Chúng ta vẫn còn biết rất ít về cuộc chiến tranh biên giới ấy
Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt
Hơn 40 năm đã qua kể từ cuộc chiến tranh biên giới. Đó là tuổi trẻ của chúng tôi, của rất nhiều thế hệ. Nhưng con tôi và nhiều bạn trẻ ngày nay biết rất ít về cuộc chiến tranh đánh bại 60 vạn quân xâm lược ấy - và đó là lỗi tại tôi, tại chúng ta. Hiểu lịch sử là điều thật sự quan trọng, để sống, để ứng xử cho hiện tại và tương lai.
Tôi từng là một người lính có đến 8/10 năm tham gia phục vụ chiến đấu vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Tháng 8.1978, ngày tôi nhập ngũ là ngày cả nước làm lễ truy điệu liệt sỹ Lê Đình Chinh bị quân Trung Quốc cố ý khiêu khích rồi sát hại anh ở một đồn biên phòng giáp biên giới Trung Quốc. Không khí cả nước lúc đó rất lạ. Thanh niên sục sôi tình nguyện lên đường nhập ngũ để ra biên giới (cả phía Tây Nam và cả phía Bắc). Tôi là trường hợp trong diện tạm hoãn vì nhà có mình tôi là con trai.
Theo quy định của Chính phủ, nếu người con trai này tốt nghiệp đại học hoặc là nhân viên hành chính bậc 6, hoặc là công nhân lành nghề bậc 5 đã đi làm thì được tạm hoãn nhập ngũ, dù người này có chị em gái. Nhưng tôi vẫn chấp nhận lên đường, tuyệt nhiên không nại vì có chính sách mới ban hành mà xin ở lại. Tôi suy nghĩ rất đơn giản. Có thể tình hình đang rất căng thẳng, quân thiếu. Mình là một người làm báo Đoàn, lại còn rất trẻ. Đây cũng là sự thử thách với bản thân. Và tôi có quyết định dứt khoát. Ngày đó hầu như đều là như thế. Rất ít ai trốn, né tránh nhập ngũ...
Sự đóng góp của tôi không đáng bằng hạt cát so với biết bao người khác trong quân ngũ. Tôi rất buồn khi nghĩ đến chuyện này. Tôi may mắn hơn vô số bạn bè, đồng đội tôi bởi còn được tận hưởng cuộc sống yên bình như hôm nay. Còn họ thì đã ngã xuống, nhưng sử sách viết về họ lại chưa tương xứng chút nào.
Tôi còn nhớ, dịp kỷ niệm này năm ngoái, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia "Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ Quốc - 40 năm nhìn lại".Tôi năm nay cũng đã gần 65 tuổi. Các con tôi, chúng đều rất lơ mơ về lịch sử dân tộc giai đoạn này. Lý do rất đơn giản mà trách nhiệm này là từ ai. Là do chính tôi, do chính chúng ta, đã không lên tiếng đủ, đã để sách lịch sử, sách giáo khoa viết về cuộc chiến ấy quá ít ỏi.
Lúc đó đã có nhiều tranh luận ngay từ cái tên hội thảo, về việc chúng ta đã nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới đủ chưa, đúng chưa, tương xứng chưa. Đó là một cuộc chiến tranh do Trung Quốc phát động với quy mô cực lớn, là cuộc chiến tranh mà chúng ta bảo vệ biên cương Tổ quốc, không chỉ là cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới.
Khai mạc Hội thảo, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam khi đó cũng nói rằng, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc từ tháng 2/1979 đến tháng 9/1989 là một sự kiện không thể nào quên của mọi người dân Việt Nam.
Báo Nhân Dân đăng tải về chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc năm 1979. (Ảnh tư liệu)
Sử sách của chúng ta ghi rõ, ngày 17/2/1979, 60 vạn quân xâm lược bành trướng Trung Quốc đã nổ súng tấn công trên toàn tuyến 6 tỉnh biên giới phía Bắc, từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh), với tổng chiều dài biên giới là hơn 1.400 km.
Nơi quân Trung Quốc tràn sâu nhất vào lãnh thổ Việt Nam có lẽ phải nhắc đến địa danh Đèo Tài Hồ Sìn, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng. Nếu tính theo đường giao thông bộ, đèo này cách đường biên giới những 84 km. Nếu tính theo đường xuyên rừng cũng khoảng trên 40 km. Như vậy để thấy rằng, quân xâm lược đã vào đất nước ta sâu đến cỡ nào. Đó là chưa nói các tỉnh khác như Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên... quân bành trướng Trung Quốc cũng đều tiến vào sâu lãnh thổ Việt Nam vài ba chục km.
Nhân dân Việt Nam ta, trước hết là quân và dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc, đã kiên cường anh dũng đánh trả để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc và giành nhiều thắng lợi vang dội. Theo báo Nhân Dân ngày đó (20/3/1979) từng công bố, quân xâm lược Trung Quốc đã bị loại khỏi vòng chiến đấu khoảng trên 62.500 quân. Đó là “một chiến công hiển hách ghi vào lịch sử của dân tộc ta”.So với cuộc xâm lược gần nhất của người Phương Bắc trong lịch sử, nhà Thanh đưa 29 vạn quân vào nước ta - theo nhà Tây Sơn - Quang Trung xác định, còn theo tuyên bố của tướng nhà Thanh Tôn Sĩ Nghị là 50 vạn, thì cuộc chiến tranh biên giới 1979 đối phương huy động binh hùng tướng mạnh hơn nhiều.
Ấy thế mà phía Trung Quốc vẫn mạnh miệng tuyên bố rút quân về nước là do đã thực hiện thành công kế hoạch "dạy cho Việt Nam một bài học" như tuyên bố của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình sau cái gọi là “cuộc chiến tranh đánh trả tự vệ trước Việt Nam" (Đối Việt tự vệ hoàn kích chiến - từ họ dùng) chứ họ đâu có xâm lược đất nước ta! Cho đến bây giờ, Trung Quốc vẫn một luận điệu rằng họ “chỉ tự vệ” chống trả cuộc tấn công của Việt Nam.
Một điều cần nhớ, cuộc chiến tranh hiển hách nói trên phải xem như được kết thúc vào năm 1989, vì Trung Quốc tuy rút quân về nước, nhưng nhiều năm sau vẫn đêm ngày tiếp tục nã đạn, bắn tỉa, gài mìn... sang đất của phía chúng ta, mà đỉnh điểm chính là mặt trận Vị Xuyên, thuộc tỉnh Hà Giang bây giờ.
Và dù chúng ta có một chiến thắng hiển hách, thế nhưng tổn thất về người và của của dân tộc ta tất nhiên cũng không nhỏ. Cho đến nay, nhiều ngàn cán bộ, chiến sỹ quân đội và dân quân tự vệ địa phương của chúng ta đã nằm xuống mãi mãi mà vẫn chưa tìm thấy hài cốt.
“Với thắng lợi này, quân và dân Việt Nam đã viết tiếp trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc, bảo vệ bờ cõi, giữ vũng nền hòa bình, độc lập dân tộc của đất nước” - Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Nguyễn Quang Thuấn đã kết luận tại Hội thảo.
Tuy nhiên, trên giá sách lịch sử hay trong sách giáo khoa dạy cho học sinh, chúng ta chưa thấy các nhà viết sách tôn vinh "những trang sử hào hùng" với 10 năm và bao người đã anh dũng hy sinh khi ấy một cách tương xứng với tầm vóc của nó. Chúng ta chưa nói để hậu thế hiểu sâu sắc và đầy đủ về cuộc chiến tranh ấy, về cha ông đã chiến đấu, đổ máu và chiến thắng như thế nào để bảo vệ Tổ Quốc.
Tôi có đọc một bài báo cũng dịp này năm ngoái của Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông được cử làm chủ biên chương trình lịch sử sách giáo khoa phổ thông của Bộ Giáo dục Đào tạo.
Ông có chỉ rõ: “Trong sách giáo khoa lịch sử hiện hành (bản in năm 2018 của NXB Giáo dục Việt Nam), lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc được trình bày ở cuốn Lịch sử 12, tại mục II “Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1975-1979)” của Bài 25 “Xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1976-1986)” với dung lượng 3 đoạn, 6 câu, 13 dòng", chỉ đề cập ngắn ngủi một tháng đầu của cuộc chiến đến khi Trung Quốc rút về nước ngày 18/3/1979.
Nếu các nhà viết sử, các nhà biên soạn sách giáo khoa lịch sử không viết một cách trung thành và đúng tầm của cuộc chiến tranh ấy thì những thế hệ tiếp theo sẽ càng lơ mơ. Có lẽ nào chúng ta cam tâm để một khoảng trống lớn trong chính sử? Những chiến thắng vĩ đại, những mất mát không gì bù đắp được, luôn là bài học sâu sắc cho chính chúng ta, cho các thế hệ sau này.Trong khi đó, toàn bộ quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia ở vùng biên giới phía Bắc và ở Biển Đông hầu như không hề được đề cập trong sách giáo khoa
"Nếu chúng ta bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn ta bằng đại bác" - đã có một câu danh ngôn như thế. Chúng ta học sử là để ứng xử cho hiện tại, cho tương lai, để không bao giờ cho phép lặp lại một cuộc chiến tranh mà mất mát đau thương nhiều nhất luôn là người dân, dù ở bên nào.
Tôi nói lên những điều này vì tuổi trẻ của những đồng đội tôi, cuộc sống của những đồng bào tôi đã bị cuộc chiến cướp mất, vì “lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương”. Tôi hiểu rằng, 41 năm đã trôi qua, thế giới đã có nhiều biến đối. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được bình thường hóa và đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, dù còn có những trở ngại cần vượt qua…
Sử sách viết sao cho trung thực, không phải khoét sâu mốt hận thù, mà chỉ để nhắc lại một sự thật lịch sử, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã là như thế...
( C. H sưu tầm )