Khai báo y tế toàn dân: Trung thực để bảo vệ mình và cộng đồng
Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt
Từ 10/3, phần mềm giúp người dân khai báo y tế đã được khởi động nhằm giúp ngành y tế nắm được sức khỏe của người dân, góp phần chống dịch Covid-19 hiệu quả. Cùng đó, những giải pháp nhằm siết chặt hơn nữa khai báo y tế của hành khách ở sân bay, cửa khẩu cũng được thực hiện.
Chủ động khai báo y tế
Ngày 10/3, Bộ Y tế đã thông tin về bệnh nhân thứ 32 của Việt Nam. Bệnh nhân nữ 24 tuổi, là người Việt đang sống tại London (Anh). Tối 27/2 bệnh nhân có gặp mặt, cùng dự tiệc và đi chơi với bệnh nhân N.H.N số 17 (bệnh nhân đầu tiên của Hà Nội) tại London, cùng với một nhóm bạn.
Ngày 2/3, bệnh nhân khởi phát bệnh với các triệu chứng ho khan, không sốt, đi khám tại bệnh viện ở London và được cho điều trị ngoại trú. Ngày 9/3, gia đình bệnh nhân đã thuê máy bay riêng và đưa bệnh nhân về TP. HCM, đồng thời thông báo cho ngành y tế.
Chị Nguyễn Thị Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) thực hiện khai báo y tế điện tử. Ảnh: Thanh Sơn
Ngay khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, bệnh nhân đã được khám sức khỏe sơ bộ, ngành y tế TP.HCM tổ chức thu dung, đưa ngay bệnh nhân đến Bệnh viện Dã chiến Củ Chi bằng các phương tiện chuyên chở đảm bảo an toàn về phòng bệnh lây nhiễm. Bệnh nhân được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Kết quả xét nghiệm khẳng định bệnh nhân dương tính với SARs-CoV-2. Hiện bệnh nhân đã được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi với biểu hiện sốt nhẹ 38,2 độ C, ho khan, không khó thở.
Nhờ chủ động khai báo y tế với cơ quan chức năng, ngành y tế đã chủ động đưa đón bệnh nhân với các phương tiện bảo hộ đầy đủ, tránh được nhiều tốn kém, thiệt hại.
Trước đó, bệnh nhân số 17 N.H.N (bệnh nhân đầu tiên của Hà Nội) đi đến Anh, Pháp, Ý, đã khởi phát bệnh (ho, sốt) từ bên Anh, nhưng khi về nước ngày 2/3, qua sân bay Nội Bài, N.H.N đã hết sốt nên máy đo thân nhiệt không phát hiện được. Chị này cũng chỉ khai báo y tế mình đến Anh mà không nói đã đi qua Ý và cũng không nói mình đang có triệu chứng ho sốt.
Sau đó, N.H.N đi khám mới được chẩn đoán mắc Covid-19. Điều này đã đặt Hà Nội vào một “trận chiến” để bủa vây, phong tỏa, cách ly phòng chống dịch Covid-19. Một khu phố đã bị phong tỏa, hàng trăm người phải đi cách ly, hàng ngàn người đã phải “chạy theo” để thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Bác sĩ Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết: Đối với trường hợp của N.H.N Vì lúc đó, Việt Nam đã có quy định cách ly đối với hành khách đến từ Ý nhưng do sự khai báo không trung thực của N.H.N mà không phát hiện ra. “Để chung tay chống dịch, chúng ta cần nhất sự tự giác, trung thực của bản thân người khai báo” - ông Tuấn nói.
Toàn dân ủng hộ chống dịch
Trước tin toàn dân khai báo y tế, bà Vũ Thu Hà (61 tuổi, trú tại Cát Linh, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, bà đã nghe tin này và đã tải ứng dụng về để khai báo về sức khỏe của mình. “Nếu như việc khai báo này có thể góp phần giúp Nhà nước ta kiểm soát, phòng chống dịch tốt hơn thì tôi ủng hộ ngay” - bà Hà nói.
Anh Trần Duy Dũng (35 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) cho biết, công việc đặc thù của anh phải tiếp xúc với nhiều người nên rất lo ngại về dịch bệnh. Nhưng anh cũng yên tâm khi thấy Nhà nước ta rất nhanh phát hiện ra các ca bệnh, việc cách ly cũng rất triệt để. Anh cũng ủng hộ việc khai báo y tế và sẵn sàng khai báo y tế.
Tại Đà Nẵng, việc khai báo y tế qua ứng dụng trên smartphone vẫn còn khá mới mẻ. Chị Lê Thanh Hà (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết: “Mình chỉ nghe các thông tin đến cách phòng chống dịch chứ chưa nghe đến việc phải khai báo y tế, chắc về phải tìm hiểu thêm”.
Bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng, cho biết ngành y tế địa phương vừa mới nhận được hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Y tế về vấn đề triển khai, thực hiện khai báo y tế toàn dân. Vì vậy, địa phương sẽ gấp rút cho các bộ phận triển khai trong những ngày tới.
Tại Bình Dương, bác sĩ Huỳnh Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, dù chưa có hướng dẫn cụ thể, nhưng trên tinh thần công tác phòng, chống dịch bệnh luôn đặt lên hàng đầu, Sở Y tế sẽ chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn triển khai thực hiện nội dung này một cách nghiêm túc. Vấn đề này sớm muộn gì cũng phải làm. Qua công tác khai báo này, ngành chức năng sẽ nắm bắt được tất cả những trường hợp có nguy cơ, từ đó kịp thời thông báo danh sách cho các địa phương để triển khai thực hiện các biện pháp tiếp theo, tránh lây lan dịch bệnh rộng trong cộng đồng.
Ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, việc khai báo sức khỏe toàn dân nếu thực hiện tốt không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong công tác chống dịch Covid-19 mà còn giúp cho thành phố hoàn thiện nốt việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử.
“Hà Nội sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được tầm quan trọng của việc khai báo sức khoẻ toàn dân, từ đó sẽ có ý thức và trách nhiệm khai báo đúng, trung thực” - ông Tuấn nói.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Việc ra mắt 2 ứng dụng khai báo y tế mới NCOVI và Vietnam Health Declaration là một trong những biểu hiện rất cụ thể của tinh thần "toàn dân chống dịch". Phó Thủ tướng kêu gọi mọi người cùng tham gia sử dụng 2 ứng dụng mới này. Đây là hành động thiết thực và ý nghĩa. Khi đất nước gặp khó khăn, tất cả người Việt Nam đều nắm chặt tay nhau, bước qua những cái riêng tư để cùng đạt được mục đích. |
( C. H sưu tầm)