Nguyễn Thị Lệ Quyên (26 tuổi) là du học sinh tại Hàn Quốc, ngày 17/2 Quyên bay sang Hàn để nhập học nhưng sau đó Hàn Quốc bùng dịch nên gia đình lo lắng nhắn em về Việt Nam tới khi ổn định mới trở lại học.
Trở về từ vùng dịch, Lệ Quyên thuộc diện phải cách ly 14 ngày để theo dõi. Ban đầu, Quyên rất lo lắng vì sợ sẽ không thích nghi được cuộc sống nơi ở mới: phải ở chung phòng với nhiều người lạ; sinh hoạt không thoải mái… Quyên đã nghĩ tới việc sẽ xin tự cách ly tại nhà nhưng được gia đình và bạn bè động viên, Quyên chấp nhận đi dù trong lòng vẫn… không vui lắm.
Địa điểm cách ly của Lệ Quyên tại Trường Quân sự Gò Găng Tam Bình (Vĩnh Long), từ sân bay về trường khá xa nên em vẫn chưa hết lo lắng. Mọi suy nghĩ chỉ thực sự thay đổi khi Quyên bắt đầu sống những ngày cách ly đầu tiên ở đây.
Quyên được sắp xếp ở cùng phòng với hai vợ chồng anh chị người Việt Nam và một em bé 4 tháng tuổi. Phòng có tất cả 3 giường, hai giường bên trong, một giường bên ngoài gần cửa.
Sau khi được phát bánh bao ăn lót dạ, Quyên tiếp tục được phát đầy đủ đồ dùng vệ sinh cá nhân: Từ bàn chải đánh răng; khăn mặt; dầu gội; xà phòng… đến chăn; ga; gối… mọi thứ đều dùng cho một người nên nhỏ nhắn, sạch sẽ và đầy đủ không khác gì khách sạn.
“Lúc đấy, cảm giác đầu tiên của em là bất ngờ. Mọi thứ dễ chịu hơn suy nghĩ trước đó rất nhiều”, Lệ Quyên vui vẻ kể lại.
Giường bệnh tại khu cách ly Quyên ở là giường gỗ với chiếc chiếu truyền thống mà như Quyên miêu tả là “nó giống hệt chiếc chiếu hồi nhỏ mẹ mua cho mình nằm, cảm giác rất tuyệt”. Sang ngày thứ 2, gia đình gửi vào chiếc đệm mỏng để nằm cho êm lưng nên cơ sở vật chất ở đây gần như hoàn hảo với một bệnh nhân cách ly như Quyên.
Từ khi vào khu cách ly, cuộc sống của Quyên như gạt bỏ hết mọi lo âu bên ngoài Trường Quân sự Gò Găng Tam Bình. Cô gái 9x sống lành mạnh hơn với lịch trình của một bệnh nhân cách ly.
Một ngày của Quyên cũng như nhiều bệnh nhân cách ly khác ở đây bắt đầu từ 5h30’ sáng. Sau khi thức dậy và vệ sinh cá nhân đến khoảng 6h30’ sáng, Quyên và mọi người tới phòng ăn sáng theo tiếng loa thông báo của các đồng chí bộ đội.
Đồ ăn được chuẩn bị tươm tất với nhiều món ngon và đủ chất dinh dưỡng. Ngày ba bữa, với thực đơn thay đổi nhưng thường là một món rau, 2 món mặn, cơm canh và hoa quả.
Sau khi ăn sáng xong, mỗi ngày ở đây có đội ngũ y, bác sỹ tới thăm hỏi 2 lần. Ngoài việc hỏi thăm sức khỏe, bác sỹ còn phát thêm nước rửa tay; nước súc miệng diệt khuẩn; xà bông rửa tay diệt khuẩn… Với những bệnh nhân cách ly đang mang thai sẽ được chăm sóc đặc biệt hơn như siêu âm; hoặc thăm khám thường xuyên…
Ngoài giờ sinh hoạt và kiểm tra sức khỏe, Quyên và mọi người được tự do giải trí. Thường là những giờ quây quần cùng nhau ăn hoa quả: Xoài; ổi… từ cây của bộ đội trồng. Sau đó cùng nhau dọn vệ sinh xung quanh nơi ở. Trong lúc làm việc và sinh hoạt, mọi người luôn đeo khẩu trang và tự ý thức việc giữ gìn sức khỏe cho bản thân.
Cuộc sống cách ly biến nhịp sống thường nhật của những bạn trẻ ở đây trở nên lành mạnh hơn. Vào thời gian rảnh, thay vì sử dụng điện thoại, nhiều người lựa chọn ngồi xuống trò chuyện, vui chơi với mọi người. Buổi chiều cùng chơi nhảy dây, đá cầu… tối đến cùng ngồi xem tivi, “buôn” chuyện tới đúng 21h30’ tất cả đều lên giường, buông màn đi ngủ.
Cách ly là việc nên làm của người trở về từ vùng dịch. Không phải là “bị” cách ly mà như câu chuyện của Quyên chia sẻ, cách ly nên là lựa chọn chủ động của mọi người. “Được” cách ly không chỉ là được sống và trải nghiệm cuộc sống vui vẻ trong những ngày ở nơi tập trung, mà bản chất là “được” bảo vệ, “được” chăm sóc sức khỏe vì cộng đồng và vì chính bản thân mình.
“Em vào đây với nhiều nỗi sợ khác nhau nhưng tới giờ em chỉ có nỗi sợ duy nhất, là sợ… tăng cân. Em mong mọi người hãy chủ động phòng dịch và nghiêm túc chấp hành những quy định để tự bảo vệ bản thân và cộng đồng”, Lệ Quyên, chia sẻ từ điểm cách li Trường Quân sự Gò Găng Tam Bình (Vĩnh Long)
Thanh Thuý
Ảnh: NVCC