Sống qua đại dịch
Nguồn: Báo Điện tử VnExpress
Có những đêm vợ tôi bật dậy thẫn thờ. Tiền mặt bằng, lương nhân viên, chuyên gia, tiền hàng vứt đi mỗi ngày khiến nhà tôi luôn phải bàn đến chuyện đóng cửa.
Đại dịch Covid-19 ào đến và suýt phá sập nhà tôi. Từ một doanh nghiệp hoa tươi "mới nổi" ở Hà Nội với doanh thu ngày thường chừng 40-50 triệu, ngày lễ lên đến 100- 200 triệu, những ngày sau Tết, kể cả lễ lớn 14/2, doanh thu đã èo uột. "Danh tiếng" của tôi cũng không giúp được vì nhiều người yêu quý tôi, trang fanpage tích xanh tên tôi với gần 200.000 người theo dõi cũng không giúp ích gì khi nỗi sợ hãi choán lấp cả niềm hân hoan tặng hoa của mọi người. 22 ngày trời yên bể lặng giúp chúng tôi gượng được phần nào. Cho đến khi "bệnh nhân 17" xuất hiện.
Từ doanh thu gần 200 triệu ngày 6/3/2020, ngay hôm sau chỉ còn xấp xỉ 30 triệu. Sang ngày 8/3, chính hội ngày Quốc Tế phụ nữ, đơn hàng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay và doanh thu chỉ còn hơn 20 triệu là nhờ đơn hàng đã đặt trước từ đầu tháng.
Và nhà tôi chắc chắn không phải là doanh nghiệp duy nhất ở Hà Nội phải đón nhận cú sốc từ sự xuất hiện của "bệnh nhân 17" ấy. Trên mạng xã hội, sau những lời bình phẩm thoá mạ, tôi cố thông cảm rằng, họ, rất nhiều người cũng đã như nhà tôi, thậm chí còn hơn, mỗi ngày bay hơi cả gia tài.
Chúng tôi còn một doanh nghiệp kinh doanh rèm cửa – nguồn thu chính của gia đình. Không đến nỗi tệ như Hoa, rèm vẫn đủ lượng khách đặt. Nhưng khi đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc phải đóng lại, mọi thứ rơi vào khủng hoảng. Nguồn nguyên liệu là vải may rèm hay những phụ kiện rèm đều đã không thể nhập về. Đơn hàng bị treo, thậm chí bị đền. Mọi tin nhắn Wechat đều không hồi đáp. Trung Quốc tê liệt. Người lao động không đi làm. Các doanh nghiệp cung ứng vải không thiết tha. Giao thông bị bế quan toả cảng. Khách mùa dịch đã ít, hàng hoá lại không thể có. Đội thợ may và thợ lắp gần 60 người mỗi ngày đến công ty rồi lại ra về vì có đơn mà không có vải, không có phụ kiện. Vợ tôi đi vét khắp các đầu mối chỉ đủ cầm cự.
Trong cái khó ló cái khôn, vợ chồng tôi chuyển hướng sang Rèm Cầu Vồng Hàn Quốc và các nguồn nhập hàng khác. Nhưng rồi cũng tiêu tan khi Hàn Quốc bùng phát. Deagu chính là nơi tập trung những nhà máy sản xuất rèm cho nhà tôi. Có những đêm, vợ tôi thức tìm giải pháp. Bản thân tôi, những bài viết quảng cáo rơi vào thinh không vì đâu đâu người ta cũng nói về Covid-19, về khẩu trang, về nước rửa tay sát khuẩn. Vẫn là khách hàng hôm qua nhưng hôm nay họ chẳng xuýt xoa với những mẫu rèm đẹp hay những lẵng hoa xinh, họ lướt qua chúng tôi với đủ mọi sợ hãi với Covid-19. Tin giả tràn lan khiến nỗi sợ nhân lên gấp bội.
Con virus Corona khiến người ta nhìn nhau e dè. Thậm chí rèm nhập từ Hàn Quốc nhưng Hàn Quốc đang có dịch, thôi, bỏ đi. Thuyết phục khách hàng chịu chi tiền ngày thường đã khó, ngày dịch dã trở nên hoàn toàn vô vọng.
Sau lưng mỗi nhân viên là cả một gia đình của họ, cắt giảm nhân sự ở cái thời dịch dã này thực sự là một thứ xót xa. Nhưng ngay cả khi vợ chồng tôi đã cắn răng giữ người thì biến cố tối 6/3 cũng khiến nhiều nhân viên lũ lượt bỏ về quê, theo tiếng gọi gắt gỏng của cha mẹ: "Hà Nội là ổ dịch, về đi!".
Như bao doanh nghiệp khác, vợ chồng tôi vẫn nỗ lực mỗi ngày. Hàng Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong... không về thì gom hàng tồn của các doanh nghiệp khác đang thừa vải mà thiếu khách. Đàm phán với chủ nhà cho thuê để giảm giãn tiền nhà. Không thương lượng được sẽ tính đến phương án bỏ mặt bằng sang kinh doanh online. Chỉ là khách hàng ưu tiên giấy vệ sinh và mì gói hơn thì chịu. Nỗi sợ đã khiến nhiều người đảo lộn ưu tiên trong cuộc sống thường ngày.
Thứ đáng sợ không phải là bệnh nhân thứ 17 mà là hàng trăm nỗi nghi kỵ liên quan đến bệnh nhân thứ 17. Lao động ngoại tỉnh lẫn cả những khách hàng chịu chi, có nhu cầu cũng lần lượt rời khỏi Hà Nội sau cái đêm 6/3 ấy.
Người ta không biết con số đó sẽ nhảy tiếp đến bao nhiêu nữa khi mà tin giả liên tục nhồi nhét vào đầu họ đủ thứ hoang đường nhất có thể. Rồi những hiện tượng bất lương cá biệt như "đánh tráo người đi cách ly" càng khiến mạng xã hội sôi sục. Phía trước của doanh nghiệp nhà tôi hay hàng ngàn doanh nghiệp khác chỉ bụi mù như bầu trời Hà Nội ngày chỉ số ô nhiễm cao.
Người ta bảo, làm kinh doanh phải thực tế, thực dụng. Nhưng vợ chồng tôi lại là kẻ "sến súa". Tôi bắt đầu tặng voucher giảm giá giặt rèm cho khách mua hoa. Vải thừa từ rèm, nhà tôi may thành những bọc chậu hoa xinh xắn. Những khách hàng may rèm, tôi tặng họ những chậu cây nhỏ xinh xinh với chiếc bọc chậu bằng chính mẫu vải may rèm còn thừa, để cài thêm tấm thiệp nhắc họ sinh nhật vợ, chồng, người thân thì có thể gọi hoa nhà tôi. Tôi vẫn nghĩ, các doanh nghiệp khác cũng có thể cùng nhau ngồi lại để cái bắt tay ấy tạo ra nhiều hợp tác xã hơn. Thay vì mỗi doanh nghiệp đổ ra cả đống tiền tìm kiếm khách hàng – trong bối cảnh nhiều người đang tự cách ly với xã hội - sao không cùng nhau phục vụ tốt nhất cho những khách hàng của nhau bằng dịch vụ, sản phẩm tốt hơn nữa?
80% người bệnh nhiễm có thể tự khỏi. Các nhà khoa học cũng đã "vẽ mặt" chúng ra một cách chi tiết rồi, không còn gì là bí ẩn nữa. Chúng ta có thể phát hiện ra nó. Chúng ta có thể tiêu diệt nó trước khi nó xâm nhập vào cơ thể của chúng ta. 16/16 ca nhiễm đầu tiên ở Việt Nam đều đã được chữa khỏi. Đã có hơn 8 dự án nghiên cứu vaccine nhằm đối phó với Covid-19. Hơn 80 thử nghiệm lâm sàng... Quá nhiều tin tốt, sao ta vẫn để nỗi sợ chi phối mọi hành vi?
Bản thân dịch bệnh không đáng sợ bằng tin giả. Trên chính fanpage doanh nghiệp của mình, đội truyền thông của chúng tôi hàng ngày vẫn tìm kiếm trên các trang báo chính thống, góp tay cùng báo chí chính thống để đưa lên tin tốt, đưa lên những tip chia sẻ giúp khách hàng của mình. Nếu tất cả các doanh nghiệp đều chung tay làm điều đó, không chỉ giúp chính nhân viên của các bạn tiếp cận tin chính thống, lan toả tích cực mà còn giúp cho chính khách hàng tin vào doanh nghiệp của các bạn.
Tôi tin rằng doanh nghiệp nào vượt qua được mùa dịch này doanh nghiệp đó sẽ mạnh hơn rất nhiều. Khi mà quan hệ giữa sếp với nhân viên sẽ được cải thiện rõ rệt. Sự trung thành hôm nay sẽ tạo ra một nhân viên giỏi ngày mai. Tôi tin, những ngày dịch dã thế này sẽ tạo ra sự gắn kết mạnh mẽ. Bệnh nhân thứ 17 dạy cho cộng đồng và cho cả chính các doanh nghiệp một bài học không thể rõ hơn về trách nhiệm cá nhân với cộng đồng. Một người thiếu trách nhiệm sẽ gây khủng hoảng diện rộng thế nào? Có hạt mưa nào nhận ra mình đóng góp một phần cho trận lũ?
( C. H sưu tầm)