Tiết kiệm chi tiêu ngân sách từ chuyện hạn chế cử cán bộ sắp hưu đi nước ngoài
Tiết kiệm chi tiêu ngân sách từ chuyện hạn chế cử cán bộ sắp hưu đi nước ngoài
Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt
Mặc dù không có quy định nào “cấm” cán bộ "chờ hưu" đi công tác nước ngoài bằng tiền ngân sách, nhưng việc đó có đem lại hiệu quả trong công việc, có gây lãng phí ngân sách nhà nước không và sẽ mang tiếng ra sao?
Năm 2020 là năm bản lề cực kỳ quan trọng, khi chúng ta tiến hành đại hội đảng các cấp để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 vào đầu năm 2021. Để thực hiện tinh thần triệt để tiết kiệm chi tiêu ngân sách, xem đó thực sự như một quốc sách, qua đó ta có thêm nguồn thu để tăng lương theo lộ trình, tôi nghĩ đó là điều rất đáng suy nghĩ.
Tôi cho rằng có rất nhiều khoản chi sẽ phải tiết kiệm tối đa, trong đó có chuyện hạn chế việc cử cán bộ đi công tác nước ngoài theo lối đi cũng được mà không đi cũng chẳng sao. Đặc biệt, cần chấm dứt việc cử cán bộ sắp nghỉ hưu đi công tác với lý do “học tập”, để rồi chỉ ít ngày sau là họ về nghỉ chế độ.
Hiện tượng các cơ quan bộ, ngành, địa phương cử cán bộ đi công tác nước ngoài bằng ngân sách quá “hào phóng” như vậy không phải là hiếm. Mặc dù không có quy định nào “cấm” cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu đi công tác nước ngoài bằng tiền ngân sách, nhưng việc cử cán bộ thuộc diện “chờ hưu” đi công tác nước ngoài có đem lại hiệu quả trong công việc, có gây lãng phí ngân sách nhà nước không và sẽ mang tiếng ra sao thì phải khẳng định luôn, đây là việc rất không nên chút nào.
Hẳn nhiều người còn nhớ, Thanh tra Chính phủ từng tổ chức thanh tra về nội dung này vào năm 2017 tại các Bộ Tài chính, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tiền Giang.
Chỉ có bấy nhiêu đầu mối thôi nhưng Thanh tra đã đưa ra con số rất đáng suy nghĩ: Từ năm 2012-2016, các nơi nói trên đã cử 17.500 đoàn đi nước ngoài với 53.000 lượt cán bộ. Hồi đó, tâm điểm là cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng với “kỷ lục” năm 2014 tham gia 23 đoàn đi nước ngoài, năm 2015 tham gia 22 đoàn, ở nước ngoài 163 ngày, chiếm hơn nửa số ngày làm việc trong năm.
Tất nhiên, tôi cũng không hoàn toàn tán thành quan điểm cho rằng cán bộ đi nước ngoài quá 2 lần trong 1 năm đã cho là nhiều và đã bị “thổi còi”. Bởi thực tế có nhiều trường hợp cán bộ cao cấp phải tháp tùng nguyên thủ, phải đi đàm phán, ký kết… Cách thống kê cơ học để rồi phê bình theo tôi là hơi cứng nhắc, không có cơ sở thuyết phục. Thậm chí, ngay cả cán bộ cấp thấp cũng có thể phải đi công tác ngoài liên tục tùy từng vị trí, nghiệp vụ, nhu cầu công tác khác nhau.
Thanh tra Chính phủ khi tiến hành thanh tra cơ sở thì thế. Song, ngay cả nội bộ cơ quan đầu não này cũng không hẳn đã thật nghiêm túc, chuẩn chỉ khi cử người đi công tác nước ngoài. Một điều tra từ báo chí hồi tháng 4/2019 cho thấy những bê bối không hay từ chính cơ quan này khi có rất nhiều cán bộ đi công tác nước ngoài và sau đó nghỉ hưu ngay tức thì. Phải chăng đây là cách suy nghĩ kiểu ban ơn, có ý muốn thưởng cho người sắp nghỉ hưu có chuyến đi chơi ở nước ngoài bằng “tiền chùa”?
Có thể kể ra các trường hợp như: Từ tháng 9/2018 đến tháng 3/2019, Thanh tra Chính phủ đã cử các đoàn cán bộ đi dự hội nghị, làm việc, trao đổi kinh nghiệm tại Liên bang Nga, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản và 1 đoàn đi nghiên cứu, học tập về phòng chống tham nhũng tại Hồng Kông (Trung Quốc). Trong thành phần tham gia các đoàn công cán nước ngoài có một số cán bộ là lãnh đạo cấp phòng, cấp vụ chuẩn bị nghỉ hưu.
Đáng chú ý, có trường hợp được Phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Thanh ký quyết định cử đi công tác nước ngoài cùng ngày với quyết định cho nghỉ hưu theo chế độ do Tổng TTCP Lê Minh Khái ký. Như vậy thử hỏi có nên không và có lãng phí hay không? Nhất lại là cơ quan Thanh tra Chính phủ, nơi lẽ ra cần làm gương cho các ngành, các địa phương trong cả nước học tập để khi đi thanh tra người khác họ mới có uy tín được.
Có lẽ nhiều người hẳn còn nhớ cách đây đến hai chục năm, cũng tại cơ quan này từng có chuyện một lãnh đạo cấp cao đi công tác ở nước ngoài, khi về nước người thư ký mang hoá đơn tiền khách sạn đi thanh toán thì lòi ra dòng chữ liên quan đến việc phòng đó có sử dụng dịch vụ coi phim trả tiền (tức là phim sex). Có lẽ người giúp việc cũng thiếu kinh nghiệm, lại yếu ngoại ngữ cũng nên, nên mới thật thà đi thanh toán. Ngờ đâu, sự việc sau đó lại bị nội bộ “chơi” nhau nên mới lộ ra. Cuối cùng thì cơ quan kiểm tra Đảng đã vào cuộc rồi kết luận có thiếu sót “do bấm nhầm kênh mà không biết”. Chuyện nghe cứ như tiếu lâm hiện đại, rất khó tin.
Đất nước hôm nay kinh tế đã khá hơn xưa rất nhiều, nhưng cũng không vì thế mà tùy tiện cử cán bộ đi nước ngoài vô lý, gây lãng phí ngân sách.
Vì kinh phí đi nước ngoài tính theo chế độ chung do bộ Tài chính quy định, nên Trưởng đoàn Nguyễn Đình Lương cũng như hàng chục thành viên trong đoàn, mỗi vị được chi 20 USD/ngày cho việc ăn uống. Do tiền thuê khách sạn được phép thanh toán quá “bèo” - ông Lương tâm sự, không thể thuê nổi bất kể khách sạn nào trên đất Mỹ dù tồi tệ nhất, nên họ đành nhờ sứ quán ta bên đó tìm thuê giúp những căn hộ rẻ tiền rồi vài ba người ngủ ghép, chung một phòng. Khó khăn là vậy, nhưng họ đã vượt qua khó khăn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho.Nhớ lại chuyện cũ, cũng chỉ khoảng hơn hai chục năm trước, cán bộ chúng ta đi công tác nước ngoài rất cơ cực. Muốn tiết kiệm để có chút tiền còm mua quà về nhà thì phải mang theo mỳ tôm ăn trừ bữa. Tôi từng nghe kể từ ông Nguyễn Đình Lương - nguyên Cố vấn cấp cao, nguyên Vụ trưởng thuộc Bộ Ngoại Thương được cử làm Trưởng đoàn Đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (WTO) khi hồi tưởng về một thời gian khó của những nhà đàm phán Việt Nam đầy trí tuệ trên đất Mỹ thời kỳ 1996-2000 mà thấy thật cảm động.
Mới rồi, nhà báo Hoàng Hải Vân, đồng nghiệp cùng thời với tôi, được nghe giáo sư Trần Văn Thọ - một Việt Kiều yêu nước ở Nhật Bản, từng tham gia tổ tư vấn về kinh tế xã hội của nhiều thế hệ Thủ tướng Việt Nam - kể cho nghe chuyện ở xứ người. Nhà báo Hoàng Hải Vân kể: “Nước Nhật được coi là phát triển thần kỳ, nhưng chẳng có một phép lạ nào cả. Một trong những nguyên nhân là quan chức của họ biết quý từng đồng tiền thuế của dân. Giáo sư Trần Văn Thọ kể, Thủ tướng Ikeda Hayato (1960-1965) lúc còn là Bộ trưởng Tài chính khi dẫn đầu một phái đoàn quan chức công du sang Mỹ chỉ dám thuê phòng khách sạn với giá 7 USD/ngày, còn cho 2-3 quan chức ở chung một phòng để tiết kiệm ngân sách hơn nữa, kể cả bộ trưởng cũng ở chung phòng với một vụ trưởng. Phòng chỉ có giường ngủ, không có bàn ghế, nên ban ngày đi làm việc với các cơ quan chính phủ Mỹ, ban đêm về ngồi bệt dưới sàn trao đổi công việc. Phái đoàn đó, sau này ngoài Ikeda Hayato, còn có ông Miyazawa Kiichi cũng trở thành Thủ tướng Nhật”.
“Các quan chức nhà ta đoàn này đoàn khác lũ lượt sang Nhật tham quan học tập, nhưng chẳng thấy ai học được đức tính cần kiệm của quan chức Nhật, ngược lại càng học càng về xài sang” - nhà báo Hoàng Hải Vân nhận xét vậy.
Đã đến lúc và cũng không thể chậm hơn nữa, cần có một cuộc cách mạng trong cách chi tiêu từ ngân sách nhà nước nói chung. Một bộ máy nhà nước (kể cả hệ thống chính trị) một khi còn hoạt động quá cồng kềnh thì tất yếu gây lãng phí của cải xã hội và thường xem nhẹ việc tiết kiệm chi tiêu. Không tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách thì làm sao nghĩ đến chuyện đất nước giàu có, đời sống người lao động nói chung có thể khấm khá được!
( C. H sưu tầm)