Người lính già chịu quá nhiều thiệt thòi - Vũ Huệ

Ngày đăng: 04:38 07/12/2019 Lượt xem: 436
NGƯỜI LÍNH GIÀ CHỊU QUÁ NHIỀU THIỆT THÒI.
                                                             Vũ Huệ

            Hai mươi tuổi Vũ Văn Tường (sinh năm 1939, hiện đang sống tại thôn Yên Thái, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã vào bộ đội. Đó là năm 1959, lớp nghĩa vụ quân sự thứ hai của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Huấn luyện được 6 tháng anh được đưa sang thượng Lào đánh nhau với phỉ Vàng Pao và quân đội của Đại úy Coongle. Hết Bắc, Nam, Lào đến những cánh rừng sâu thẳm nhất, chỗ nào anh cũng có mặt để đuổi giặc cho bạn và mang về cho mình bệnh sốt rét kinh niên, bụng ỏng đít eo, mặt mày xanh nhớt, dáng đi liêu xiêu như một người nghiện. Hết mấy năm nghĩa vụ quân sự  trở về với bộ dạng xanh xao vàng vọt, đầu rụng không còn sợi tóc, ủ rũ với những cơn sốt rét hành hạ thường xuyên. May có bố anh biết nhiều bài thuốc nam chữa sốt rét hiệu nghiệm và cũng nhờ tuổi trẻ chóng phục hồi, mấy tháng sau anh béo tốt hồng hào lại, khỏe như vâm. Chẳng những thế bố anh còn cam đoan với mọi người rằng từ nay về sau rừng thiêng nước độc không bao giờ có thể làm anh sốt rét trở lại nữa. Quả thế, gần chục năm sau này ở chiến trường Miền Nam, anh đã phải chứng kiến và chôn cất bao nhiêu đồng đội chết vì sốt rét. Riêng anh chưa hề lên cơn sốt rét lại lần nào.
            Phục viên năm 1962, anh được giao làm trung đội trưởng dân quân của thôn và từ 1964 là trung đội trưởng dân quân, khẩu đội trưởng Trung liên 14ly5 trực chiến phòng không của xã.  Năm 1968, anh được gọi tái ngũ và vào thẳng chiến trường B ( Miền Nam). Anh chiến đấu ở Quân khu 5, chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Hết  trạm giao liên, hậu cần, công binh rồi trinh sát, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 4 lần được tặng danh hiệu Dũng sỹ Quyết thắng, 1 lần Chiến sỹ Thi đua, 2 Bằng khen, 3 Giấy khen và 8 Huân Huy chương các loại, trong đó có Huân Chương Chiến công Giải Phóng hạng 3, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Hữu nghị của Chính phủ Nhân dân Lào và vinh dự trên hết, anh được kết nạp Đảng ngay tại trận địa năm 1974.
            Miền Nam giải phóng. Do nhu cầu của công tác nhân sự và vì anh là đảng viên có thành tích, đơn vị đặt vấn đề chuyển anh sang công tác ở các cơ quan mới tiếp quản ở  tỉnh Quảng Nam hoặc TP Đà Nẵng lúc đó đang rất thiếu người. Nhưng anh xin phục viên, vì ở quê còn có bố đã ngoài 80 tuổi, vợ và 5 đứa con thơ. Với anh lúc ấy không gì hơn là được trở về,  muốn nhanh chóng trở về đến nỗi không lấy cả giấy chứng thương khi nằm viện vì bị bom hất tung ra khỏi chiến hào, ngất gần cả ngày mới tỉnh.
            Tháng 6-1975, anh chuyển về Đội Bảo vệ của Nông trường Cao phong Hòa Bình, với sức khỏe tiều tụy. Trước kia đang sức, anh cõng được hai quả Roc ket nặng đến 140 kg trên lưng đi đường rừng bốn, năm cây số để tập kết vào trận địa. Về nông trường anh chỉ nặng 42kg, vác khẩu súng trường K44 cũng thấy nặng. Anh đau đầu liên miên, đau khắp mình mẩy, và co quắp người mỗi khi lên cơn đau cấp. Anh bị điếc hai tai và mất hẳn khứu giác. Vì thế năm 1988, Nông trường cho anh đi giám định Y khoa tại Hội Đồng giám định tỉnh Hà Sơn Bình. Hội đồng kết luận anh mất 62 % sức khỏe, và có 6 loại bệnh trong đó đau thần kinh mãn tính, đau cột sống, điếc tai, mất khứu giác ….. anh được về nghỉ mất sức năm 1989. .
            Ở bộ đội về, anh sinh thêm một đứa con gái. Cháu mới sinh ra đã ghẻ  lở toàn thân, đầy những nốt chấm đỏ lở loét trên da và từ lọt lòng đến khi trưởng thành toàn thân cứ thế lở loét, tróc da như quả chay chín bóc vỏ, liên tục chảy nước hôi tanh. Ba mươi tuổi cháu vẫn không có người yêu thương. Gia đình  tìm thầy chạy chữa khắp nơi, cho đến khi gặp may, cháu lên ở tại nhà thầy lang chữa thuốc  lá của một người dân tộc Mường ở Kim Bôi, Hòa Bình. Bệnh tình thuyên giảm, tính tình ngoan ngoãn nên được một người thanh niên ở bản thương yêu xin lấy làm vợ. Các cháu sinh nở được hai lần thì bệnh càng ngày càng giảm được nhiều hơn vì vẫn thường xuyên uống thuốc lá và còn vì, như người dân bảo là do khi sinh nở người đàn bà đã được thay máu.
            Anh về địa phương hăng hái sinh hoạt chi bộ và làm công tác của thôn. Năm 2001 ở địa phương đã xảy ra một vụ kiện của tập thể 29 Cựu chiến binh trong xã. Họ kiện cán bộ huyện và xã  làm sai chính sách chất độc da cam cho nhiều người thân, họ hàng. Việc làm sai đã được thanh tra huyện làm rõ và có kết luận. Những cán bộ làm sai tuy bị kỷ luật nhưng chỉ bị cảnh cáo, phê bình rồi lại vẫn giữ nguyên chức vụ công tác cũ, trong đó có ông Phó Chủ tịch xã sau còn được lên chức Chủ tịch xã. Điều tai hại nhất là những người ký đơn kiện, trong đó có anh. Hàng chục năm sau anh không được xã đưa vào danh sách giới thiệu đi khám Giám định chất độc da cam ở huyện, tỉnh vì những người bị kỷ luật quở trách cảnh cáo ấy vẫn làm ở Phòng LĐTB huyện hoặc các cơ quan quanh huyện, xã. Họ kết bè, kéo cánh trù dập lại một cách ngấm ngầm nhóm người đã ký tên khiếu kiện họ. Trong 29 người ký đơn, sau này chỉ có mấy người là người nhà của cán bộ huyện xã được đi giám định và cấp chế độ, còn anh và mấy người khác 11 năm trời luôn bị xã huyện tìm cách trả lại Hồ sơ về vì những lý do vô lý. Gần nửa số họ đã chết vì bệnh ung thư và đột tử rồi. Còn anh, sống không có niềm vui, lúc nào cũng thấy cuộc đời mình u uất.
            Trong hồ sơ giám định YK năm1988 của HĐGĐ YK tỉnh Hà Sơn Bình, người ta kết luận anh bị 6 loại bệnh nặng trong đó có bệnh thần kinh mãn tính, đấy là thuật ngữ thời bấy giờ, còn khi đi cấp cứu sau này ở BV Quân y 105 Sơn Tây và 103 Hà Đông, người ta kết luận anh bị bệnh thần kinh Ngoại biên cấp tính và bán cấp tính,…. Sau 11 năm kêu xin , năm 2015 người ta mới cho anh đi khám GĐYK, nhưng lúc này chính sách đã thay đổi, hồ sơ bệnh án Bệnh Thần kinh ngoại biên phải từ trước ngày nào ấy của năm 2009 mới được xem xét. Hồ sơ của anh khi nằm cấp cứu ở Quân Y viện 103 Hà Đông do Tiến sỹ Chủ nhiệm khoa Thần kinh của BV ghi và Thiếu tướng BV trưởng ký cũng không có tác dụng. Tại Hội đồng GĐYK người ta chỉ gõ gõ đầu gối anh mấy cái, hỏi mấy câu rồi sau đó gọi vào đọc kết luận trước mặt nhiều người, trong đó có một phụ nữ chắc là của cấp trên ngành LĐTB XH ngồi nghe. Anh nghe rõ người đọc kết luận: anh bị Viêm thần kinh ngoại biên mãn tính và cấp tính. Anh chắc mẩm lần này số phận đã nhớ đến anh. Lạ thay vài tháng sau lại có điện thoại của ông Chủ tịch UBND xã gọi về nói rằng ông ta đang ngồi ở HĐGĐ YK và nhắn anh ngày mai lên HĐGĐ YK lấy hồ sơ. Anh biết mình vẫn đang bị bao vây, chẳng có hy vọng gì.
            Cả làng anh có bao nhiêu người đi bộ đội thời chống Mỹ thì hầu như đều được cấp chế độ phơi nhiễm chất độc cả rồi, kể cả những người nhập ngũ cuối năm 1974 đến tháng 3 năm 1975 lên ô tô tiến thẳng vào Sài Gòn đã giải phóng rồi cũng được cấp chế độ bị nhiễm chất độc da cam. Những người đảo ngũ trốn lủi ở miền Bắc đến khi hòa bình rồi mới về đầu thú ở các trạm thu dung cũng được cấp chế độ chất độc da cam. Những ngừơi chưa đi B ngày nào cũng được cấp chế độ ….. Những người ấy được gọi là NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG và Tết lễ hàng năm vẫn được tuyên dương ca ngợi, biếu tặng tiền, quà.
            Một trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng. Những dịp Lễ Tết có tiền có quà của nhà nước biếu tặng người có công ấy anh lại cay đắng ngậm ngùi khóc thầm trong bụng và tự thầm trách tại sao mình không chết đi trong chiến tranh, chết ở chiến trường lấy cái giấy báo tử  để bây giờ bản thân, gia đình và cháu con đỡ bị tủi nhục, gia đình anh sẽ được gọi là Gia đình có công với CM. Nhiều người an ủi anh rằng mạng được cái mạng sống về là quý giá rồi, anh thấy thật là mai mỉa. Riêng anh và mấy người ký đơn năm xưa cứ thấy tủi buồn. 
            Đã có người có tâm, thương tình hoàn cảnh của anh, biết anh thèm muốn và quý trọng cái danh “Có công với Cách mạng” đã gợi ý anh đến phòng Lao động Xã hội xin làm chế độ bệnh binh, bởi từ năm 1988 anh đã được Hội đồng giám định Y khoa tỉnh kết luận mất 62 % sức khỏe, mà tất cả các bệnh tật đều là do hậu quả của chiến tranh như bị điếc do sức ép bom, mất khứu giác do đứt dây thần kinh, đau đầu, đau thần kinh mạn tính, đau cột sống….. Nhưng anh mới chỉ đến ngỏ ý xin làm hồ sơ thôi người ta đuổi anh quầy quậy rồi. 
            Những đêm không ngủ anh hay nghĩ về những kỷ niệm xưa, những vùng rừng  xác xơ của Quảng Nam rồi Đức Phổ Quảng Ngãi, nơi mà anh và các ban hứng chịu mưa bụi  trắng mù sau những cánh máy bay mà bây giờ anh mới biết là chất độc phát quang. Nhưng bọn anh vẫn phải bám trụ giữ cơ sở, kho tàng. Anh cho rằng con anh là do ảnh hưởng của nó. Cái dạ dày mấy lần chảy máu là do nó. Tiếc rằng các bạn chiến đấu của anh là người miền Bắc đều đã chết cả, chẳng ai còn để hỏi xem họ có bị di chứng gì không. Anh không tin vào 17 loại bệnh tật do Liên Bộ ban hành đã là tất cả. Vì ngay ở Mỹ kia người ta cũng chưa chỉ ra rõ ràng triệu chứng phơi nhiễm để cấp đến bù cho cựu chiến binh Mỹ, trong khi những bệnh tật ghi trong 17 bệnh này như bệnh tiểu đường thì chẳng phải đi B, không dính chất độc da cam vẫn nhiều người bị…
      Số phận thật nghiệt ngã với anh. Đến bây giờ, người CCB có thành tích nhất xã tôi (anh được thưởng Huân chương Chiến công) vẫn chịu thiệt thòi vì những oan trái. Chính sách “Người có công” vẫn cứ ngoảnh mặt với anh. Không biết khi nào chế độ chính sách ấy mới tới với anh. Đó không chỉ là nỗi niềm của riêng anh. Tôi nghĩ thế!
           
 
 
 

tin tức liên quan