Kê khai tài sản thiếu trung thực, cán bộ có thể bị cách chức
Nguồn: Báo Điện tử VOV
Dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản thu nhập sẽ khiến người kê khai không thể giấu giếm, bởi nguy cơ bị phát hiện là rất lớn.
Trong Dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn do Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố để lấy ý kiến, có một biện pháp đáng chú ý. Đó là quy định TTCP là một trong những cơ quan tiếp nhận và quản lý các bản kê khai tài sản, thu nhập của chức danh lãnh đạo từ giám đốc Sở và tương đương trở lên. Đồng thời, một cơ quan chuyên trách về kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập sẽ được thành lập, có đặc quyền trong việc xác minh ngẫu nhiên khi nghi ngờ về tính trung thực của bản kê khai.
|
TS Đinh Văn Minh (Ảnh do nhân vật cung cấp)
|
Điểm mới này được dư luận đánh giá là một khâu then chốt trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập, sẽ khiến cho việc kê khai không còn mang tính hình thức. Phóng viên VOV.VN đã có trao đổi với TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) xung quanh điểm mới này.
Hình thành cơ quan kiểm soát với nhiều “đặc quyền”
Đại diện cơ quan soạn thảo, TS Đinh Văn Minh thừa nhận, qua tổng kết, việc kê khai tài sản từ trước đến nay còn mang tính hình thức. Việc kê khai được làm rất nghiêm túc, đầy đủ, số lượng người kê khai luôn đạt hơn 99%, kê khai đúng thời kỳ, đúng thời hạn nộp, sổ báo cáo rất tròn trịa. Nhưng tính hiệu quả của việc kê khai, để phát hiện những bất thường, thậm chí tài sản tham nhũng, để xử lý, thu hồi vẫn còn thấp.
Để tránh việc kê khai hình thức, trốn tránh, không trung thực, thậm chí cả chuyện tẩu tán tài sản, Dự thảo Nghị định đưa ra biện pháp về hình thành cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập. Cùng với Thanh tra Chính phủ, một số cơ quan nữa sẽ được giao việc này, và cơ quan đó sẽ phải cơ cấu lại tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, bố trí nguồn nhân lực, các điều kiện cần thiết để thực hiện việc kiểm soát tài sản thu nhập.
“Một số cơ quan có thể được giao làm đầu mối, như Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh. Các ban, ngành cũng có cơ quan kiểm soát riêng như Tòa án, Kiểm sát, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước. Quy mô các cơ quan có thể không giống nhau, bởi số lượng người cần kiểm soát chủ yếu tập trung ở cơ quan Thanh tra. Ví dụ như Văn phòng Quốc hội, số lượng người phải kiểm soát tài sản, thu nhập rất ít. Trong mấy trăm đại biểu, nhiều người lại thuộc cơ quan khác, còn bản thân Văn phòng Quốc hội chỉ vài chục người; Văn phòng Chủ tịch nước cũng vậy”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP cho biết.
Theo Dự thảo Nghị định, Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ từ Giám đốc Sở trở lên (tương đương hệ số phụ cấp từ 0,9 trở lên). Đây là con số khá lớn. Cơ quan này không chỉ làm nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc kê khai tài sản, thu nhập, mà còn có trách nhiệm đánh giá, phân tích bản kê khai, phát hiện bất thường; từ những thông tin, phản ánh của báo chí về dấu hiệu không trung thực, kê khai không hết thì cơ quan này có trách nhiệm xác minh, thẩm tra ban đầu. Các cơ quan này phải có mối quan hệ gần gũi, thân thiết với các cơ quan có liên quan đến kiểm soát tài sản, như ngân hàng, để cần một thông tin gì đều có thể trao đổi. Quá trình theo dõi nếu phát hiện có biến động lớn, cần thiết thì phải tiến hành thẩm tra sớm. Đặc biệt, cơ quan này có quyền yêu cầu các cơ quan khác cung cấp thông tin. Quyền này rất quan trọng, nếu không, Ngân hàng sẽ không dễ dàng cung cấp thông tin về khách hàng của họ. Để hạn chế việc tẩu tán tài sản, nếu thấy dấu hiệu nghi ngờ, cơ quan này có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức đình chỉ giao dịch, phong tỏa tài khoản…
“Đương nhiên, cùng các biện pháp như vậy cũng phải kết hợp các biện pháp khác, để có thể quản lý tốt mới làm chặt được việc chuyển dịch chỗ nọ, chỗ kia, theo dõi được các giao dịch lớn. Ở nước ngoài, giao dịch ở một mức nào đó được đặt vào tầm kiểm soát; giao dịch bằng tiền mặt nhiều sẽ khó kiểm soát. Quy định giao dịch từ bao nhiêu phải qua tài khoản, khi đó sẽ dễ kiểm soát”, ông Minh nhấn mạnh.
“Một điểm mới nữa trong Dự thảo Nghị định cho phép mở rộng khả năng thu hồi tài sản. Đó là trước đây quy định tài sản tham nhũng là tài sản của người có hành vi tham nhũng. Nhưng thực tế họ chuyển tài sản cho người khác đứng tên. Do vậy, tài sản tham nhũng phải được hiểu là tài sản có nguồn gốc tham nhũng, nghĩa là vốn nó có nguồn gốc từ tham nhũng nhưng nó được chuyển dịch”, ông Minh thông tin thêm.
Sẽ có cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản cán bộ
Một trong những biện pháp để kiểm soát hiệu quả tài sản, thu nhập của cán bộ công chức cũng đã được quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng, đó là quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản thu nhập.
Theo TS Đinh Văn Minh, trong Dự thảo Nghị định có đề cập về cách thức xây dựng, giao trách nhiệm cho cơ quan nào, hình thành thông tin đó ra sao, cơ quan nào có trách nhiệm nhập thông tin vào, bởi có nhiều cơ quan kiểm soát tài sản, các cơ quan này phải có sự liên thông khi nhập thông tin và cơ sở dữ liệu. Khi cơ sở dữ liệu được hình thành, việc kiểm soát, thẩm tra, xác minh sẽ rất thuận tiện. Tài sản, thu nhập có thể ở nhiều chỗ, bằng công cụ tin học có thể giám sát được.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Pháp chế vẫn cho rằng, đây là công việc rất phức tạp, rất nhiều thông tin, cần phải lựa chọn đưa vào những thông tin cần thiết; quá trình tiếp cận, sử dụng, khai thác thông tin đó phải có một cơ chế chặt chẽ để đảm bảo thuận tiện cho việc tra cứu nhưng cũng phải đảm bảo an toàn bởi đây là loại thông tin cần có sự bảo mật cao nếu không sẽ gây nhiễu.
Hiện Thanh tra Chính phủ đang xây dựng đề án cho cơ sở dữ liệu đó, có rất nhiều việc cần phải làm để đảm bảo cơ sở dữ liệu đó thực sự có hiệu quả cho việc kiểm soát tài sản thu nhập của công chức.
Kê khai thiếu trung thực có thể bị cách chức
Để tăng tính tự giác, trung thực của người kê khai cũng có nhiều biện pháp. Theo Vụ trưởng Thanh tra Chính phủ, ngoài viêc các quy định về kê khai phải rõ ràng, không thể hiểu sai được; rồi có cơ quan chuyên trách theo dõi, giám sát, để phát hiện ra những chỗ không trung thực, thì Dự thảo Nghị định còn nhấn mạnh đến quyền kiểm tra, xác minh, thậm chí xác minh ngẫu nhiên của cơ quan chuyên trách. Quy định này sẽ khiến người kê khai phải thấy rằng, nếu họ không trung thực, nguy cơ bị phát hiện là rất lớn, khi đó ý định che giấu cũng sẽ giảm đi.
“Một khi sự thiếu trung thực bị phát hiện, hình thức xử phạt với người thiếu trung thực rất nặng. Đối với cán bộ công chức có thể bị buộc thôi việc. Lãnh đạo có thể bị bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức”, ông Minh cho biết.
Bởi “hình thức nghiêm khắc như thế có tính chất răn đe rất lớn, cũng giống như Nghị định 100 vừa rồi, không chỉ căn cứ vào đó để xử phạt, mà quan trọng là những hình thức xử lý được đưa ra mang tính chất răn đe rất lớn để khi anh đặt bút xuống kê khai phải thấy rằng, một trong những hậu quả là anh rất có thể bị phát hiện và đã bị phát hiện rồi sẽ bị xử lý rất nặng”, TS Minh phân tích thêm./.
( C. H sưu tầm)