Thêm nhiều tín hiệu tích cực trong việc nghiên cứu vắc xin chữa COVID-19

Thêm nhiều tín hiệu tích cực trong việc nghiên cứu vắc xin chữa COVID-19

Mới đây, các nhà nghiên cứu Thụy Điển và Canada dường như đã tìm ra loại thuốc có tên APN01 có thể ngăn ngừa nhiễm trùng ngay từ giai đoạn đầu của SARS-CoV-2 trước khi lây nhiễm tới các cơ quan khác như mạch máu hay thận.

Trong quá trình nghiên cứu thuốc, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các mẫu mô của bệnh nhân mắc COVID-19, họ đã phát hiện ra rằng, cơ chế liên kết của virus với các tế bào ở người là tương tự như chủng virus corona gây bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng SARS năm 2003.


Sau đó, bằng cách thêm một biến thể biến đổi gen của ACE2 (hoursACE2), các nhà khoa học đã ngăn không cho virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào các tế bào. Theo kết quả nuôi cấy tế bào được phân tích trong nghiên cứu, ACE2 cũng ức chế lượng virus corona gây bệnh viêm phổi cấp.

Các mạch máu và các chất hữu cơ thận cũng được sử dụng để chứng minh rằng SARS-CoV-2 có thể trực tiếp lây nhiễm và nhân lên trong các mô này. Điều này góp phần lý giải nguyên nhân vì sao các trường hợp nhiễm COVID-19 nặng suy đa tạng và tổn thương tim mạch. Do đó, việc bổ sung ACE2 cũng làm giảm nhiễm SARS-CoV-2 ở những cơ quan này.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu tiến hành các thử nghiệm lâm sàng ở quy mô lớn nhằm xác định liệu vắc xin BCG dùng để phòng bệnh lao có giúp bảo vệ chống lại COVID-19 hay không. Trước đó, các nhà khoa học đã nhận thấy mối tương quan trong các nghiên cứu dịch tễ học giữa tỷ lệ tiêm phòng BCG với tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do COVID-19.

Một tín hiệu đáng mừng khác từ Hàn Quốc cho thấy, các y bác sĩ tại quốc gia này đã điều trị thành công 2 bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong tình trạng nguy kịch bằng phương pháp sử dụng huyết tương của người đã hồi phục trước đó. Một trong hai bệnh nhân đã được xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt.

Có thể thấy, việc nhanh chóng phát hiện và lập bản đồ bộ gen của virus SARS-CoV-2 vào đầu tháng 1/2020 được chia sẻ toàn cầu đã cho phép các bước xét nghiệm, phát triển và nghiên cứu vaccine được tiến hành. Ngay lập tức, nhiều doanh nghiệp và các viện nghiên cứu thuộc nhiều quốc gia đã nỗ lực đẩy nhanh quá trình nghiên cứu vắc xin cũng như thuốc điều trị COVID-19.

Cho đến thời điểm hiện tại, có hơn 70 quốc gia tham gia thử nghiệm điều chế vaccine. Để đẩy nhanh nghiên cứu về các phương pháp điều trị hiệu quả, khoảng 20 tổ chức và công ty vẫn đang chạy đua hết tốc lực, cố gắng tìm ra loại vaccine có thể điều trị và phòng ngừa COVID-19. Một số báo cáo cho thấy vaccine có thể hoàn thiện trong vòng 12-18 tháng.     

Tuy nhiên, các nghiên cứu và phương pháp dịch tễ học hiện nay vẫn chưa đủ để thiết lập thực tế và cần phải trải qua các thử nghiệm lâm sàng, đặc biệt là trong bối cảnh virus SARS-CoV- 2 đang có nhiều biến thể khác nhau.

Cụ thể, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đã vượt qua mốc 1 triệu và tiếp tục tăng với tốc độ đáng báo động. Tuy nhiên, không phải tất cả người nhiễm bệnh đều có phản ứng như nhau với chủng virus Corona mới này. Theo các dữ liệu thống kê, các bệnh nhân có hàng loạt triệu chứng khác nhau và lý do chính xác cho hiện tượng này vẫn còn là một câu hỏi lớn. 

Các chuyên gia phân tích, đối với virus corona, hai yếu tố quan trọng nhất dường như là độ tuổi và tình trạng sức khỏe. Ảnh hưởng của tuổi tác đối với các triệu chứng do virus corona gây ra dường như khá dễ nhận thấy. Do đó, đây cũng là hai yếu tố quan trọng đầu tiên cần phải xem xét kỹ lưỡng khi tiền hành thử nghiệm bất kỳ loại thuốc hoặc vắc xin điều trị COVID-19.

Bên cạnh đó, mức độ nhiễm virus corona ở mỗi người bệnh là khác nhau. Viết trên tờ New York Times, Tiến sĩ D. Rabinowitz đánh giá, virus sẽ nguy hiểm hơn với người bệnh khi họ mang trong người lượng virus lớn.

Ví dụ, bước vào một văn phòng từng có người dương tính với COVID-19 đi qua không nguy hiểm bằng việc ngồi cạnh một người nhiễm bệnh trong 1 giờ đồng hồ. Chính vì thế, ngoài việc điều chế, liều lượng vắc xin cho mỗi người sẽ cần được tính toán cẩn thận để tránh trường hợp các ca nhiễm nhẹ xuất hiện phản ứng phụ do quá liều...

Hiện tại vẫn còn quá sớm để lạc quan về một loại thuốc hoặc vắc xin đặc trị cho virus SARS-CoV-2, mặc dù vậy, Tổng giám đốc WHO cho biết, sẽ sớm công bố một sáng kiến cho sự phát triển nhanh chóng và phân phối vaccine công bằng cho tất cả công dân trên thế giới, không có sự phân biệt. Điều này đã mang lại thêm nhiều hy vọng cho các quốc gia đang chứng kiến số ca bệnh tăng lên mỗi ngày.