Tương lai của người già
Nguồn: Báo Điện tử VnExpress
Ông bà chủ nhà tôi thuê trọ đã 80 tuổi vẫn đi nhặt ve chai mỗi ngày.
Suốt 10 năm, tôi ở trọ một phòng trong nhà họ. Con hẻm nhỏ có thể đi từ đường Điện Biên Phủ hoặc Phan Văn Hân, ngoằn ngoèo với những khúc quanh chật cứng, thông ra đường Nguyễn Cửu Vân, quận Bình Thạnh, TP HCM. Cuộc sống của ông Nghi, bà Vân chật vật. Bữa ăn của vợ chồng già thường là những món rau đơn sơ.
Tôi thấy năm bảy bữa bà mới đi chợ một lần. Tôi nhắc bà mua gì kha khá để ăn, giúi cho bà ít trăm, nhưng trên mâm sau đó vẫn là thức ăn của người khác cho trong lúc đi nhặt ve chai, bà đem về hâm lại. "Ăn vậy tiền để đâu cho hết?", tôi đùa. Bà bảo, "để dành khi có bệnh mua thuốc".
Hai ông bà không con cái. Trước kia, ông là nghề sửa radio, cassette; bà bán quần áo cũ ở chợ. Đến khi tôi về trọ khoảng năm 2005, cả hai đã thất nghiệp. Sau đó ít lâu, bà nhận dán giấy tạo hình ngựa vàng mã, mỗi con tiền công 300 đồng. Mỗi ngày, ông bà kiếm được 90.000 đồng từ việc còng lưng dán 300 con ngựa giấy. Mỗi khi rảnh rỗi, hay buổi tối trời đã hết nắng, bà đi lượm ve chai quanh khu vực chợ Thị Nghè, qua khu bờ kè, đường Điện Biên Phủ tới 11 giờ tối mới về nhà. Người quản lý nhà sách gần đó dặn nhân viên gom các loại rác có thể bán ve chai được để phần cho bà cụ. Khoảng 9 giờ tối, bà đến nhà sách nhận phần "quà" đó và dạo qua các quán nhậu trong khu vực để gom vỏ lon, vỏ chai. Có tối khuya, tôi xuống nhà dưới, thấy bà ngồi ăn ổ bánh mì trong bóng tối, ông nằm dưới sàn đập muỗi, bỗng thấy cảnh già quá đỗi quạnh hiu.
Dù căn phòng nhỏ không tiện nghi, cả nhà chỉ có một toilet ở gầm cầu thang, tầng dưới chỗ ông bà nằm lúc nào cũng chất đầy các bao chứa ve chai, ngựa giấy, nhưng tôi không nỡ dời đi vì ông bà sẽ bị gián đoạn thời gian cho thuê phòng. Khoản tiền 1,5 triệu đồng từ căn phòng 10 mét vuông trên gác hàng tháng của tôi là thu nhập chính của họ. Bà bảo, còn khỏe ngày nào thì phải lượm ve chai để có tiền chi xài.
Việc người già gần hết sức lao động vẫn phải đi làm để có tiền mưu sinh không lạ. Hơn 70% số người cao tuổi tại Việt Nam vẫn phải lao động kiếm sống, theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Còn theo bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi, 7,2 triệu người trong số đó sống ở khu vực nông thôn. Trên 40 % trong số họ sau khi nghỉ hưu vẫn phải tiếp tục làm việc để duy trì cuộc sống.
Trong hai con số quá chênh lệch nhau ở trên, không biết số nào gần với sự thật hơn. Tuy nhiên, bức tranh tổng thế cho thấy, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Có hai triệu người thuộc nhóm từ 80 tuổi trở lên. Dự báo đến năm 2030, người cao tuổi chiếm 17 % và năm 2050 là 25 % tổng dân số Việt Nam.
Thực ra, người già còn sức khỏe để mưu sinh là chuyện mừng, bởi lao động cũng là niềm vui. Vấn đề là có rất nhiều người già, không còn sức vẫn phải lao động, hay vì không có bảo hiểm và các khoản tiền già đủ sống nên trở thành gánh nặng lệ thuộc con cháu, xã hội, hoặc tự bươn bải trong khó khăn. Một cụ từng nói với tôi: "Già, bệnh, nếu không chết liền, phải nằm một chỗ thì con cháu có thương mấy, đến lúc cũng bất hiếu". Cụ bà 88 tuổi ở Tiền Giang đã bị con trai và con dâu bạo hành chỉ vì bà không tự chủ được trong sinh hoạt.
Tuy việc bạo hành cha mẹ đã được đưa vào luật hình sự để răn đe, nhưng chiều sâu hơn của vấn đề là các chế độ an sinh cả về tinh thần và vật chất cho người già cũng như nhận thức chung của xã hội về nhóm người già chưa đầy đủ. Đơn giản nhất, nhiều nước có đường dây nóng để bảo vệ người già nhưng ở Việt Nam thì không. Bất cứ khi nào bị ngược đãi, các ông bà cụ đều có thể gọi báo ngay với nhà chức trách. Chúng ta cũng gần như chưa có các chương trình, lớp học giúp người lớn tuổi thích nghi với những thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại, hoạt động tư vấn về sức khỏe tinh thần và thể chất trên diện rộng, các sinh hoạt giúp người già bớt cô đơn, lạc nhịp với cộng đồng. Thậm chí, tôi đọc thấy có những đường dây chăn dắt người già, nhất là những người già ở quê nghèo bị đưa vào thành phố, phải đứng ngả nón xin tiền. Cũng có những người coi người già là người thừa trong xã hội.
Ông Nghi khoe với tôi, từ lúc "tròn 80 tuổi" ông đã được nhà nước hỗ trợ "tiền già", 300.000 đồng mỗi tháng. "Tui chia cho bả một trăm đi chợ mua rau rác về ăn. Còn lại ít bữa ăn sáng ngon ngon với ổ bánh mì thịt hoặc tô cháo huyết bình dân", ông bảo. Con người ta dễ chông chênh khi bước vào tuổi già, trong đó có hình ảnh của chúng ta ở thì tương lai không xa. Vì vậy, sắp xếp cho người lớn tuổi một tương lai đủ an tâm ít nhất ở mức cơ bản là bài toán được mong mỏi giải quyết ngay, công bố công khai và thống nhất như một chính sách quốc gia. Đã đến lúc người Việt không nên bám vào câu "trẻ cậy cha, già cậy con" để mặc định đó là một "chính sách" với người già.
( C. H sưu tầm)