Bộ phim đã tiếp nối thành công của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” 4 năm trước, nhưng “Mắt biếc” không vượt lên trở thành tác phẩm lớn bởi kịch bản chuyển thể chưa thực sự thuyết phục.
“Mắt biếc” là một bộ phim rất đáng xem với những cảnh quay tuyệt đẹp, diễn xuất nhân vật rất đạt, nhạc phim với những bài hát của Phan Mạnh Quỳnh say đắm người nghe… Nhưng kịch bản chuyển thể thiếu nhuần nhuyễn, đánh mất đi tính chất lãng mạn của mối tình đơn phương trong truyện Nguyễn Nhật Ánh.
|
Cảnh trong phim “Mắt biếc”. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp. |
Truyện dài “Mắt biếc” kể về nhân vật Ngạn, sinh ra và lớn lên tại làng Đo Đo (xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam)-nguyên quán của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Lớn lên cùng với Ngạn là cô bạn hàng xóm có đôi mắt tuyệt đẹp tên là Hà Lan mà Ngạn gọi là “mắt biếc”. Tuổi thơ của Ngạn và Hà Lan gắn bó với bao kỷ niệm đẹp đẽ, êm đềm. Tình bạn trẻ thơ dần dần biến thành tình yêu thầm lặng của Ngạn dành cho Hà Lan. Đến khi cả hai rời làng ra thành phố học, Ngạn vẫn luôn hướng về Hà Lan và về làng Đo Đo thì Hà Lan không cưỡng lại được cám dỗ của cuộc sống phồn hoa đô thị. Cô ngã vào vòng tay của Dũng-một thanh niên sành điệu nhưng rất thiếu đứng đắn. Hà Lan mang thai nhưng bị Dũng ruồng bỏ để làm đám cưới với Bích Hoàng. Cô đành gửi con gái Trà Long về cho bà ngoại chăm sóc. Sau đó, Hà Lan đi lấy chồng khác, từ chối tình yêu của Ngạn dành cho mình vì Ngạn quá tốt bụng và cho rằng tâm hồn hai người không đồng điệu. Ngạn về làng Đo Đo dạy học, hết lòng chăm sóc Trà Long từ bé đến khi lớn lên trở thành đồng nghiệp của Ngạn. Trà Long vô cùng yêu quý Ngạn và khi tình cảm lớn dần lên thì Ngạn quyết định ra đi vì anh nhận ra rằng Trà Long chỉ là cái bóng của Hà Lan.
Một bộ phim không thể bê nguyên xi nguyên tác văn học, chuyện thêm bớt nội dung là dễ cảm thông. Thời gian trong phim kéo dài khoảng 30 năm, cho nên phần đầu phim được xử lý tốt, ngắn gọn đủ vẽ ra được thời thơ ấu gắn bó bên nhau của Ngạn và Hà Lan. Nhưng những phần sau của phim, có nhiều đoạn rườm rà, thiếu tinh tế như diễn đạt sự biến đổi của Hà Lan từ cô gái chân quê bị “tha hóa”. Phim hư cấu nhân vật Hồng theo đuổi Ngạn là không cần thiết, dường như Victor Vũ lo ngại khán giả đánh giá sự si tình của Ngạn là điều bất bình thường. Cách xử lý tâm lý nhân vật Hà Lan thiếu nhất quán, một phần vẫn giữ sự ngây thơ, cả tin, có phần hướng ngoại hời hợt như trong truyện; một mặt lại sống rất nội tâm, sâu sắc, hướng nội. Cụ thể là phần cuối phim, Hà Lan không lấy chồng và muốn níu kéo tình yêu với Ngạn nhưng không còn kịp nữa khi Ngạn đã ra đi. Câu chuyện trong truyện dài “Mắt biếc” là chuyện tình cảm lãng mạn nhưng càng về cuối bộ phim càng đánh mất dần tính chất này như sự tiến triển tình cảm của Trà Long với Ngạn quá “phô”, gượng ép.
Dù có những “hạt sạn” như vậy, nhưng “Mắt biếc” vẫn là một trong số ít bộ phim mới của Việt Nam đáng xem.
HÀM ĐAN