CÁCH MẠNG VIỆT NAM VÀ CÁCH MẠNG LÀO CÓ MỐI QUAN HỆ ĐẶC BIỆT, KHÔNG THỂ TÁCH RỜI, LÀ CỘI NGUỒN CỦA SỨC MẠNH

Ngày đăng: 08:54 30/11/2019 Lượt xem: 402
Kỷ niệm 44 năm Quốc khánh nước Công hòa Dân chủ Nhân dân Lào
(02/12/1975-02/12/2019)
 

CÁCH MẠNG VIỆT NAM VÀ CÁCH MẠNG LÀO CÓ MỐI QUAN HỆ ĐẶC BIỆT, KHÔNG THỂ TÁCH RỜI,
LÀ CỘI NGUỒN CỦA SỨC MẠNH

 
                        Nguyễn Bá Thuyết
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Trường Sơn tỉnh Phú Yên
 
 
 
Kỷ niệm 44 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (02/12/1975-02/12/2019), ôn lại lịch sử chúng ta tự hàovề tình đoàn kết giữa hai Đảng, nhân dân hai dân tộc trong suốt những năm tháng bên nhau chống kẻ thù chung, cùng nhau xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam – Lào là tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, son sắt, thủy chung là cội nguồn của mọi sức mạnh, không một nơi nào trên thế giới có được. Tình đoàn kết đó được xuất phát từ sự gắn liền của tự nhiên địa lý, chính trị từ ngàn đời nay, được nâng lên tầm cao lịch sử ở thời đại mới.
Tháng 6/1925, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập; đến tháng 2/1927, chính tổ chức này gây dựng cơ sở và thành lập chi bộ Thanh niên Cộng sản Lào đầu tiên. Từ đó, đường dây liên lạc giữa các bộ tộc Lào với Việt Nam đã được tổ chức, đi vào hoạt động.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, đặt phong trào cách mạng Việt Nam và Lào Cawmpuchia dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, cũng là thời điểm mở đầu những trang sử vẻ vang của quan hệ Việt Nam- Lào.
Tháng 9/1934, Ban chấp hành Đảng bộ lâm thời Ai Lao được thành lập. Đó là một mốc son lịch sử trong phong trào đấu tranh của nhân dân các bộ tộc Lào và khẳng định sứ mệnh của Đảng bộ Lào, đặt nền móng quan hệ giữa phong trào cách mạng của hai nước Việt Nam - Lào.
Giai đoạn 1930- 1939, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào cách mạng của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào có nhiều ảnh hưởng, thúc đẩy cùng nhau phát triển. Đặc biệt, Hội nghị BCHTW Đảng tháng 5/1941 tại Cao Bằng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, quyết định, đối với cách mạng Đông Dương phải đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Năm 1944, Ban vận động Việt kiều chuyển thành Hội Việt kiều cứu quốc và thành lập Đội Tiên phong. Từ đó các chi bộ Đảng ở Viêng Chăn, Thà Khẹc, Savẳn-nàkhẹt lần lượt được củng cố. Đến đầu năm 1945, Tổng Hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái- Lào, một chi nhánh của  Mặt trận Việt Minh được thành lập nhằm tham gia công cuộc giành độc lập.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Đảng Cộng sản Đông Dương ban hành Chỉ thị nổi tiếng  "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, đẩy cao trào kháng Nhật ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tác động tích cực đến cách mang Lào hỗ trợ lực lượng yêu nước đứng lên đấu tranh giành độc lập. BCHTW Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 14 đến 15/8/1945, phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ở Việt Nam, Tổng khởi nghĩa Tháng Tám dành thắng lợi, đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Lào. Dưới sự lãnh đạo kịp thời, đúng đắn của Xứ ủy Ai Lao, ngày 23/8/1945, một cuộc mít tinh lớn diễn ra ở khu vực chợ Mới đã tạo điều kiện cho các địa phương khác của Lào đứng lên khởi nghĩa thắng lợi.
Ngày 4/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Xuphanuvông đến Hà Nội. Cuộc gặp gỡ đó quyết định đối với việc chọn lựa con đường cách mạng của đất nước Lào. Ngày 3/10/1945, Hoàng thân Xuphanuvông trở về nước tuyên bố: “Quan hệ Lào- Việt từ nay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới...”.
Ngày 12/10/1945, tại cuộc mit tinh lớn ở Viêng Chăn, Chính phủ Lào Ítxalạ thành lập và làm lễ ra mắt, trịnh trọng tuyên bố nền độc lập trước hàng vạn nhân dân Lào. Sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam và Chính phủ Lào tiếp tục khẳng định và đưa tình đoàn kết, giúp đỡ nhau lên tầm liên minh chiến đấu. Sau khi giành được chính quyền, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào - Việt, đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự hợp tác và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung. Trong những năm 1945- 1948, Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào thu được nhiều kết quả, nhất là quan hệ đoàn kết. Tháng 1/1949, Trung ương Đảng quyết định “mở rộng mặt trận Lào - Miên”, củng cố lực lượng Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia. Đến thời điểm này, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trương xây dựng, vận động nhân dân và để cán bộ Lào, Campuchia tự đảm trách công việc. Ngày 30/10/1949, các lực lượng quân sự của Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào được tổ chức thành hệ thống riêng, với tên gọi là Quân tình nguyện. Quân tình nguyện củng cố các LLVT của Lào, thành lập lực lượng giải phóng Pa Thét Lào vào ngày 20/11/1949. Sau khi Chính phủ kháng chiến Lào được thành lập vào tháng 8 năm 1950, do Hoàng thân Xuphanuvông làm Chủ tịch kiêm Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tăng cường đoàn kết quốc tế, nhất là với Việt Nam và Campuchia, cùng nhau đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Với sự  nỗ lực, đoàn kết và phối hợp của Việt Nam, trong hai năm 1951- 1952 cuộc kháng chiến của nhân dân Lào giành được kết quả quan trọng về chính trị, quân sự, văn hóa, ngoại giao. Sau chiến thắng Thượng Lào, Ban cán sự Đảng Lao động Việt Nam tại Lào đã giúp đỡ bạn thành lập “Ban vận động thành lập Đảng nhân dân Lào”. Ngày 7/5/1954, chiến thắng Điện Biên Phủ. Chiến công oanh liệt này đã góp phần thúc đẩy quá trình tan rã của chủ nghĩa thực dân Pháp. Đó là thắng lợi của khối đoàn kết chiến đấu giữa quân đội và nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, cách mạng hai nước Việt Nam - Lào bước vào thời kỳ tập trung xây dựng lực lượng, đẩy mạnh đấu tranh để giữ vững hòa bình, độc lập, thống nhất ở mỗi nước. Tuy nhiên đế quốc Mỹ ra sức can thiệp vào Miền Nam Việt Nam và Lào với tham vọng xâm lược và tấn công vào các nước Xã hội chủ nghĩa.
Ngày 22/3/1955, Đảng Nhân dân cách mạng Lào ra đời, là nhân tố trọng yếu có ý nghĩa thúc đẩy quan hệ đoàn kết giữa hai nước ngày thêm vững chắc. Ngày 10/1/1958, BCHTW Đảng nhân dân Lào gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khẳng định về sự đóng góp quan trọng của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đối với cách mạng Lào.
Ngày 5/9/1962, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Vương quốc Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “...Tình nghĩa láng giềng anh em Việt - Lào thật là thắm thiết không bao giờ phai nhạt được...”. Từ năm 1962 đến năm 1975, với sự nỗ lực vượt bậc của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, cùng với sự đoàn kết giúp đỡ trong sáng của Việt Nam, cách mạng Lào đã lớn mạnh và giành nhiều thắng lợi quan trọng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Những thắng lợi to lớn của cách mạng và nhân dân Việt Nam, nhất là chiến thắng giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Ngày 5/5/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào quyết định phát động toàn Đảng toàn dân, toàn quân Lào nổi dậy giành chính quyền thắng lợi.
Ngày 02/12/1975, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra đời; đó là thắng lợi quan trọng, vẻ vang của mối quan hệ đặc biệt, liên minh đoàn kết chiến đấu, thủy chung giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào. Từ sau năm 1975 đến nay, quan hệ Việt Nam - Lào bước sang một trang sử mới: Từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có nền độc lập, chủ quyền. Vào ngày 18/7/1977, Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được ký kết. Đó là Hiệp ước toàn diện, chiến lược lâu dài, tạo cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng để củng cố và tăng cường tình đoàn kết, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Đây là mốc son lịch sử quan trọng đánh dấu bước ngoặc mới trong quan hệ giữa hai nước. Sau 42 năm tiến hành hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đã đạt những thành quả to lớn, rất đáng tự hào. Trong mọi lĩnh vực chính trị, vực kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, quốc phòng, an ninh và hợp tác giữa các địa phương và ngoại giao nhân dân. Cùng với hợp tác toàn diện, việc giải quyết thành công vấn đề biên giới giữa hai nước là một thành tựu nổi bật, quan trọng. Tự hào về Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam phát triển từ quan hệ truyền thống do các vị lãnh đạo tiền bối cùng các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp, quyết tâm gìn giữ, phát triển đến tầm cao mới.
Đảng bộ và nhân dân Phú Yên, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã có nhiều nổ lực, cống hiến đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Tham gia thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế trong sáng, góp phần to lớn giúp nhân dân các bộ tộc tộc Lào đứng lên giải phóng chính mình với tinh thần quốc tế trong sáng cao cả. Trải qua nhiều hy sinh, gian khổ vì nền độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân của hai nước, nhân dân Phú Yên mãi tiếp tục phấn đấu vì mối quan hệ sống còn Việt Nam – Lào, tiếp tục phấn đấu vì sự nghiệp vĩ đại, vẻ vang của hai dân tộc Việt Nam – Lào, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trên con đường tiến lên CNXH./.
 
_________________________________________
Nguyễn Bá Thuyết
Phó chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh Phú Yên
Quê quán: Đức Thịnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh
67 Nguyễn Văn Cừ, phường 7, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên

tin tức liên quan