Chống Covid-19 như chống giặc, không có chỗ cho lơ là, vô trách nhiệm

Ngày đăng: 01:40 10/03/2020 Lượt xem: 320


Chống Covid-19 như chống giặc, không có chỗ cho lơ là, vô trách nhiệm

                                                            Nguồn: Báo Điện tử VOV

Việt Nam đang trong “giai đoạn hai” của cuộc chiến chống Covid-19. Để nhanh chiến thắng cả cuộc chiến, tất cả phải cùng hành động.

 

Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm Covid-19 thứ 32, bước vào giai đoạn khó khăn hơn trong phòng chống dịch. Phòng chống dịch Covid-19 sớm thành công hay không sẽ cho thấy năng lực của toàn bộ máy, thể hiện sự nhận thức và hành động, không chỉ ở cấp có thẩm quyền mà còn ở trách nhiệm của mỗi người khi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất, đòi hỏi sự tham gia trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ cấp trung ương đến cơ sở.

Trước hết, cuộc chiến phòng chống dịch “thách thức” vai trò, quyết định của người đứng đầu. Ngay từ những ngày đầu Việt Nam có dịch, từ Ban Bí thư Trung ương Đảng, đến Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rất quyết liệt và thực tế Việt Nam còn áp dụng các biện pháp mạnh hơn mức cảnh báo nhằm tập trung phòng chống dịch.

Các lễ hội gần như ngay lập tức tạm dừng, cán bộ hạn chế đi công tác nước ngoài, họp trực tuyến. Nhiều chương trình nghị sự rất quan trọng như phiên họp UBTVQH, kỳ họp HĐND...cũng tạm hoãn để dồn sức chống dịch. Chính tinh thần hy sinh một số lợi ích kinh tế, và chắc chắn đó không phải là một con số nhỏ, vì sức khoẻ của nhân dân cũng như người nước ngoài đến Việt Nam đã mang lại một niềm tin rất lớn.

Chống dịch như chống giặc nên không có chỗ cho sự lơ là, thờ ơ, thiếu trách nhiệm, dù ở cấp nào.

chong covid 19 nhu chong giac khong co cho cho lo la vo trach nhiem
Khoảnh khắc thực hiện việc dỡ bỏ rào chắn 12 chốt kiểm soát cách ly tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

Dịch Covid-19 cũng “thử lửa” tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng. Mỗi người đều phải nhận thức rằng mình đều đang trên cùng một con thuyền và muốn sớm cập bến phải nỗ lực chèo thuyền, tránh có tâm lý rằng việc đó không phải của mình để rồi thờ ơ, vô trách nhiệm. Một hành vi kém hiểu biết, thậm chí cố tình vi phạm sẽ chỉ hại mình, hại người, khiến những nỗ lực, kết quả trước đó đổ sông đổ bể. Ý thức và hành động vì cộng đồng cần thể hiện trong tình hình này hơn lúc nào hết.

Phòng, chống dịch hiệu quả cũng đòi hỏi sự trung thực, công bằng và minh bạch. Thật nguy hại khi ai đó khoe chiến tích “lách” hải quan để không phải cách ly, gian dối hành trình di chuyển, tiếp xúc để né sự phiền hà vì ích kỷ bản thân.

Có thể nói, tình huống chúng ta phải bước vào “giai đoạn hai của cuộc chiến” phòng, chống dịch với thêm hơn 10 ca nhiễm và hàng trăm ca nghi nhiễm có thể sẽ không đến nếu sự trung thực khai báo được tuân thủ. Virus Sars-CoV-2 không chừa một ai nên càng không có khái niệm quan lớn hay thường dân mà bỏ qua hay giấu diếm, không thực hiện những nguyên tắc cơ bản trong phòng tránh dịch.

Câu chuyện “cách ly không có gì đáng sợ” của hàng xóm bệnh nhân thứ 17 mà VOV.VN đã phản ánh nói lên rằng, chỉ có trung thực, hợp tác mới giúp mình, giúp người dù tình huống bất ngờ bị cách ly là điều chẳng mấy dễ chịu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam thông tin về Covid-19 đến người dân và quốc tế đảm bảo minh bạch và kịp thời. Và phải coi minh bạch thông tin là giải pháp hàng đầu nhằm tăng cường niềm tin và ý thức phòng dịch của người dân. Do đó, chẳng có ai ở "vùng cấm" thông tin, cho dù là thông tin của chính mình nếu liên quan đến sự lây lan của dịch bệnh.

Công tác phòng chống dịch cũng sẽ cho thấy sự phối hợp, chủ động vào cuộc và năng lực thực sự của các cấp, các ngành và địa phương. Không có chuyện “dịch ở nơi anh đang xa nơi tôi” hay trách nhiệm của nơi này chứ không phải nơi khác. Nơi nào lơ là, khâu phối hợp nào không trơn tru, người nào thiếu sự chủ động... sẽ hiện rất rõ trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh lần này.

Chúng ta đã tham gia phòng chống nhiều vụ dịch lớn. Song điểm khác biệt trong phòng chống dịch Covid-19 lần này là sự phối hợp rất tốt của liên ngành, không chỉ một mình y tế chống dịch mà nhiều ngành cùng tham gia. Ngay ở địa phương, chiến lược "rà từng ngõ, gõ từng nhà" đã phát huy hiệu quả, phát hiện sớm những người mắc bệnh và điều trị kịp thời. Điều đó cần được phát huy.

Chống dịch cũng thử thách ý chí và kỷ luật. Hiện chúng ta phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả thay vì một vài ngả như trước và nếu không làm tốt sẽ gặp tình huống trong đánh ra, ngoài đánh vào như lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, đã nhấn mạnh. Song, niềm tin "chúng ta đã thắng trong chiến dịch mở màn, giai đoạn đầu của cuộc chiến và nhất định phải chiến thắng trong cả cuộc chiến" luôn được khẳng định.

Quyết tâm đó còn được thể hiện khi Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh huy động mạnh mẽ hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước để thực hiện bằng được nhiệm vụ kép đặt ra: Vừa tập trung phòng chống dịch, kiên quyết không để lây lan, vừa nỗ lực cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Còn kỷ luật sẽ không có có chỗ cho sự lơ là, thờ ơ, vô trách nhiệm hay cố tình vi phạm pháp luật. Bởi tất cả điều đó đều phải trả giá bằng sinh mệnh chính trị cũng như đối diện với sự nghiêm minh của các chế tài.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Chúng ta sẽ chiến thắng, không chỉ đối với dịch Covid-19, mà qua đó còn “thử lửa” năng lực lãnh đạo, phối hợp các cấp, các ngành, sự đoàn kết, chung sức, chung lòng vì lợi ích của đất nước và nhân dân./.

( C. H sưu tầm)


 
 
  •  

     

Việt Nam đang trong “giai đoạn hai” của cuộc chiến chống Covid-19. Để nhanh chiến thắng cả cuộc chiến, tất cả phải cùng hành động.
 

tin tức liên quan