Thượng tôn pháp luật - Cùng chung tay phòng chống dịch. Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 07:13 07/04/2020 Lượt xem: 254
Thượng tôn pháp luật -
Cùng chung tay phòng chống dịch.

Hoàng Văn Kính

         Hiểu một cách nôm na thì luật là những quy định pháp lí để nhà nước quản lí, điều hành xã hội đồng thời cũng để mỗi người dân điều chỉnh hành vi, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.
        Từ ngày đại dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta, trên các phương tiện truyền thông luôn giành một thời lượng đáng kể để thông tin về diễn biến của dịch, khuyến cáo người dân về cách phòng chống dịch, nhắc nhở người dân về ý thức tuân thủ luật pháp. Mục đích cũng chỉ để mỗi người có ý thức phòng chống dịch hiệu quả nhất.
         Những sai phạm khi khai báo không trung thực, dấu bệnh, trốn tránh cách li, đưa tin xuyên tạc sai sự thật, gom hàng, làm giả, đội giá…đều đã được luật hóa, được các phương tiện truyền thông tuyên truyền, nhắc nhở liên tục nhưng rất đáng tiếc vẫn có không ít người không chịu tuân thủ. Vừa thách thức, đồng thời họ đã tự tước bỏ quyền và nghĩa vụ công dân của mình.
         Nếu nói vì ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào không biết chữ, thiếu thông tin thì còn tạm nghe được. Đằng này những sai phạm ấy lại chủ yếu các đô thị, các thành phố lớn. Ở những người có học thức, ít nhiều có địa vị xã hội, ít nhiều có của ăn của để.
         Một vài dẫn chứng để xem họ, những người muốn cưỡi lên pháp luật là ai.
         Bệnh nhân nữ số 17 còn rất trẻ, nhà ở Hà Nội đi du lịch nước ngoài về. Bệnh nhân số 34 là một doanh nhân ở Bình Thuận từ nước ngoài về và gần đây nhất bệnh nhân nữ số 178 ở Thái Nguyên làm việc cho Công ty Trường Sinh chuyên cung cấp dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai. Những người này khai báo quanh co, không trung thực hành trình đi lại, quá trình giao tiếp với người khác. Đến 18h ngày 1/4 qua rà soát, cơ quan chức năng đã xác định có tới 1.520 người liên quan tới bệnh nhân số 178, trong đó có: 43 người tiếp xúc gần ( F1 ) đang phải cách li tập trung, 437 người tiếp xúc vòng 2 ( F2 ) và 1040 người tiếp xúc vòng 3 ( F3 ) đang phải cách li tại nhà.
         Ngày 10/2 khi đang được cách li tập trung tại Trung đoàn 123 thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn  bà N.T.Đ ( ở Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã bỏ trốn ra ngoài.  Lê Văn Vũ ( quê Sóc Trăng ) nhập cảnh từ Cam Pu Chia về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài bị đưa vào khu cách li tập trung tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu nhưng đã bỏ trốn vào rạng sáng 29/3. Tối ngày 29/3 Nguyễn Thành Nam quê ở huyện Mê Linh, Hà Nội cũng đã bỏ trốn khỏi khu cách li tập trung này.
         Ngày 18/2, Công an thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh đã triệu tập Đỗ Văn Dũng người địa phương về hành vi đưa tin sai sự thật ở Liên Vị, Tiền Phong có người bị nhiễm Covid-19 lên mạng xã hội. Một thầy giáo ở Hà Tĩnh vừa bị cơ quan chức năng  triệu tập vì đưa tịn sai sự thật về dịch  Covid-19 và xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên mạng xã hội. Ngày 27/3, Nguyễn Văn Huấn ở Thủy Nguyên, Hải Phòng đã đăng tải bài viết có nội dung:    “ thuốc lá điện tử chống được dịch Covid-19 ” nhằm mục đích buôn bán.
         Cộng dồn từ ngày 31/1 đến 10/2 lực lượng Quản lí thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát, sử lí 3.659 nhà thuốc, cửa hàng kinh doanh thiết bị Y tế vi phạm. Trong đó tại Công ty TNHH thương mại và phát triển Việt Phú,  đã phát hiện 100.000 chiếc khẩu trang 3 lớp cất giữ trong kho…
         Chỉ một người thiếu ý thức, cả xã hội phải chịu hậu quả. Chỉ vì lòng tham, thói ích kỉ, cơ hội  nên họ đã vờ như điếc, như mù, bán mình cho sự dối trá, lừa lọc đồng bào của mình trong lúc hoạn nạn, chẳng coi pháp luật ra gì. Nhưng khi bị sờ gáy thì họ đều tỏ ra ngu ngu, đần đần: do chưa nắm được, thiếu hiểu biết...Nếu ở thời kì đầu thì có thể còn quanh co ngụy biện, nay dịch đã mở rộng ra cả nước, ra khắp hành tinh thì những vi phạm ấy chỉ có thể là cố tình.
         Ngay từ khi còn bé mỗi chúng ta đều đã được gia đình, nhà trường dậy bảo về đức tính trung thực, coi đó là đạo đức, là lối sống, là chân giá trị căn bản của một đời người. Những người cố tình sai phạm có thể họ không tường tận từng chi tiết của luật pháp, nhưng không thể nói họ không biết gì. Họ cố tình làm điều sai trái, lừa đảo, dối trá chỉ vì tiền, vì danh vọng, vì muốn thể hiện cái “ tôi” ích kỉ mà sẵn sàng trà đạp lên tất cả.
         Các điều 196, 295, 330, 288, 240, 295…Bộ luật hình sự nước ta đã có quy định rất rõ mức phạt với các hành vi làm giả, gom hàng, trốn tránh cách li, khai báo không trung thực…
          Nhưng luật pháp chỉ đi vào cuộc sống khi mà: mỗi công dân có ý thức tuân thủ một cách nghiêm túc bất kể họ là ai và các cơ quan thực thi cũng phải nghiêm túc trong việc giám sát thực hiện. Thực tế  xem ra nhiều người vẫn còn nhởn nhơ, hoặc quá trình sử lí của cơ quan chức năng còn quá nương nhẹ, thiếu nghiêm khắc thành nhờn luật. Mà đã nhờn rồi thì cả bầu trời cũng chỉ bằng cái vung.
         Ở nước Nga những người cố tình khai báo không đúng sự thật hoặc vi phạm các quy định về cách li liên quan tới dịch Covid-19 hình phạt từ 500.000 rubble ( 6.400 $ ) tới 2 triệu rubble ( 25.700$ ), có thể lên tới 7 năm tù giam. Ở Hàn Quốc trong đạo luật ngăn chặn đại dịch lây lan có điều khoản tối đa phạt 1 năm tù hoặc 10 triệu won ( 8.200$ ). Ấn Độ ra đường không đeo khẩu trang bị đánh bằng roi hoặc bắt chống đẩy. Hầu hết các Bang ở Mĩ nếu vi phạm lệnh cách li được xem là phạm tội hình sự. Tại South Australia trốn cách li bị phạt 25.000$ trong khi ở Western mức phạt lên đến 50.000$ hoặc ngồi tù tối đa 12 tháng.
        “ Chống dịch như chống giặc”, trong thời điểm “ vàng” quyết định sự thành bại của cuộc chiến chống đại dịch Covit-19, bên cạnh sự nhắc nhở, giáo dục nên chăng các cơ quan chức năng cần ban hành hoặc điều chỉnh một số  đạo luật, văn bản dưới luật theo hướng tăng nặng chế tài đủ sức răn đe những kẻ đang cố tình phá hoại đất nước. Một mặt các lực lượng thực thi công vụ cũng phải quyết liệt hơn trong việc xử lí nghiêm kẻ vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Phải coi sự nương nhẹ, du di, bỏ qua  là đồng lõa với những sai phạm ấy.
         Suy cho cùng thì tất cả đều do ý thức của mỗi người. Nhưng khi ý thức kém, không tự giác thì răn đe phải được coi là biện pháp giáo dục cần thiết.
         Chống dịch phải quyết liệt như chống giặc. Không ai được tự cho mình cái quyền được đùa giỡn với pháp luật.

 
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn

tin tức liên quan