Hết mưa trời sẽ hửng

Ngày đăng: 09:44 11/02/2020 Lượt xem: 316

                                 Hết mưa trời sẽ hửng


                                         Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet

Phải khẳng định, Việt Nam chúng ta chống dịch này, và nhiều bệnh dịch nhiệt đới khác rất tốt, từ chính sách tới hành động của người dân.

 

“Phải làm kiên quyết, khoanh vùng dập dịch cho bằng được”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo khi dẫn đầu một đoàn công tác về tỉnh Vĩnh Phúc chiều hôm qua nhằm tìm hiểu tình trạng lây nhiễm Coronavirus ở tỉnh này. Vĩnh Phúc là nơi có 9 người nhiễm, cao nhất cả nước đến nay.

Cũng sáng qua, Chuyến bay đặc biệt của Vietnam Airlines đã chở 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán về sân bay Vân Đồn, hoàn thành sứ mệnh đầy nhân văn.

Những nỗ lực trên chỉ là những nỗ lực nối dài của rất nhiều người, nhiều tổ chức nhằm đối phó với dịch bệnh coronavirus đang khuấy đảo cuộc sống ở Trung Quốc và đe dọa đất nước chúng ta.

Cho đến nay, số người bệnh ở Việt Nam mới chỉ dừng ở con số 14, trong đó 6 người đã ra viện. Nhiều tỉnh thành đã thành lập trung tâm cách ly, hỗ trợ người bệnh 100% phí điều trị, công tác tuyên truyền làm rất thường xuyên và kịp thời.

 
Hết mưa trời sẽ hửng
Việt Nam đã có phản ứng chính sách rất mạnh và kịp thời.

Các nhà khoa học Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã chế tạo thành công sinh phẩm RT-LAMP phát hiện nhanh virus Corona chủng mới, cho phép chỉ mất 70 phút sẽ cho kết quả. Bên cạnh đó, các nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công virus Corona mới trong phòng thí nghiệm, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 3 nuôi cấy thành công virus này.

Đó là những nỗ lực không mệt mỏi của các nhà khoa học.

Phải khẳng định, Việt Nam chúng ta chống dịch này, và nhiều bệnh dịch nhiệt đới khác rất tốt, từ chính sách tới hành động của người dân. Ở lần này, gần như các chính sách đều đã “kịch khung”. Ở góc độ rộng lớn, các chính sách đó đã giúp phòng ngừa lan truyền bệnh.

Song, với diễn biến dịch như đã nói, thì có lẽ một số chính sách liên quan sẽ được điều chỉnh để phủ hợp với dịch bệnh và thực tế. Bộ Y tế mới đây trả lời Bộ Giáo dục Đào tạo, là ở các địa phương không có dịch, học sinh có thể đi học sau khi đã khử trùng trường lớp.

Việt Nam, dưới sự chỉ đạo từ các cấp cao nhất của Đảng và Chính phủ, đang làm rất tốt việc kiểm soát dịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân  Phúc nói khi làm việc ở tỉnh Thừa Thiên – Huế: “Không vì lý do dịch bệnh mà chúng ta thoái chí, bàn lui”.

Theo thông tin từ Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, qua khảo sát nhanh các doanh nghiệp, Hiệp hội, các nhóm ngành sau đây đang chịu thiệt hại nặng nề nhất từ dịch bệnh lần này.

 

Thứ nhất là du lịch, dịch vụ du lịch, hàng không nhiều nơi gần như đóng băng hoạt động.

Thứ hai, ngành nông nghiệp, nơi củ, quả và những mặt hàng tươi cũng đang kêu gọi giải cứu khắp nơi.

Thứ ba, nguyên liệu sản xuất cho may mặc, da giày, điện tử, linh kiện phụ tùng ô tô - nhập rất nhiều từ Trung Quốc và hiện nhiều nhà máy liên quan các ngành này đang lao đao do thiếu nguyên liệu.

Theo Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM (HBA), tổ chức này ghi nhận thực trạng các KCX-KCN và khu công nghệ cao tại TPHCM với gần 2.000 nhà máy đang cần nguyên phụ liệu cho sản xuất mà một phần lớn nguồn từ Trung Quốc, chưa có nguồn khác thay thế. 

Theo Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp không chịu khoanh tay. Theo ghi nhận, các doanh nghiệp ngành du lịch đã và đang chủ động thảo luận để đưa ra các kiến nghị với Chính phủ cả trước mắt lẫn dài hơi hơn sau dịch. Một số biện pháp kích cầu các nhóm khách ở các thị trường xa và có chi tiêu cao đang được đề nghị (chính sách miễn thị thực trong 30 ngày), đi kèm đó là các giải pháp nâng cao chất lượng điểm đến, dịch vụ, sản phẩm du lịch... trong lúc này để khi dịch qua thì khả năng phục vụ, thu hút khách tốt hơn.

Các doanh nghiệp ngành nông nghiệp, một mặt đang kêu gọi giải cứu một số mặt hàng như dưa hấu, thanh long..., nhưng mặt khác cũng đã bàn thảo và đưa ra một số giải pháp song song như: thúc đẩy thị trường trong nước, tìm kiếm thị trường thay thế, tìm hướng đẩy mạnh các sản phẩm đóng hộp/chế biến...

Về phía các bộ ngành cũng đang xe xét một số giải pháp liên quan tới thuế, lãi vay ngân hàng, dư nợ... để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, ổn định trở lại sản xuất.

Những nỗ lực đó đều góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Hồi dịch SARS hoành hành, các doanh nghiệp gặp khủng hoảng mất tầm 6-12 tháng và nền kinh tế chịu thiệt hại cực lớn.

Dịch nCovy lần này dù thời gian xảy ra còn mới song Chính phủ và các chuyên gia kinh tế cũng đã dự tính mức độ ảnh hưởng không hề nhỏ. Rất may, Chính phủ lẫn doanh nghiệp đều đã có sự chủ động vào cuộc nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, gắn kết hơn ... nên hi vọng sau cơn mưa trời sẽ quang quẻ, sáng dần.

( C. H sưu tầm )

tin tức liên quan