Một nhiệm kỳ 2 Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật: Điều chưa từng có

Ngày đăng: 08:23 12/01/2020 Lượt xem: 365

Một nhiệm kỳ 2 Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật: Điều chưa từng có

                                                    Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt

Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội. Ông là trường hợp thứ 2 trong Bộ Chính trị bị thi hành kỷ luật tại nhiệm kỳ này



 

 mot nhiem ky 2 uy vien bo chinh tri bi ky luat: dieu chua tung co hinh anh 1

Ông Hoàng Trung Hải vừa bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật cảnh cáo.

Tính đến nay (1/2020), năm cuối của nhiệm kỳ khóa XII của Đảng, đã có 2 trường hợp là Ủy viên Bộ Chính trị bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận có vi phạm khuyết điểm trong thời gian công tác trước đó. Trường hợp thứ nhất là ông Đinh La Thăng, khi ông đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã bị Trung ương kỷ luật cảnh cáo và cho thôi Ủy viên Bộ Chính trị; tiếp đến ông bị xử lý hình sự và bị Ban Chấp hành Trung ương khai trừ khỏi Đảng (hiện ông đã bị tuyên phạt 30 năm tù và đang là bị can trong vụ án khác).

Trường hợp thứ hai là ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội. Ông đã bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về những vi phạm, khuyết điểm thời kỳ còn là Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Là người công tác nhiều năm tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Ngô Văn Sửu (nguyên Vụ trưởng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương) cho biết, qua công tác và theo dõi thấy lần đầu tiên trong một nhiệm kỳ có tới 2 trường hợp là Ủy viên Bộ Chính trị bị thi hành kỷ luật vì vi phạm, khuyết điểm liên quan tới công tác chỉ đạo, quản lý (vi phạm trước đó). Điều này càng khẳng định thêm quyết tâm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Việc xử lý sai phạm không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ cá nhân tổ chức nào như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Ngay tại kỳ họp đầu tiên của năm 2020 (tức kỳ họp thứ 42), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận những vi phạm liên quan đến dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM). Đây là một vụ việc gây bức xúc, ồn ào dư luận lâu nay. Tổ chức Đảng và các cán bộ nguyên lãnh đạo, trong đó có ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM đã được đã được nêu tên trước vi phạm, khuyết điểm.

Có thể nói với những kết quả kiểm tra, xử lý kỷ luật Đảng từ đầu nhiệm kỳ cho tới nay đã góp phần rất quan trọng cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đồng thời càng củng cố thêm niềm tin của người dân đối với Đảng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, tinh thần chiến đấu cao, quyết tâm làm rõ và xử lý những vi phạm của cán bộ, đảng viên, dù người đó là ai, giữ chức vụ gì.

Nhưng cũng có điều rất đáng suy ngẫm. Trong số những cán bộ, đảng viên diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xử lý kỷ luật thời gian qua, đa phần những vi phạm, khuyết điểm của họ đều từ nhiều năm trước, như trường hợp ông Đinh La Thăng vi phạm khi còn làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí; ông Lê Thanh Hải mắc vi phạm, khuyết điểm khi còn là Bí thư Thành ủy TP.HCM (nay đã nghỉ hưu được 4 năm); ông Hoàng Trung Hải vi phạm thời còn là Phó Thủ tướng. Vì sao những vi phạm kéo dài nhiều năm mới được phát hiện, xử lý?.

Trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2019; triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, có cách đặt vấn đề rất đáng chú ý.

Thường trực Ban Bí thư cho biết: Nhìn vào số tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật thời gian qua, thấy đó là sự cố gắng rất lớn của toàn ngành Kiểm tra Đảng… Điều quan trọng là chúng ta từng bước làm rõ được, tại sao số lượng tổ chức đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm kéo dài qua nhiều năm không được phát hiện? Phải chăng hằng năm, từng nhiệm kỳ chúng ta đánh giá chưa chính xác chất lượng đảng viên và tổ chức đảng? Phải chăng công tác kiểm tra, giám sát của các cấp chưa được coi trọng, chưa làm tốt, tiến hành không thường xuyên? Trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ còn hình thức, thiếu dân chủ? Tính chiến đấu của người cộng sản, người đảng viên không được phát huy? Đây là những vấn đề cần hết sức quan tâm trong thời gian tới.

( C. H sưu tầm)
tin tức liên quan