Khi tự nhiên cất lời
Nguồn : Báo Điện tử VnExpress
Từ khi Covid-19 là “tình trạng khẩn cấp toàn cầu”, tôi cũng như hàng triệu người, bỗng bị ném vào “tình trạng khẩn cấp phòng bị”.
Đã gần một tháng, tôi vẫn chỉ loanh quanh ở nhà, trao đổi công việc qua email, hội họp cũng thưa thớt đi nhiều. Mọi hoạt động kinh tế và xã hội chậm lại, công việc tư vấn của tôi cũng giảm mạnh, thu nhập chắc chắn sẽ kém hẳn. Điện thoại gọi tới chủ yếu của các nhà báo xin phỏng vấn mấy chuyện thường ngày.
Hai đứa trẻ trong nhà không đến lớp, khuôn phép thời gian chệch choạc hơn. Vợ tôi là giáo viên cũng nghỉ ở nhà, trông nom dạy dỗ con, rồi lo mấy thứ chống dịch, xem khẩu trang và nước sát trùng rửa tay có bị thiếu không. Cần thiết lắm chúng tôi mới ra đường. Chưa bị cách ly nhưng các gia đình gần như đã tự cách ly.
Có những sáng mùa đông, Hà Nội lạnh vắng trong cái hiu hắt thời bệnh dịch, tôi ngồi trong phòng một mình, buông tư duy vào sự thăng trầm của nhân loại. Ai đã gửi tới virus corona dạng mới cho loài người? Nó mang thông điệp gì cho chúng ta?
Trái đất này, ta tưởng rằng ghê gớm, nhưng chỉ như một hạt cát trong vũ trụ bao la, loài người đã quá may mắn khi có một nơi cưu mang mình. Con người đã gửi ra ngoài vũ trụ bao nhiêu tín hiệu, cố gắng tìm kiếm một nơi nào khác có sự sống mà mãi chưa thấy hồi âm. Nhưng quả thực, ngày càng nhiều, chúng ta đã nhận các biến cố mới, dịch bệnh mới, thiên tai mới, vì đâu?
Tôi ngước nhìn bản đồ chính trị thế giới ngày nay, đường biên giữa các quốc gia đã được sắp đặt cẩn thận sau Đại chiến Thế giới thứ II, vậy mà vẫn còn bao hiềm khích về tranh chấp ranh giới quốc gia trên bộ, trên biển. So với bản đồ địa - chính trị của 100 năm trước, lãnh thổ các nước cũng khác nhiều. Nếu ngược lại 1.000 năm trước nữa, sự khác biệt còn xa hơn. Biết bao nhiêu dân tộc, bao nhiêu thành phố "vang bóng một thời" đã bị tiêu vong. Dân tộc Aztec hay Inca từng đạt tới trình độ văn minh đáng kể, nay chỉ còn lại dấu vết hoang tàn. Thành phố Pompeii hay Atlantic danh tiếng trong sử sách nay cũng không còn nữa. Ngay cả bảy kỳ quan của thế giới cổ đại cũng chỉ còn lại khu lăng mộ Giza. Sự tiêu vong của những quốc gia, thành phố, dân tộc đều do nguyên nhân chung: thiên tai hay nhân tai.
Vài năm trước, trong giờ dạy nhóm nghiên cứu sinh ngành Quản lý đất đai của Học viện Nông nghiệp về chủ đề thỏa thuận cộng đồng, tôi nói về cơ chế giải quyết khi thỏa thuận không được thực hiện do nguyên nhân bất khả kháng. Theo thông lệ, "bất khả kháng" là khi tình huống bị thay đổi do tác nhân bên ngoài như thiên tai hay nhân tai xảy ra mà các bên cam kết không có cách nào tự vượt qua, khiến cam kết ban đầu không được thực hiện. Tôi giải thích, thiên tai là tai nạn không do con người làm ra như siêu bão, ngập lụt, hạn hán, động đất, núi lửa, dịch bệnh; còn nhân tai là tai nạn do con người gây ra như chiến tranh, đốt phá rừng, ngăn sông, lấn biển...
Một nghiên cứu sinh đứng lên xin có ý kiến. Anh cho rằng, "điều thầy nói là đúng trong hoàn cảnh loài người còn quá yếu ớt trước thiên nhiên. Đến nay, khi con người có thể tác động làm thay đổi thiên nhiên thì nhiều loại thiên tai do chính bàn tay con người". Học viên nói thêm, có nghiên cứu đã chứng minh việc xây dựng một đại thủy điện có thể là nguyên nhân làm ra động đất, hay các dịch bệnh gần đây như cúm gà, cúm lợn đã làm cho nhiều người bị chết, hủy hoại kinh tế. Vì vậy, cần tư duy lại khái niệm thiên tai và nhân tai trong bối cảnh hiện nay. Tôi hoàn toàn đồng ý với anh.
Loài người đã khôn dần lên, đã bành trướng để xác lập quyền lực với thiên nhiên. Các tác động vào thiên nhiên thuận theo quy luật tự nhiên sẽ tạo ra lợi ích cho con người, nhưng làm trái với quy luật tự nhiên tất yếu phải nhận lại lời đáp uất hận của sự trả thù.
Sinh thời, Einstein đã đưa ra hệ thức năng lượng bằng khối lượng nhân với bình phương tốc độ ánh sáng, được gọi là "hệ thức làm rung chuyển thế giới". Từ đấy, con người tạo ra được phản ứng hạt nhân và phản ứng nhiệt hạch mô phỏng như nó từng xảy ra trong vũ trụ. Rồi theo đó, con người làm ra vũ khí hạt nhân để có thể giết người hàng loạt như ta đã thấy - những vết sẹo nguyên tử đau đớn chưa bao giờ liền ở hai thành phố của Nhật Bản. Toàn thế giới sau đó đã cam kết không sản xuất vũ khí này mà chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình. Thế rồi thảm họa Chernobyl ở Ukraine, thảm họa Fukushima ở Nhật, đều từ bàn tay con người.
Và cùng với đó, trên hành trình sinh tồn của loài người, những virus gây tử vong hay bệnh khó chữa dần xuất hiện nhiều hơn. Chúng tạo ra ung thư, AIDS, viêm gan, cúm, SARS, Ebola, Zika và hôm nay đang là Covid-19. Ung thư và AIDS vẫn được coi như bệnh không chữa được. Vấn đề là, các virus dường như vẫn tiếp tục tự biến thể ngoài phạm vi nhận thức và hiểu biết của con người.
Khi loài người vẫn mải mê chạy theo quyền lực bất chấp lợi ích của các loài khác, liệu thiên nhiên có tiếp tục khuất phục và im lặng mãi không? Liệu có còn virus khác hay một "sứ giả" nào khác xuất hiện? Ai sẽ cứu rỗi loài người nếu không phải chính ta tự cứu mình?
Mỗi chúng ta, đừng để bất kỳ ai sử dụng sức mạnh tàn sát lẫn nhau, kiểm soát chặt chẽ việc sản sinh các loại vũ khí độc địa khác như khí tượng, địa chất, sinh học nhằm xác lập quyền lực của một nhóm người. Là một con người, việc ta có thể làm là giữ cho trái đất luôn tươi xanh và bình yên, trong đó có sự bình yên của bản thân mình; đẩy tà tâm về quá khứ trước khi tự làm tổn thương lẫn nhau và bị thiên nhiên báo thù.
Là một quốc gia, những nhà lãnh đạo trước hết cũng là công dân, tôi tin các quyết định của họ cũng cần gắn với một thông điệp tử tế, tôn trọng tương lai của trái đất và chính nhân dân của mình. Bức tử một dòng sông vì một công trình; cướp đi một công viên vì một dự án; đốn hạ thêm những cánh rừng hay vun thêm hàng núi rác chỉ vì lợi ích riêng của một nhóm người... tới khi tự nhiên cất lời phản kháng, thì rất muộn.
Đặng Hùng Võ