Tự chỉnh đốn, cầu thị sửa sai để lấy lại niềm tin

Ngày đăng: 07:57 05/02/2020 Lượt xem: 317

               Tự chỉnh đốn, cầu thị sửa sai để lấy lại niềm tin

                                                Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt

Với một đảng cầm quyền như Đảng ta, việc mưu cầu hạnh phúc cho người dân, đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết bao giờ cũng là mục tiêu tối thượng và cao cả.


Với một đảng cầm quyền như Đảng ta, việc mưu cầu hạnh phúc cho người dân, đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết bao giờ cũng là mục tiêu tối thượng và cao cả. Trong thành tựu chung đó, có một phần là do Đảng luôn vì dân và dân luôn tin yêu vào sự lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh đó, việc kỷ luật trong nội bộ Đảng cũng cần phải nghiêm minh, khách quan. Nhưng để cho đảng viên của mình tâm phục khẩu phục, thấy được sai phạm để khắc phục, sửa chữa lại rất cần có sự công tâm, nhân văn khi tổ chức xử lý người vi phạm. Hơn thế, cần luôn nhìn nhận nó như một thứ buộc phải làm nếu đảng đó muốn tồn tại và muốn nắm quyền lãnh đạo đất nước, được dân tin, dân yêu.

Hôm 16/1 vừa qua, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: "Đảng Cộng sản Việt Nam - Trí tuệ, bản lĩnh, đổi mới vì độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội". Khai mạc hội thảo, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã phát biểu, nêu rõ: Trải qua 90 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành các cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn ngàn khó khăn, thử thách và đã giành được những thắng lợi vĩ đại.

Nhìn lại 90 năm đã qua, Đảng ta đã trải qua biết bao thử thách khốc liệt. Trong giai đoạn đầu thành lập Đảng và hoạt động bí mật giành chính quyền, chỉ trong vòng 10 năm (1931-1941), lần lượt cả 4 vị Tổng bí thư (Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ) đều đã ngã xuống. Từ năm 1940, khi Đảng cử ông Trường Chinh làm Bí thư Ban chấp hành Trung ương lâm thời, lúc này Ban Thường vụ Trung ương chỉ vỏn vẹn có 4 người (Trường Chinh, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ và Hạ Bá Cang, tức Hoàng Quốc Việt), nhưng họ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, kiên cường đứng lên vận động toàn dân làm một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của thực dân đế quốc được coi là đầu tiên của châu Á. Nếu Đảng ta không bản lĩnh và kiên cường như thế, đất nước ta sẽ ra sao?

Công lao của Tổng bí thư Trường Chinh trong Cách mạng Tháng Tám to lớn là vậy. Song trong cuộc cải cách ruộng đất sau đó, do tư tưởng chủ quan, giáo điều rập khuôn cách mạng Trung Quốc, Đảng ta đã phạm phải sai lầm lớn, dù đã mang lại ruộng đất của giai cấp bóc lột chia cho dân nghèo. Với tư cách là người thay mặt Đảng Lao động Việt Nam chỉ đạo trực tiếp cải cách ruộng đất, ông đã chủ động xin từ chức và nhận khuyết điểm về mình. Nếu một đảng cầm quyền mà không dũng cảm, không dám nhận sai lầm, khuyết điểm như vậy thì Đảng ta chắc gì đã được dân tin, dân yêu và tiếp tục đi theo Đảng như vậy!

Có một điều rất đặc biệt, vào những lúc Đảng gặp tổn thất lớn về nhân sự cấp cao như thế, sai lầm như thế, một nhân vật kiệt xuất khác lại xuất hiện rất đúng lúc, đó là ông Lê Duẩn. Ông được Bác đưa ra Bắc nhận trọng trách Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng. Ông Lê Duẩn chính là tác giả của Nghị quyết Trung ương 15 nổi tiếng và rất sáng tạo về Cách mạng giải phóng miền Nam. Ông là trợ thủ đắc lực của Bác Hồ, góp phần đưa đất nước đến ngày thống nhất toàn vẹn vào năm 1975 với cuộc Tổng tấn công, nổi dậy giành Đại thắng mùa Xuân.

Những tưởng chiến thắng thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ là dân tộc mình có thể làm được mọi thứ. Thực tế, ngay sau ngày đất nước thống nhất, chúng ta lại mắc sai lầm lớn trong cuộc cải tạo tư sản ở miền Nam, dù cũng có một chút thành công nào đó. Kinh tế đình trệ, khó khăn chồng chất do nền kinh tế kế hoạch hoá kiểu thời chiến đã không còn phù hợp. Lạm phát có lúc tăng đến mức phi mã, tới 700% và tưởng không thể gượng nổi. Dòng người rời khỏi quê hương đầy hiểm nguy cũng không ít, chỉ vì tìm kế mưu sinh. Thật đau xót khi chính chúng ta, những người có trách nhiệm phải thấy những cảnh ly tán đến độ tan nát gia đình...

Song cũng chính thời điểm đó, bằng tư tưởng Đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế của tân Tổng bí thư kế nhiệm Trường Chinh (do Tổng bí thư Lê Duẩn qua đời), đã góp phần đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng trong nước, đủ sức vượt qua khó khăn kế tiếp khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ. Nếu Đảng ta không trí tuệ, không sáng suốt mà bảo thủ, thì thử hỏi kết cục ấy sẽ ra sao? Liệu có những thành quả như đất nước đã có được sau hơn 30 năm Đổi mới? Tôi nghĩ sẽ vô cùng khó.

30 năm đi theo con đường Đổi mới cũng không phải cái gì cũng hoàn hảo, cũng tuyệt vời. Bên cạnh những thành tựu cũng có những điểm yếu. Những “quả đấm thép của kinh tế nhà nước” cũng đã bộc lộ những hạn chế như ở Petro Vietnam, thậm chí thất bại như Vinashin, Vinalines...

Từ thực tiễn, chúng ta cũng đã thừa nhận kinh tế tư nhân giữ vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế. Từ chỗ Nghị quyết Đại hội X của Đảng năm 2006 mới chỉ khẳng định: Kinh tế tư nhân là khu vực “có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”…, đến Đại hội XII của Đảng năm 2016, khu vực kinh tế tư nhân được nhấn mạnh là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Đây là bước tiến quan trọng trong tư duy, quan điểm của Đảng về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Kinh tế tăng trưởng tốt trong mấy năm gần đây đã khẳng định thêm rằng, con đường mà Đảng ta lựa chọn đang đi đúng hướng.

Tuy nhiên, bên cạnh những tích cực không thể phủ nhận, Đảng ta cũng đã và đang phải đối mặt với những thách thức mà gốc gác sâu xa có một phần là do nạn tham nhũng đã trở thành quốc nạn. Không những chỉ có tham nhũng kinh tế mà cả tham nhũng chính trị (quyền lực) cũng thật ghê gớm. Chỉ có 4 năm, chưa hết một nhiệm kỳ Đại hội mà cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hàng ngàn tổ chức đảng, hàng vạn cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức đảng, 45 đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 111 đảng viên, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý gồm: 2 Ủy viên Bộ Chính trị, 21 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương, 38 sỹ quan cao cấp trong lực lượng công an, quân đội (cấp tướng là 23 người...).

Một con số không hề vui, có thể nhiều nhiệm kỳ trước nếu cộng vào cũng không bằng, đã cho thấy bản lĩnh của Đảng ta thật đáng trân trọng và cảm phục. Dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong nhiệm kỳ này, có những chuyện gần như không tưởng, nay cũng đã thực thi. Kiên quyết, mạnh mẽ và không có vùng cấm với bất kể ai nếu vi phạm kỷ luật Đảng. Tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu Đảng ta hôm nay đã thu phục lòng dân thật không thể phủ nhận. Từ chỗ người dân, kể cả đảng viên trong tổ chức Đảng, bị mất niềm tin nghiêm trọng, đến nay đã khác, thậm chí rất khác: Tin tưởng cao độ vào sự lãnh đạo của Đảng khi hết bầy sâu này đến đám bọ kia bị đưa vào “lò”.

Quá khứ lẫn hiện tại của lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 90 năm qua đều đã chứng minh một điều: Càng những lúc khó khăn nhất, gian nan nhất, Đảng ta càng có dịp thử thách, trui rèn bản lĩnh nhờ có người lãnh đạo đất nước bản lĩnh, có tầm, có tâm. Và cũng rất có thể thành công nếu người đứng đầu ấy được dân tin, dân yêu, được mọi đảng viên trong Đảng tín nhiệm cao. Nếu như chúng ta sáng suốt tìm cho được minh chủ có uy tín cao, đủ sức tập hợp được những cán bộ, đảng viên nòng cốt có trí tuệ, tài năng và đạo đức tham gia lãnh đạo đất nước thì không có gì là không thể và ngược lại, nói như Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng mới đây: “Ta không làm tốt thì ta tự lật đổ ta!”. Tôi hết sức tán đồng cách nhìn sâu sắc, “gan ruột” này của ông.

Nếu Đảng không mạnh mẽ, bản lĩnh, tự tin và thấu hiểu nguy cơ mất chế độ sẽ ra sao nếu không tự chỉnh đốn? Và Đảng ta đã dũng cảm làm tốt điều tưởng như không thể làm được đó. Điều này có lẽ cũng chưa có nhiệm kỳ đại hội nào chúng ta làm nổi. Nói như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì dù có đau xót đến mấy cũng phải làm nếu muốn Đảng mạnh thật sự. Và ông cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng thống nhất cao độ cách làm để có thể đi đến hiệu quả cao nhất.

90 năm qua, Đảng ta đã vượt qua không biết bao nhiêu thử thách để đi đến thành công. Có một điều thật thú vị, đó là càng vào những lúc Đảng gặp khó khăn nhất lại là những lúc trong Đảng luôn có những vị đứng đầu sáng suốt, bản lĩnh và trí tuệ nhất xuất hiện đúng lúc nhất. Đảng luôn cầu thị thừa nhận những gì mình từng chèo lái con tàu cách mạng nhưng chưa thật chuẩn, thậm chí là cả sai lầm lớn, để từ đó sửa sai, đi tiếp. Nhờ thế mà con tàu lớn ấy vẫn cưỡi sóng hướng ra biển lớn.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan