Theo New York Times, phát ngôn viên của quân đội Iraq Abdul Karim Khalaf hôm 6/1 cho biết binh sĩ Mỹ hiện đồn trú tại quốc gia Trung Đông này trong những ngày tới sẽ bị giới hạn hoạt động và chỉ được phép tham gia huấn luyện và cố vấn cho quân đội Iraq.
Quân đội Iraq cũng cho biết binh sĩ Mỹ không được phép rời khỏi căn cứ, tới khi kế hoạch rút quân được xây dựng. Các lực lượng Mỹ cũng sẽ không được tiến hành các chuyến bay trong không phận Iraq.
Trong ngày 6/1, cả chính phủ và quốc hội Iraq đều không công bố thông tin về thời gian biểu cho kế hoạch rút quân đội nước ngoài khỏi nước này, cũng như liệu việc rút quân áp dụng cho toàn bộ hay chỉ một phần lực lượng nước ngoài đang đóng quân tại Iraq tham gia liên minh quốc tế chống IS.
|
Binh sĩ Mỹ trong buổi huấn luyện cho quân đội Iraq. Ảnh: AP.
|
Sau những phát ngôn cứng rắn về việc yêu cầu Mỹ rút toàn bộ lực lượng, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi đã có bước đi mềm mỏng hơn sau cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tối 5/1.
Trong thông điệp đăng tải trên Twitter cá nhân, ông Mahdi cho biết sẵn sàng tìm kiếm phương án thay thế cho việc rút toàn bộ quân đội nước ngoài khỏi Iraq.
Ông Mahdi cho biết lãnh đạo Iraq và Pháp đã thảo luận về phương án rút quân mà "không làm tổn hại tới liên minh quốc tế chống IS, bảo vệ chủ quyền của Iraq, và không làm rạn nứt quan hệ của Iraq với các nước thuộc liên minh quốc tế".
Các chuyên gia nhận định phương án nêu trên sẽ khó khả thi nếu không có sự hiện diện của Mỹ tại Iraq, trong bối cảnh lực lượng quân đội các nước khó có khả năng tiếp tục tham chiến nếu thiếu đi sự hỗ trợ từ hỏa lực Mỹ.
Trước đó, quốc hội Iraq đã bỏ phiếu thông qua quyết định hủy bỏ thỏa thuận an ninh với liên minh chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Mỹ dẫn đầu, đồng nghĩa với việc chấm dứt cơ sở cho quân đội nước ngoài hiện diện tại Iraq.
Cuộc bỏ phiếu được tiến hành với sự tham gia của các nghị sĩ Hồi giáo dòng Shiite hiện chiếm đa số quốc hội, trong khi các nghị sĩ Hồi giáo dòng Sunni và người Kurds không có mặt.
Dù các nhà lập pháp đã thông qua nhưng kết quả này vẫn chưa phải là “phán quyết cuối cùng” đối với sự hiện diện của bính lính Mỹ tại Iraq cho tới khi Thủ tướng Adel Abdul Mahdi ký thành luật.