Trốn cách ly – hành vi không thể chấp nhận được

Ngày đăng: 07:27 11/03/2020 Lượt xem: 333


       Trốn cách ly – hành vi không thể chấp nhận được


                                             Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet

Có trường hợp hành khách trên chuyến bay VN0054 đang cách ly tại nhà, nhưng thực hiện không nghiêm túc, vẫn ra khỏi nhà, Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết hôm qua.

Cũng hôm qua, ông L.T.H, Chủ tịch HĐQT Công ty CP điện gió H.T, đang triển khai một dự án điện gió ở H.Hướng Hóa đưa nhân viên đi... cách ly thay.

Đây là những hành vi không thể chấp nhận được trong khi Chính phủ, tất cả các hệ thống và người dân đang gồng mình để chống dịch bệnh lây lan. Hành động bất chấp này đã vi phạm nghiêm trọng những quy định của Nhà nước về cách ly và phòng ngừa dịch bệnh lây lan cho xã hội.

Đã có luật sư phân tích, cần bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Nếu bị truy tố, tùy theo mức độ gây thiệt hại mà người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm, hoặc bị phạt tiền từ 50 triệu đồng - 200 triệu đồng, hoặc bị phạt tù kèm phạt tiền từ 20 triệu đồng - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Từ khi chuyến bay VN54, trên đó có một số bệnh nhân nhiễm bệnh về nước, toàn bộ xã hội, một lần nữa, lại rơi vào tình trạng căng thẳng để chống dịch. Công sức, thời gian, tiền bạc đổ ra là không thể tính nổi.

 
Trốn cách ly – hành vi không thể chấp nhận được
Để kiểm soát tốt nguồn lây nhiễm, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu. Đó là sự tự giác khai báo khi di chuyển từ vùng dịch trở về, tự giác chấp hành cách ly tại cơ sở cách ly của nhà nước.

Chẳng hạn, chỉ với bệnh nhân thứ 21, cả hệ thống đã phải vào cuộc để truy dấu tích của ông này và phát hiện đã tiếp xúc với 500 người. Tất cả các cuộc họp, hội thảo, gặp gỡ và quá trình đi lại của người này đều được làm rõ, khử khuẩn ở những nơi này. Các trường hợp tiếp xúc dạng F1, F2 đều được cách ly y tế, cách ly tại nhà. Chỉ một người bị dương tính thôi đã thấy cả hệ thống vất vả như thế nào!

Sau một thời gian xã hội khá yên ổn trước virus Covid-19, cả đất nước lại phải ra sức gồng mình do những người mang bệnh như N17, N21 trên chuyến bay VN54.

Vậy là chỉ vì sự vô ý thức của một vài người mà cả xã hội mất ăn, mất ngủ.

Cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam đang đứng trước thử thách mới. Tuy nhiên, với tinh thần chống dịch như chống giặc, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự nỗ lực hết sức của các địa phương, ban ngành chúng ta tin sẽ vượt qua thử thách này như những gì chúng ta đã làm được trong gần hai tháng qua.

Từ vụ giấu bệnh của cô gái N.H.N và trốn cách ly của một vài trường hợp khác diễn ra thời gian qua, mỗi người tự rút ra bài học sâu sắc cho bản thân và cộng đồng. Chống dịch chỉ thành công khi mọi người chung sức đồng lòng bằng niềm tin và thái độ bình tĩnh trước mọi diễn biến bất thường của dịch bệnh.

Bài học thực tế cho thấy, dịch bệnh chỉ được ngăn ngừa một khi chúng ta kiểm soát tốt nguồn lây nhiễm. 16 trường hợp nhiễm virus của Việt Nam được phát hiện kịp thời, cách ly và điều trị thành công đã chứng minh điều đó.

Tuy nhiên, để kiểm soát tốt nguồn lây nhiễm, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu. Đó là sự tự giác khai báo khi di chuyển từ vùng dịch trở về, tự giác chấp hành cách ly tại cơ sở cách ly của nhà nước.

Cùng với đó là ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên ở các cơ quan có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát nguồn lây nhiễm như sân bay, bến xe hay địa phương có người từ vùng dịch trở về. Những vụ khai gian, trốn kiểm soát, trốn cách ly được phát hiện (do cá nhân “tự thú” trên mạng xã hội) cho thấy việc kiểm soát, nhất là đường hàng không, có lúc có nơi còn lỏng lẻo.

Chủ quan, lơ là, mất cảnh giác là trợ thủ đắc lực cho thói quen vô ý thức của cá nhân người từ vùng dịch về trỗi dậy. Hậu quả là xã hội sẽ lãnh đủ.

Chủ tịch Hà Nội nói: “Thủ tướng cũng thống nhất nhận định cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang bước vào giai đoạn thách thức, phức tạp hơn, có nhiều diễn biến khó lường”. Điều này đòi hỏi tất cả người dân phải thống nhất nhận thức, hành động trong chống dịch cùng Chính phủ.

Vô ý thức, thiếu trách nhiệm và ích kỷ trong lối sống – đó là thứ virus nguy hiểm hơn bất cứ loại virus nào.

Tác hại mà nó gây ra cho cộng đồng, cho đất nước là khôn lường và giữa cơn bão dịch corona này, nó khiến cho mọi nỗ lực, công sức của cả nước bỏ ra để phòng chống dịch bệnh đang rất thành công, phút chốc trở thành công cốc chỉ vì sự vô cảm, vô thức của một vài cá nhân.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan