Toàn cầu hoá, trách nhiệm công dân và Covid-19

Ngày đăng: 08:28 12/03/2020 Lượt xem: 289
            Toàn cầu hoá, trách nhiệm công dân và Covid-19

                                                  Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt

Câu chuyện về toàn cầu hoá, xem ra lâu nay đã được coi gần như một điều tất yếu. Nhưng rồi, ngay cả một số nhà kinh tế từng nhiệt tình ủng hộ xu hướng này cũng bắt đầu thay đổi dần niềm tin của họ. Qua việc cả thế giới hôm nay đang như ngồi trên chảo lửa khi dịch Covid-19 hoành hành, người ta thêm một lần nữa càng  thấm thía cái gọi là mặt trái của toàn cầu hoá 


Đóng cửa hay mở cửa

Những ngày này, cả thế giới và Việt Nam ta đang lao đao chống lại virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh thế giới phẳng. Nếu ngày xưa, muốn ngừa dịch không cho lây lan từ quốc gia này sang quốc gia kia, người ta sẽ đóng cửa biên giới, không mở cửa bầu trời, đóng cầu cảng biển... là sẽ yên tâm không sợ lây lan dịch diện rộng, sống chết mặc ai.

Nay, trong thế giới phẳng, nếu làm thế, kinh tế sẽ đình đốn, kiệt quệ, từ việc xuất hay nhập khẩu hàng hoá, sẽ tê liệt ngành hàng không, du lịch, dịch vụ... đem lại muôn vàn khó khăn về kinh tế đến độ khó hình dung nổi  kết cục.

Đóng cửa 100% không  quan hệ, nội bất xuất ngoại bất nhập ư? Nghe thì dễ lắm. Hay là  chỉ đóng phần nào, và khi nào mở cửa trở lại và mở  chừng mực nào, đó lại là bài toán vô cùng nan giải. Sai một ly đi một dặm. Chủ quan chỉ một chút là đủ” no đòn”. Thiệt hại kinh tế thì kiểu gì cũng thấy và thấm nhưng nếu mở cửa không đúng lúc, đúng cách thì tiền kiếm được trước đó cũng không đủ bù lại so với thiệt hại do chính ta tính sai. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chuẩn xác khi ông lường trước rằng, Châu Âu mới là mối nguy hiểm tiềm ẩn, rất khó hình dung hậu quả chứ không chỉ có Hàn Quốc, Trung Quốc, hoặc mấy nước Châu Á chúng ta. 

Chúng ta, cả về tài lực, vật lực đầu tư cho ngành y tế còn có một khoảng cách quá xa so với các nước phát triển. Nếu làm như họ thì rõ ràng ta không thể theo nổi. Ấy thế mà, cho dù Việt Nam có chung biên giới rất dài với Trung Quốc, nơi có ổ dịch Vũ Hán, chúng ta vẫn có nhiều giải pháp đối phó cực hay và cũng rất hiệu quả.

Trong “trận đánh mở màn”, 16/16 ca dương tính mà Việt Nam điều trị, dù chưa có vaccine  nhưng đều đã khỏi bệnh, cho thấy sự chủ động, khả năng ứng phó. Và chúng ta cũng chưa hề chủ quan trong cuộc chiến ấy.

Nếu không muốn để một ca bệnh nào xuất hiện tại Việt Nam sau ca thứ 16 đó rồi đóng chặt mọi cửa khẩu trên trời, dưới biển hay đất liền rồi hãnh diện, huyễn hoặc vì thành tựu này thì quá dễ. Thế nhưng, nếu làm thế thì “ốc đảo Việt Nam” đến bao giờ mới mở cửa, giao thương, giao lưu trở lại? Vì thế, càng phải tính toán sao cho khoa học, hiệu quả và an toàn nhất. 

Chính vì thế, Ban chỉ đao Quốc gia về phòng chống dịch Sars CoV-2 cũng đã lường trước, chắc chắn sẽ không thể có cách nào sẽ dừng lại mãi ở con số 16 bệnh nhân mắc dịch mà không còn ai tiếp theo. Đó chỉ là chuyện hoang đường trong thời đại mới, thời của thế giới phẳng khi  đã toàn cầu hoá . 

Mà nói vậy cũng có nghĩa Chính phủ ta đã tính tới cả tình huống còn xấu hơn thế mà vẫn lo được. Chúng ta đã đưa ra kịch bản để lo và hoàn toàn có thể chủ động đối phó tốt nếu mức độ nhiễm virus tăng lên đến 3.000 người, thậm chí đến cả chục nghìn người là vẫn có thể, tuy khi đó sẽ vô cùng mệt mỏi và khó khăn. 

Câu chuyện nước Italia đã chúng minh rất rõ dịch bệnh sinh sôi nhanh đến mức nào nếu chủ quan. Ông Thủ tướng Giuseppe Conte vừa ký một sắc lệnh đặc biệt với nội dung phong tỏa toàn bộ nước Ý  cho đến ngày 3/4. Ông chỉ ra lệnh trên sau khi con số tử vong tăng khủng khiếp ở nước này: Chỉ trong một ngày 8.3, Ý có thêm 1500 ca nhiễm mới và có tới 133 ca tử vong. Ngày 9.3 là 97 ca tử vong với gần 2.000 ca nhiễm mới. Lúc này việc đóng cửa có phải đã muộn?

Trách nhiệm công dân

Cũng vì chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hoá, cho nên đòi hỏi mỗi một con người trên thế giới này đều phải có trách nhiệm công dân trước cộng đồng. Giờ đây, nếu muốn dập dịch thành công, đó  không chỉ là câu chuyện của riêng nước mình mà có thể bỏ mặc người khác, quốc gia khác . 

 

 

toan cau hoa, trach nhiem cong dan va covid-19 hinh anh 3

Khi dịch bùng phát ở Hàn Quốc cuối tháng 2.2018, tôi chia sẻ trên FB thông tin tôi đọc rằng có những người Việt ở tâm dịch Daegu bàn nhau “sáng kiến” là rủ nhau đi Busan rồi từ đó bay về Việt Nam để tránh cách ly, vì khi đó đường bay Busan vẫn mở. Thật là “khôn dại” rồi mang đại hoạ cho cả trăm triệu dân Việt!

Thế rồi có một bạn trẻ nhắn vào FB  cho tôi hay, chính bạn ấy đã gửi cái “tút” đó của tôi cho Ban lãnh đạo Hội sinh viên Việt Nam bên Hàn Quốc cảnh báo mọi người, khuyến cáo họ không được phép làm thế, mà hãy nghĩ người thân của mình và cộng đồng mình ở quê nhà.

Có một cô gái ngang nhiên lên mạng khoe cách mình “thông minh” do “có não hơn người“ ra sao để thoát được hệ thống kiểm soát y tế trong nước, mà không biết mình đã bị cả xã hội lên án, phẫn nộ đến độ nào. Cô bị cách ly ngay, lúc đó cô có thấy ân hận vì sự ngông của mình? 


Cô có thể không phải nguồn lây duy nhất trên máy bay, song  điều đáng phê phán chính là cô  đã giấu diếm hành trình có qua Milan của mình vì không muốn bị cách ly.Một khi có ai gian dối, không trung thực khi khai báo dịch bệnh, để gieo họa vào lãnh thổ Việt Nam thì phải bị pháp luật khởi tố và  kiên quyết xử lý hình sự, chứ không chỉ là chuyện xử phạt như “gãi ngứa”. Nếu không như vậy, chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều ví dụ kiểu như bệnh nhân số 17 mới rồi. 

Chỉ một sai lầm nói trên, nhà nước ta có thể tiêu tốn cả trăm tỷ, nghìn tỷ đồng, thậm chí hơn thế nữa không hình dung nổi khi quây xong trận chiến thứ 2 này.

Bài học giấu dịch trước đó đã có ở bệnh nhân số 31 ở Hàn Quốc, chỉ trong có vài ngày mà bùng phát bệnh kinh hoàng.

Hôm 3/3,  Việt Nam chính thức công bố đã sản xuất được bộ kit phát hiện ra virus SARS-CoV-2 đạt tiêu chuẩn của WHO, với độ đặc hiệu = 100%. 

Song, theo như tôi hiểu thì để cho ra sản phẩm chính thức, được thế giới cũng như trong nước công nhận cũng cần phải có thời gian chứ không đơn giản dù biết rằng, giá thành mà chúng ta nếu có  làm ra sẽ rất rẻ so với thế giới.

Ở Mỹ, có hiện tượng “công chúng sợ xét nghiệm”, bởi vì nó quá đắt. Trang Business Insider của Mỹ kể chuyện một người Mỹ đến bệnh viện làm xét nghiệm kiểm tra SARS CoV-2, kĩ thuật xét nghiệm cả bằng ngoáy họng tampone và mẫu máu, tổng số tiền phải chi trả là 3.270 USD. Người đàn ông đó có bảo hiểm, được thanh toán tối đa, nhưng vẫn phải bỏ ra 1.400 USD tiền túi.

Tôi nói điều này để thấy, chúng ta, dù là một nước nghèo, nhưng nếu như bị nhiễm dịch thì khi điều trị lại không phải trả dù có bảo hiểm hay không. Phải thấy rằng, đó là một cố gắng vô cùng lớn của Đảng và nhà nước, xem đây là việc lớn, như chống giặc. 

Dân tộc ta đã chiến thắng trong nhiều cuộc chiến tranh dù đối thủ hơn chúng ta về nhiều phương diện. Trong công tác phòng chống dịch bệnh, dù mọi phương diện kỹ thuật, vật chất khác đều không sánh được với nhiều nước. Thế nhưng chúng ta được công nhận là quốc gia thành công hàng đầu khi chống lại dịch SARS hồi năm 2003. Điều đó càng tạo thêm niềm tin vào cách điều hành và biện pháp ngăn ngừa  của ngành y tế cả nước.

Tuy nhiên, sự thành bại còn hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức dập dịch và ngừa dịch của mỗi một người chúng ta (kể cả khách quốc tế đên đây) và thái độ bình tĩnh, tự tin của mỗi người, không được phép hoảng loạn . Nếu không vậy thì dù người lãnh đạo đất nước dù có tài thánh đi nữa, cố gắng thế nào đi nữa, chúng ta cũng bất lực. Bởi hôm nay, thế giới đã sống trong môi trường toàn cầu hoá và đã rất khác xưa.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan