Nhớ nhạc sĩ tài hoa và ca khúc "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa"

Ngày đăng: 05:54 03/01/2020 Lượt xem: 602

Nhớ nhạc sĩ tài hoa và ca khúc "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa"

(BGĐT) - Như một dự cảm, ngày 16-12-2019, một nhóm phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam về nơi ra đời ca khúc “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, nay thuộc phường Đa Mai (TP Bắc Giang) gặp gỡ một số nhân chứng thực hiện chương trình “Giai điệu tự hào”. Chỉ mấy hôm sau, ngày 26-12, tác giả ca khúc nổi tiếng ấy- nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã ra đi ở tuổi 94. Trái tim của nhạc sĩ đã ngừng đập nhưng bài ca ấy vẫn còn mãi với thời gian.

Giao lưu những nhân vật trong bài ca

Giao lưu những nhân vật trong bài ca "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa" tại xã Đa Mai (năm 2000).

Cuối năm 1964, sau thất bại nặng nề ở miền Nam, giặc Mỹ điên cuồng leo thang tấn công bằng không quân ra miền Bắc. Thị xã Bắc Giang, tỉnh Hà Bắc lúc ấy trở thành tâm điểm của kẻ thù. Chúng đánh phá hòng cắt đứt tuyến đường viện trợ từ hậu phương cho miền Nam ruột thịt. Suốt 8 năm, từ năm 1964 đến 1972, với hơn 200 trận đánh, giặc Mỹ đã trút xuống vùng đất này hàng nghìn tấn bom, hàng trăm quả tên lửa hàng vạn bom bi nhưng không làm lung lay được ý chí của quân và dân thị xã Bắc Giang và người dân Đa Mai.

Các trận địa phòng không được giăng đầy cửa ngõ thị xã, xung quanh địa bàn Đa Mai có 3 trận địa pháo cao xạ từ 37mm đến 100mm gồm: Đồng Găng, chùa Đò, Vòng Xẻ để bảo vệ các mục tiêu: Cầu Bắc Giang và tuyến đường sắt Hà Nội Lạng Sơn; Kho Xăng Dầu; Nhà máy Phân Đạm và vùng đất thiêng Phủ Lạng Thương.

Những trận chiến đấu suốt ngày đêm, tiếng báo động liên hồi, trận này vừa xong đã đến ngay trận khác. Cứ sau mỗi trận oanh tạc của không quân Mỹ, các bà, các chị trong Hội mẹ chiến sĩ Đa Mai lại lao ra trận địa tiếp tế nước uống, động viên chiến sĩ, giúp đỡ, cấp cứu thương binh. Có thời kỳ ác liệt nhất, anh em không có thời gian để giặt giũ quần áo, các mẹ nhận mang về làng giặt sạch, vá lại cho lành rồi chiều đến lại mang lên trận địa trả cho từng người.

Mẹ Giáp Thị Khôi, thôn Đình, mẹ Nguyễn Thị Nãi, thôn Đọ, mẹ Lương Thị Liên, thôn Sẫu không quản hiểm nguy có mặt hầu khắp các trận địa khi vừa ngơi tiếng súng để gom những bộ quần áo rách mang về khâu, giặt sạch để các anh luôn có quần áo lành chiến đấu ngoài trận địa. Nhớ về ký ức hào hùng đó, bà Lương Thị Tới, năm nay 83 tuổi kể: “Thời kỳ ấy, thấy giặc ném bom liên tục, bộ đội chiến đấu suốt ngày đêm, thương các anh ấy quá nên chúng tôi chẳng còn biết sợ là gì nữa, cứ ngớt trận bom là lại ra ngay trận địa giúp đỡ bộ đội rồi mang áo quần rách về cho các mẹ vá, có hôm các mẹ chong đèn dầu vá suốt đêm cho chiến sĩ, có những ngày các mẹ phân công nhau khâu vá quần áo ngay tại trận địa”.

Trong những năm ác liệt ấy, Hội mẹ chiến sĩ Đa Mai đã khâu 2.500 tấm áo cho chiến sĩ, cùng nhân dân đóng góp hàng nghìn ngày công xây dựng 7 trận địa pháo cao xạ. Có 30 chị em tham gia dân quân tự vệ luyện tập quân sự sẵn sàng thay thế pháo thủ. Ngoài ra, các mẹ còn vận động nhân dân đóng góp tre cho bộ đội làm hầm tránh đạn, đan 387 áo rơm và 218 mũ rơm tránh mảnh đạn và bom bi; đan đệm rơm cho bộ đội.

Ông Đặng Xuân Điệp, Trưởng Ban Liên Trung đoàn Pháo phòng không 216 tự hào: Chính sự quan tâm động viên kịp thời, tình nghĩa của những bà mẹ Đa Mai năm tháng ấy đã hun đúc ngọn lửa căm thù trong bộ đội, trút lên nòng pháo chiến thắng quân thù. Vào đúng lúc chiến tranh ác liệt, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về Hà Bắc. Ông chứng kiến những thời khắc chiến đấu gian khổ, ác liệt. Phía sau trận địa là các chị, các mẹ ở Hội mẹ chiến sĩ Đa Mai đã xả thân giúp đỡ, động viên cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Pháo phòng không 216 (nay là Sư đoàn 365) bám địa bàn, trận địa, chiến đấu kiên cường để bảo vệ bầu trời Hà Bắc.

Theo Hồi ký của nhạc sĩ, ở đó, trong một đêm tối trời ông chứng kiến những bà mẹ ngồi khâu áo cho các chiến sĩ. Ông nhớ lại: “Tôi lắng nghe, vô cùng xúc động khi nhìn vào gương mặt các mẹ già, những cặp mắt đã kèm nhèm thế mà lại vá áo với những ngọn đèn “Hoa Kỳ” ánh sáng như những con đom đóm, lại còn phải che đậy cho máy bay trinh sát địch trên trời không phát hiện trong đêm. Mà đã vá là phải vá gấp để kịp đưa ra trận địa.

Nhiều chiến sĩ mình trần, quần lại rách nhưng vẫn không ngơi tay đánh giặc. Đánh xong mỗi trận ai cũng mặt mày đen sạm, quần áo tả tơi nhưng tinh thần đầy phấn chấn, quyết tâm thắng địch. Thấy thế các mẹ đau lòng nên đường kim mũi chỉ phải vội vàng không quản ngày đêm”. Ca khúc “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” được ra đời trong hoàn cảnh ấy. Bà Lương Thị Đỡ, thôn Đình bồi hồi nhớ lại: “Khi đó tôi mới gần 20 tuổi, gặp anh Tý tại trận địa, được các chiến sĩ giới thiệu biết anh là nhạc sĩ, chỉ vài hôm sau tôi nghe thấy bài hát được phát trên radio, tôi xúc động đến chảy nước mắt. Với các mẹ thì còn nặng lòng hơn, có người cứ nghe bài hát mắt lại đỏ hoe. Làm sao không cảm động được khi lời bài hát có câu “Tấm áo ấy con quý hơn cơm gạo, đời mẹ nghèo trông áo rách, áo rách nên thương". Bài hát “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã đi vào lòng người như một khúc hát ân tình thắm mãi tình quân dân. 

…Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, cuộc sống mới đã hồi sinh trên mảnh đất vốn là những hố bom trận địa, chiến hào ngày trước. Vùng đất Đa Mai nay đổi thay, trù phú, không còn dấu tích của chiến tranh, bom đạn. Nghe tin nhạc sĩ tài hoa qua đời, những nhân chứng lịch sử ít ỏi còn lại như bà Lê Thị Lâu, bà Dương Thị Tỉnh, Nguyễn Thị Kính, bà Lương Thị Đỡ lại quây quần tại nhà mẹ Lương Thị Tới (vợ liệt sĩ) cùng hát lại ca khúc của ông trong xúc cảm nghẹn ngào.

Đó là cách tưởng nhớ riêng của họ, như nén nhang thơm gửi tới hương hồn nhạc sĩ. Ông đã đi xa nhưng những người mẹ, người chị Đa Mai cùng vùng đất đã khơi nguồn cảm hứng cho ông sáng tác nên ca khúc nổi tiếng vẫn luôn nhớ đến ông và bài ca “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”.

Việt Hưng
PS st Theo ĐT Bắc Giang


tin tức liên quan