Thứ trưởng Bộ Y tế: Học sinh, sinh viên không cần đeo khẩu trang ở trường
Thứ trưởng Bộ Y tế: Học sinh, sinh viên không cần đeo khẩu trang ở trường
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khuyến cáo, đối với học sinh, sinh viên khi đến cơ sở giáo dục đào tạo không cần sử dụng khẩu trang y tế.
Chiều 24/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Tại cuộc họp trên, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, người dân sử dụng khẩu trang theo đúng khuyến cáo của cơ quan y tế; không cần thiết phải sử dụng khẩu trang y tế hàng ngày; đối với học sinh, sinh viên khi đến cơ sở giáo dục đào tạo không cần sử dụng khẩu trang y tế.
"Các tác động tiêu cực của việc sử dụng khẩu trang y tế không hợp lý vì nếu tất cả 22 triệu học sinh, sinh viên đi học đeo khẩu trang hàng ngày thì chỉ trong 1-2 ngày là hết toàn bộ lượng khẩu trang hiện có. Ngoài ra, nếu vứt bỏ khẩu trang không đúng chỗ sẽ gây ô nhiễm môi trường" - ông Tuyên đưa ra khuyến cáo.
Về vấn đề cho học sinh đi học trở lại vào đầu tháng 3/2020, ông Tuyên cho biết: Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, trong số hơn 30 quốc gia có người nhiễm Covid-19, hầu hết các nước vẫn cho học sinh đi học bình thường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore; có một vài nước, vùng lãnh thổ lùi thời gian học đến cuối tháng 2/2020; tại Trung Quốc hầu hết các tỉnh đi học vào cuối tháng 2, đầu tháng 3/2020.
"Hiện nguy cơ lây nhiễm trong nhóm học sinh, sinh viên được đánh giá rất thấp vì dịch bệnh chưa xuất hiện trong cộng đồng. Ngành giáo dục và đào tạo chủ động hướng dẫn các biện pháp dự phòng trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Việc kéo dài kỳ nghỉ sẽ dẫn đến tâm lý xã hội bất an, trong khi tình hình dịch bệnh có thể kéo dài" - ông Tuyên nói.
Ông Tuyên cho biết, các Bộ: Y tế, Giáo dục, Lao động thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông và các địa phương đã hướng dẫn các biện pháp chuyên môn phòng dịch trong trường học; hướng dẫn nhà trường thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng, vệ sinh lớp học; kiểm soát học sinh và kiểm soát các tình huống phát sinh khi học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở; hướng dẫn phụ huynh về theo dõi sức khỏe học sinh trước khi đến trường, đảm bảo người dân an tâm, lớp học an toàn khi học sinh đi học trở lại.
"Về thẩm quyền trong trường hợp nghỉ ngắn ngày do UBND tỉnh, thành phố quyết định. Trong trường hợp nghỉ dài ngày ảnh hưởng đến khung chương trình năm học sẽ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định. Trong trường hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo không quyết định sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định" - ông Tuyên nói thêm.
Cũng liên quan đến việc đi học của học sinh, sinh viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, Bộ đã phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế hướng dẫn các trường học trên cả nước vệ sinh trường học, các địa phương đã làm tốt việc này và sẵn sàng cho học sinh trở lại trường.
Ông Phùng Xuân Nhạ đề nghị, đối với học sinh, sinh viên là đối tượng lớn có thể chủ động phòng chống dịch, có thể cho đi học trở lại từ ngày 2/3 tới. Còn đối với học sinh mầm non, tiểu học, có thể cho lùi lại 1-2 tuần, tùy theo tình hình dịch bệnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho rằng, việc cho học sinh, sinh viên đi học trở lại cần căn cứ vào các lý do, bao gồm Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, trong 11 ngày qua không có ca nhiễm mới và 15/16 trường hợp nhiễm bệnh đã khỏi. Theo quy định, tỉnh Thanh Hóa đã công bố hết dịch và tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị công bố hết dịch.
Thứ hai, việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học sẽ làm phát sinh những ảnh hưởng đến gia đình, nhà trường, xã hội. Ngoài ra, học sinh từ cấp II trở lên có thể không chịu sự kiểm soát và ra ngoài có thể tiếp xúc với nguồn dịch bệnh.
Theo kinh nghiệm nước ngoài, các nước có dịch vẫn cho học sinh đi học như Nhật Bản, Malaysia, Singapore.
Việc tiếp tục cho học sinh cả nước nghỉ học sẽ gây nghi ngờ về tuyên bố của Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của nước ta, nhất là đối với dịch vụ du lịch. Việc cho học sinh, sinh viên đi học trở lại cần căn cứ theo lứa tuổi và bậc học. Cụ thể, đối với học sinh từ bậc trung học phổ thông trở lên có thể đi học từ ngày 2/3 vì độ tuổi này có sức đề kháng tốt và ý thức tự bảo vệ bản thân tốt hơn. Như thế cũng bảo đảm thời gian thi chuyển cấp, tuyển sinh đại học và đi du học nước ngoài.
Đối với học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở do chưa có ý thức tự bảo vệ bản thân, sĩ số lớp học đông, có thể chưa phải đi học ngay mà nghỉ thêm 1-2 tuần tùy theo diễn biến của dịch.
Thủ tướng cho biết, Thường trực Chính phủ không phản đối khung chương trình học của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng yêu cầu xem xét tình hình dịch bệnh vào phiên họp sau để có quyết định cuối cùng về thời điểm học sinh đi học trở lại.
( C. H sưu tầm)