Hơn 10 triệu người được nhận hỗ trợ chưa có tiền lệ
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Mức hỗ trợ cao nhất dành cho những người phải nghỉ không lương, được 1,8 triệu/tháng trong 3 tháng. Tổng số tiền ngân sách sẽ chi trực tiếp cho hơn 10 triệu người là gần 40.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ thống nhất cao với nội dung dự thảo Nghị quyếtcủa Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra khi bàn về nội dung này tại phiên họp Chính phủ ngày 1/4.
Dự thảo nghị quyết này hiện được các Bộ, ngành chức năng rà soát, hoàn thiện để trình Thủ tướng ký ban hành theo thẩm quyền.
Cụ thể, về nội dung hỗ trợ, Chính phủ quyết định:
Hỗ trợ thêm (ngoài mức trợ cấp thường xuyên) 500.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020, cho các đối tượng là người có công với cách mạng (1,135 triệu người) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Dự kiến, tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách cho nhóm đối tượng này là 6.470 tỷ đồng, tổng số người được hỗ trợ 4,315 triệu người.
Hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng trong 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020, cho các đối tượng là hộ nghèo (984.000 hộ), hộ cận nghèo. Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách là 6.730 tỷ, tổng số hộ được hỗ trợ 2,244 triệu hộ.
Hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020, cho các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp. Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách là 5.400 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ khoảng 1 triệu người.
Người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động. Dự kiến số tiền cho vay là 16.200 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ 3 triệu lao động.
Hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng trong 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020, cho đối tượng là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh. Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sáchlà 2.280 tỷ đồng, tổng số hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ 760 ngàn hộ.
Hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020, cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm. Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách cho nhóm đối tượng nàylà 15.000 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ là 5 triệu người.
Trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách hỗ trợ trở lên tại Nghị quyết này thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng dành 2 chính sách hỗ trợ đặc thù và cho áp dụng quy trình đơn giản hóa tạo điều kiện người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Cụ thể, người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa không quá 12 tháng khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội trở lên (kể cả lao động ngừng việc). Dự kiến số tiền được tạm dừng khoảng 6.500 tỷ đồng.
Cho phép người sử dụng lao động được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động theo quy định của Luật Việc làm. Thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa là 1.000.000 đồng/người/tháng. Dự kiến số tiền được hỗ trợ là 3.000 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số người, số hộ thuộc diện được hỗ trợ để khắc phục khó khăn do tác động của dịch Covid-19 là trên 10 triệu người. Tổng số tiền ngân sách trực tiếp chi để thực hiện chính sách hỗ trợ này là gần 40.000 tỷ đồng (chưa tính các khoản hộ trợ gián tiếp như cho vay lãi suất ưu đãi, giãn, hoãn đóng tiền bảo hiểm xã hội…).
( C. H sưu tầm)