Từ chuyện kỷ luật cảnh cáo vì hao hụt 1,5m vải xưa, ngẫm chuyện xử đại án nay

Ngày đăng: 06:51 22/12/2019 Lượt xem: 334

Từ chuyện kỷ luật cảnh cáo vì hao hụt 1,5m vải xưa, ngẫm chuyện xử đại án nay

                                           Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt

Muốn được lòng dân và có uy tín cao, tất yếu phải duy trì chế độ chỉnh đốn Đảng và thật nghiêm minh, công tâm khi xem xét kỷ luật, không được nương nhẹ với một ai...

 

Một số liệu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được công bố cách đây tròn 1 năm: Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 12 đến hết tháng 12/2018 (tức 3 năm), đã có 53.107 cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật. Nay, nhiệm kỳ đã thêm 1 năm. Dù chưa thấy công bố số liệu mới,nhưng với không khí trong “lò” nóng hừng hực như bây giờ, có lẽ số đảng viên bị kỉ luật cũng sẽ tương ứng, nếu không nói là có thể còn tăng cao hơn con số trung bình của 3 năm trước. Đó là cả một cố gắng rất lớn của Đảng ta dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mà rất nhiều nhiệm kỳ trước chưa bao giờ làm được. 

Phát biểu phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khoá XII), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, các cấp có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý. Trong số này, đến cỡ như Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng và có tới 17 tướng lĩnh quân đội và công an cũng bị kỉ luật, thậm chí vướng vòng lao lý.

Điều này cho thấy Đảng ta rất kiên quyết xử lý mọi vi phạm, khuyết điểm đối với các vi phạm của đảng viên, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Chính điều này đã tạo nên lòng tin vững chắc hơn lúc nào hết của các đảng viên và quần chúng nhân dân đối với Đảng trước biết bao thách thức đang ở phía trước.

 

 

tu chuyen ky luat canh cao vi hao hut 1,5m vai xua, ngam chuyen xu dai an nay hinh anh 1

Hai cựu Bộ trưởng TTTT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đang bị xét xử cùng các bị cáo khác trong đại án Mobifone mua AVG.

Nếu ai để ý một chút thì sẽ thấy, một khi Đảng đã có quyết tâm cao độ, thực sự muốn làm trong sạch bộ máy và đội ngũ, tạo nền tảng tốt cho một nhiệm kỳ Đại hội mới sắp tới thì không có gì là không thể. 

Tôi nhớ lại chuyện tại Bộ Công an, vào lúc ngành này phải tinh gọn bộ máy, bỏ cấp tổng cục và bớt đi đến một nửa cấp cục, là cả một cuộc cách mạng lớn. Ấy thế mà việc xử lý kỉ luật rất nhiều tướng lĩnh và cán bộ cấp cao trong ngành công an vẫn rất mạnh tay. Họ làm đâu ra đó, không hề gây bất ổn chính trị chút nào. Ngược lại, càng cho thấy sự ổn định và đoàn kết hơn, tin tưởng hơn vào sự điều hành bản lĩnh của tập thể Đảng ủy Công an Trung ương, trong đó có nhiều vị đứng đầu Đảng, Chính phủ... cùng tham gia Đảng ủy.

Hay như chỉ trong năm 2018, cơ quan pháp luật đã kết thúc điều tra 23 vụ/222 bị can (tăng 43,75% số vụ so với năm 2017), đã truy tố 20 vụ/251 bị can (tăng 66,7% số vụ so với năm 2017), đã xét xử sơ thẩm 23 vụ/304 bị cáo (gấp gần 5 lần so với năm 2017), nhất là đã đưa ra xét xử 10 vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, nhưvụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Phạm Công Danh (giai đoạn 2), Hà Văn Thắm, Trần Phương Bình, Huỳnh Thị Huyền Như, Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ, Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam, Hứa Thị Phấn... Năm nay, có đến 2 cựu Bộ  trưởng Bộ TTTT là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đều phải còng tay dẫn đến toà chỉ vì lòng tham vô độ...Tôi rất khâm phục chuyện này, bởi lẽ mạnh tay và quyết liệt như thế là cần thiết và cũng rất đáng mừng cho đất nước. Cũng chính nhờ thế mà dân càng tin yêu vào Đảng hơn.

Điều này càng  thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòngchống tham nhũng. Nếu so với nhiều nhiệm kỳ trước, tôi nghĩ đây quả là một kỳ tích mà không hề quá lời. 

Tuy nhiên, cũng gián tiếp thấy một điều, hiện nay cũng còn những trường hợp như cựu Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thì thấy chưa thỏa đáng và vẫn có gì đó còn quá nhẹ.

Ông Vũ Văn Ninh với cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng (phụ trách lĩnh vực đổi mới doanh nghiệp từ tháng 8/2011 đến tháng 4/2016), đã ký nhiều văn bản đồng ý cho giảm và thoái vốn nhà nước tại Công ty CP cảng Quy Nhơn; Công ty CP cảng Quảng Ninh; đồng ý chủ trương cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam… trái với kết luận của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước...

Với cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam (từ tháng 7/2006 đến năm 2011), ông Vũ Văn Ninh đã thiếu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội, Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.Ông Ninh đã để hai Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (năm 2008 - 2015) vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong việc ký các hợp đồng cho Công ty Cho thuê tài chính II vay 1.010 tỉ đồng.Đến nay, Công ty Cho thuê tài chính II đã phá sản, làm cho Nhà nước thiệt hại lớn số tiền gốc và tiền lãi, hai lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam và nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị khởi tố điều tra và truy tố xét xử hình sự.

Vi phạm, khuyết điểm của ông Vũ Văn Ninh, theo Bộ Chính trị, là nghiêm trọng, làm thiệt hại rất lớn tiền của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân ông, gây dư luận xấu, cần phải thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng.

Quá trình kiểm điểm, ông Vũ Văn Ninh đã nhận thức rõ trách nhiệm cá nhân về các vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công và đã chịu mức kỷ luật cảnh cáo về Đảng và cả bên chính quyền cũng như vậy. Liệu như vậy đã đủ nặng để có sức răn đe?

 

 

 

tu chuyen ky luat canh cao vi hao hut 1,5m vai xua, ngam chuyen xu dai an nay hinh anh 3

Cựu Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bị kỷ luật cảnh cáo.

Dăm ba chục năm trước, chúng ta cũng có xử lý kỉ luật cán bộ đảng viên, nhưng so với mức độ nghiêm trọng như quan chức hôm nay vi phạm thì vô cùng khác biệt. Bây giờ, quan chức thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng làm thiệt hại cho nhà nước cỡ chục tỷ, trăm tỷ, thậm chí cả ngàn tỷ cũng không còn là chuyện hiếm và chịu “kỷ luật cảnh cáo” nhẹ hều. Ngày xưa cũng là kỷ luật cảnh cáo, nhưng có những chuyện kể lại chắc chắn khó tài nào tin nổi vì thấy có gì đó nghiệt ngã quá.

Chuyện về ông N.Đ.H - một cán bộ tiền khởi nghĩa làm Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty lớn trực thuộc Bộ Ngoại Thương, kiêm Giám đốc chi nhánh của Tổng công ty tại TP.HCM phụ trách miền Nam. Năm 1978, vải sa tanh là một trong những nguyên liệu nhập khẩu để làm hàng thêu – mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam thời đó. Không hiểu do khâu nào mà khi kiểm kê cuối năm lại bị hao hụt 1,5m vải sa tanh. Thế là ông H. bị đề nghị lên tới cấp Bộ trưởng để ra quyết định kỷ luật và Bộ trưởng Đặng Việt Châu đã ký quyết định kỷ luật ông với mức cảnh cáo.  Ở thế kỷ trước, năm 1978 tại Bộ Ngoại Thương đã có chuyện kỷ luật nghe thật oái oăm, một chuyện “nhỏ như con muỗi” so với những đại án “to hơn cả con voi”thời nay. Thế nhưng kỷ luật thì không khác gì nhau. Cũng là kỷ luật cảnh cáo.

Sau này, trước khi nghỉ hưu năm 1988 với cương vị trợ lý của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Ngoại Thương Đoàn Duy Thành, ông N.Đ.H được đề nghị xét tặng Huân chương Độc lập hạng Ba do có quá trình tham gia cách mạng từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Những tưởng chuyện cũ đã qua lâu, nhưng lúc đó đề nghị xét thưởng không được thông qua vì ông đã từng bị kỷ luật cảnh cáo trong quá khứ.

Sau 25 năm ông nghỉ hưu, năm 2013, cảm thương một con người có nhiều công lao đóng góp và có đạo đức, nhân cách như ông nhưng lại gặp đầy éo le, một số anh em cán bộ chủ chốt trong cơ quan cũ của ông đã vận động, thuyết phục, giải trình, thanh minh cho cái quyết định kỷ luật đầy oái oăm và xa xăm kia. Họ tự hoàn thiện hồ sơ khen thưởng thay cho ông để rồi mãi sau nhiều thời gian nữa, tấm Huân chương kia mới trao đến tay ông, nhưng là Huân chương Lao động hạng Nhất (thấp hơn Huân chương Độc lập hạng Ba một bậc). 

Ấy là ông còn “may” hơn nhiều người khác là còn được nhìn thấy nó, vì có nhiều trường hợp khi có quyết định công nhận tặng Huân chương thì người ta đã khuất bóng từ lâu và chỉ được “truy tặng”! 

Thực tế, công tác kiểm tra và kỷ luật trong Đảng, để tạo sự đồng thuận cao thì rất cần có những tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ sai phạm, tránh chuyện kỷ luật vênh nhau quá mức, kiểu như sự việc ở 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hoà Bình mới đây là rất không hay. Cùng xử lý một sai phạm như nhau về gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 mà mỗi nơi, mỗi tỉnh làm một khác thì rất khó chấp nhận...

Tôi mong rằng Đảng, Nhà nước nên coi đó như một việc cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm chung khi xử lý vi phạm kỷ luật của bất kể ai. Một đảng cầm quyền muốn được lòng dân và có uy tín cao, tất yếu phải duy trì chế độ chỉnh đốn Đảng và thật nghiêm minh, công tâm khi xem xét kỷ luật, không được nương nhẹ với một ai nếu họ mắc sai phạm nhưng cũng cần nhân văn, đúng như tinh thần của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan