Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Chuyến bay chở 30 người Việt Nam bị "mắc kẹt" tại Vũ Hán về nước ngày 10/2 thực sự là chuyến bay nhân đạo. Tiếc thay, vẫn có nhiều ý kiến đâu đó nghi ngờ những điều tốt đẹp của nó.
Chiếc Airbus 321 mang số hiệu HVN68 được Chính phủ giao cho Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) thực hiện mang theo cả 2 nhiệm vụ đầy tính nhân văn: Chiều đi vận chuyển đồ cứu trợ của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ, người dân Trung Quốc; Chiều về, chuyến bay đó chở theo 30 công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại Vũ Hán do tình trạnh dịch bệnh ở thành phố này.
Dù nhìn ở góc độ nào cũng thấy rằng, đó là chuyến bay rất có ý nghĩa bởi nó mang theo hàng cứu trợ cho những người dân bị nạn và càng ý nghĩa hơn, khi chiều về, nó thực hiện một nhiệm vụ khá nặng nề: Đưa những công dân Việt Nam thoát khỏi tâm vùng dịch bệnh để về nước - nơi gia đình, người thân của họ đang chờ đợi trong lo lắng và nếu có ai chẳng may bị lây bệnh, họ cũng có thể được chữa trị tốt hơn nếu ở khu vực đang là trung tâm của đại dịch Covid-19.
Nhưng có lẽ không ai muốn đi trên chuyến bay ấy. Bởi nó rất nguy hiểm - đi vào nơi dịch cúm Covid-19 phát sinh và đang hoành hành, những người đi trên chuyến bay ấy, nếu không may, cũng có thể bị lây, nhiễm bệnh, cho dù, tất cả những người đi trên chuyến bay đã được mặc đồ bảo hộ đặc chủng. Toàn bộ trang thiết bị, vật dụng... trên máy bay đều được khử trùng, bao bọc rất cẩn thận để tránh nguy cơ "dính" virus Covid-19.
Thế nhưng đã có tới 3 y, bác sĩ và 15 phi hành đoàn đã lên chuyến bay đó. Trong đó có một bác sĩ sản khoa từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương để có thể giúp đỡ cho một công dân Việt Nam về từ Vũ Hán đang mang thai tháng thứ 8; một bác sĩ phó khoa cấp cứu của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và một điều dưỡng khoa cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để thực hiện các y lệnh của bác sĩ khi sức khỏe của những người này có vấn đề. 15 thành viên phi hành đoàn đều là những người giàu kinh nghiệm, chuyên môn tốt.
Tất nhiên, có thể không phải ai tham gia chuyến đi trên cũng đều là tự nguyện. Cũng có nhiều người được phân công, giao nhiệm vụ để đi. Nhưng có một điều chắc chắn mà phóng viên báo Dân trí tìm hiểu và đã đăng tải là tất cả những thành viên tham gia sẵn sàng cho chuyến đi. Nhiều người nói rằng họ không sợ con virus đó, chỉ sợ không đón được "người mình" (công dân Việt Nam bị kẹt tại Vũ Hán-Dân trí) trở về. Và họ chấp nhận cả việc khi về, ngay lập tức phải cách ly ít nhất 14 ngày, phải xét nghiệm và nếu chẳng may bị lây bệnh từ vùng dịch thì họ phải sẵn sàng cho quá trình điều trị, chữa bệnh tại bệnh viện.
Dù nhìn dưới góc độ nào, chúng ta đều thấy đó là những con người hết sức dũng cảm và nhân ái. Bởi chúng ta đã đọc tin, có hãng hàng không một quốc gia khác đã từ chối nhiệm vụ đi chở những công dân của nước họ mắc nạn tại Vũ Hán trở về. Ở đây, có thể cũng có người sợ chứ không phải không nhưng họ đã vượt qua nỗi sợ hãi để tham gia thực hiện nhiệm vụ nhân đạo "kép": Đưa hàng cứu trợ cho người dân Trung Quốc và đón người Việt Nam mắc nạn trở về.
Đáng tiếc, đâu đó, trên mạng xã hội, những ngày qua, vẫn có một số ý kiến nghi ngờ, thậm chí dè bỉu ý nghĩa tốt đẹp của chuyến bay. Đó là sự xúc phạm bậy bạ. Ở đây, có thể nói với chuyến bay đầy tính nhân văn trên, với những con người dấn thân dũng cảm đã đi thực hiện nhiệm vụ nhân đạo đó, nếu ai đó nếu không nói được điều tử tế, cũng xin đừng nói ra lời cay nghiệt.
( C. H sưu tầm)