lãnh đạo quân đội sau khi can thiệp vào quá trình xét xử binh sĩ phạm tội. Bộ trưởng Hải quân Richard Spencer đã bị buộc thôi việc hôm 24/11 sau khi bí mật thoả thuận riêng với Nhà Trắng về cách xử lý trung sĩ đặc nhiệm Edward Gallagher, vốn ngồi tù vì chụp ảnh với thi thể chiến binh IS và bị cáo buộc bắn dân thường.

Trump quyết tâm đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc chiến ở Afghanistan, ngốn hàng nghìn tỷ USD mỗi năm và tính mạng của nhiều binh sĩ Mỹ. Trong tháng 11, ông đã đến căn cứ không quân Dover ở bang Delaware để tưởng niệm hai quân nhân Mỹ thiệt mạng trong vụ rơi máy bay hôm 20/11 ở Afghanistan.

Trọng tâm của các cuộc hòa đàm trước đó với Taliban là thỏa thuận Mỹ sẽ rút quân nếu như Taliban cắt đứt quan hệ với các đồng minh khủng bố như al-Qaeda và tiến hành đàm phán với chính quyền Afghanistan. Lực lượng Mỹ ở Afghanistan đang luân chuyển binh sĩ mà không đưa thêm quân tới. Hồi tháng 10, Tướng Austin Miller, chỉ huy quân đội Mỹ ở Afghanistan, cho biết số quân đồn trú ở đây đã giảm khoảng 2.000 người trong một năm qua.

Giới quan chức quân sự Mỹ lo ngại nếu Trump quyết tâm rút quân theo lời hứa với cử tri, giảm sự can thiệp của Mỹ ở nước ngoài, an ninh quốc gia sẽ lâm nguy.

Tướng David Petraeus, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở Afghanistan, cảnh báo việc rút quân sớm có thể tạo điều kiện cho Taliban bành trướng ở khu vực, và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, cố vấn thân cận của Trump về chính sách đối ngoại, cũng cho rằng việc rút quân khỏi đây có thể "dọn đường cho một vụ khủng bố 11/9 khác".

Quốc Hưng (Theo NYtimes)

tin tức liên quan