Dột từ nóc...
Mới đây, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai vừa công bố quyết định kỷ luật cách hết chức vụ trong Đảng đối với 4 trưởng phòng của Công an Tỉnh theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương. Với dư luận, đây là điểm nhấn cực kỳ quan trọng để nhìn lại những tiêu cực, sai phạm kéo dài của Công an Đồng Nai.
Trước đó, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Bộ Công an đưa ra kỷ luật cảnh cáo, cách chức và cắt hết tất cả các chức vụ với hầu hết các vị trong Ban giám đốc Công an Đồng Nai hai nhiệm kỳ liên tục (nhiệm kỳ 2010- 2015 và 2015- 2020), trong đó có 2 vị giám đốc, nguyên giám đốc.
Như vậy, hầu hết cán bộ chủ chốt của Công an Đồng Nai đã “dính chàm” với mức độ nặng: Cảnh cáo, cách hết tất cả các chức vụ. Điều này cho thấy, sự quyết liệt, nghiêm minh của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, đồng thời cũng cho thấy, mức độ tha hóa hầu hết lãnh đạo của Công an tỉnh này trong hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Và cũng ở Đồng Nai, cũng trong thời gian này, còn 2 vị nguyên trưởng đoàn Quốc hội tỉnh là bà Phan Thị Mỹ Thanh và ông Hồ Văn Năm cùng bị cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Điều trớ trêu, lý do bị kỷ luật đều là từ thời các vị này ở chức danh nhỏ hơn, từ đó cho thấy, công tác cán bộ ở Đồng Nai là rất không ổn. Đặc biệt, trước khi là trưởng Đoàn QH tỉnh, Trưởng ban Nội chính tỉnh ủy, ông Hồ Văn Năm là Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai.
Đáng chú ý là, trong các lý do bị kỷ luật, ngoài trách nhiệm quản lý sử dụng súng để chiến sĩ sử dụng súng trái luật, thậm chí bắn chết cả đồng đội, thiếu dân chủ...thì có nguyên nhân rất đáng lưu ý là xử lý không đúng luật và can thiệp trái luật ở một số vụ án từ Trưởng phòng, Phó giám đốc, Giám đốc CA tỉnh đến Trưởng ban Nội chính tỉnh ủy Hồ Văn Năm.
... đến những vụ án cực sốc
Từ những án kỷ luật, dư luận dễ hiểu tại sao địa bàn này xảy ra những vụ án rất khó hình dung.
Năm 2019, Ban Bí thư kỷ luật cách chức Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy và Trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai đối với ông Hồ Văn Năm (trái) và cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Huỳnh Tiến Mạnh - Giám đốc Công an Đồng Nai.
Trong cả nước, có lẽ chưa địa phương nào “nổi tiếng” dài dài như trạm CSGT Dầu Giây ở Đồng Nai. Dù được báo chí cảnh báo liên tục những tiêu cực, trong đó có nhiều bài điều tra công phu, nhưng đâu vẫn hoàn đấy và hầu hết cán bộ chiến sĩ trực ở đây vẫn vô tư, một số ít bị ... rút kinh nghiệm, thuyên chuyển.
Thậm chí, kỳ án “logo xe vua” liên quan cảnh sát giao thông (CSGT) và thanh tra giao thông (TTGT) ở Đồng Nai, Bình Dương và TP HCM khiến dư luận thực sự dậy sóng.
Nói là kỳ án bởi vụ án có 9 đối tượng đưa hối lộ và 1 đối tượng môi giới hối lộ (nguyên CSGT Đồng Nai) nhưng không có đối tượng nhận hối lộ.
Kỳ án còn bởi, những đối tượng đưa hối lộ, môi giới hối lộ khai khá thống nhất hối lộ tới 79 đối tượng là CSGT, TTGT, nhưng không một ai bị khởi tố về tội nhận hối lộ!?
Nhưng, lưới trời lồng lộng, ngày 21.10, TAND Cấp cao tại TP.HCM quyết định hủy án để điều tra lại vụ án này. Theo tòa, trong vụ án này có dấu hiệu cho thấy cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm.
Vụ việc này thực sự gây sốc, hoang mang dư luận với câu hỏi: Lẽ nào giang hồ “quyền lực” đến vậy? Nay dư luận mới biết, vụ việc đang diễn ra, băng nhóm xã hội đen gọi điện thoại đến vợ giám đốc CA tỉnh để thị uy. Phải chăng, chính cú điện thoại đó khiến cảnh sát địa phương chùn tay? Nhằm làm rõ quan hệ này, cơ quan chức năng đang làm việc với bà Nguyễn Thị Hồng - vợ Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh - cựu Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, người đã bị Ban Bí thư cách tất cả các chức vụ trong Đảng và Bộ trưởng Công an cách chức Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai. Hoặc như, chỉ vì va chạm bình thường trong quán nhậu với một số sĩ quan công an, băng nhóm “Giang 36” được điều đến rất nhanh để quây xe chở những sĩ quan công an này đòi “giải quyết”, bất chấp sự có mặt của cảnh sát trên địa bàn. Và chiếc xe chở các sĩ quan này chỉ được giải tỏa khi lực lượng đông đảo của CA tỉnh đến hỗ trợ.
Mặt khác, chỉ đến khi cả dàn lãnh đạo Công an tỉnh bị kỷ luật, bị cách chức và có tân giám đốc, một số CSGT mới dám đứng ra tố cáo hành vi bảo kê của lãnh đạo. Bảo kê thô bạo, lộ liễu tới mức chiến sĩ bức xúc ghi âm lại: "xe đã gửi đội", "xe của sếp lớn đó", "xe này gửi một tháng mấy triệu đó mà" …
Thậm chí, 2 CSGT cung cấp clip, hình ảnh tố cáo nhiều CSGT không được nhận tiền trực lễ tết, tiền trực đêm. Điều này nếu đúng, cho thấy lãnh đạo phòng CSGT ở đây “ăn cả bã”.
Chính những xử lý quyết liệt, mạnh mẽ của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương thời gian qua mới có thể “lật tẩy” cả “dàn” lãnh đạo biến chất này. Bởi, khi những đối tượng này kết thành “băng nhóm” thì cực kỳ nguy hiểm vì họ có quyền lực, có rất nhiều tiền và nắm chắc luật để đối phó với các cơ quan chức năng.
Những vụ việc này cho thấy rất rõ, những đối tượng biến chất không chỉ vẫn thăng tiến, mà còn có khả năng dựng đàn em “chung chiến tuyến” kế vị mình.
Mặt khác, những “băng nhóm” biến chất này mới chỉ bị xử lý hành chính, dù cách hết cả chức vụ đi nữa, dư luận hy vọng, đó mới chỉ là xử lý bước đầu. Bởi, những tác hại khôn lường của “băng nhóm” này gây ra, nếu không xử lý hình sự chắc chắn không đủ sức răn đe và chưa thuyết phục được dư luận.
( C. H sưu tầm)