WHO đang trở thành “con dê tế thần” của Trump trong dịch Covid-19

Ngày đăng: 02:12 09/04/2020 Lượt xem: 352

 WHO đang trở thành “con dê tế thần” của Trump trong dịch Covid-19

                                                        Nguồn: Báo Điện tử VOV

Nguồn ngân sách quá hạn hẹp so với những gì Mỹ đổ ra để ứng phó với đại dịch Covid-19 khiến WHO không đáng phải nhận chỉ trích từ ông Trump.


WHO có thật sự tệ hại?

Cách hành xử của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong những ngày vừa qua là rất khó hiểu. Một mặt, nhà lãnh đạo nước Mỹ chê trách WHO đã thất bại trong việc có những phản ứng ban đầu để đối phó kịp thời với dịch Covid-19, đưa ra những khuyến nghị tệ hại, chỉ “chăm chăm phục vụ Trung Quốc” và tệ hơn là “giấu nhẹm thông tin” và đe dọa sẽ cắt ngân sách dành cho WHO. Mặt khác, chính ông Trump chỉ vài phút sau lời đe dọa nói trên lại tuyên bố “sẽ cân nhắc lại việc này”.

who dang tro thanh "con de te than" cua trump trong dich covid-19 hinh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Trên thực tế, dù là nước tài trợ tài chính nhiều nhất cho WHO, Mỹ cũng chỉ đổ vào tổ chức này số tiền vào khoảng 200 triệu USD/năm – số tiền không đáng kể so với nguồn lực to lớn mà Mỹ dồn cho nhiều tổ chức khác. Hơn thế nữa, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, tổng ngân sách 2,5 tỷ USD mà WHO nhận được mỗi năm đã không tăng thêm trong hơn 3 thập kỷ qua và “chỉ là muối bỏ bể” so với những gì WHO phải triển khai thực hiện trên toàn cầu.

“Ngân sách của WHO chỉ tương đương với một bệnh viện lớn tại Mỹ, tức là hết sức hạn hẹp so với trọng trách mà WHO đang phải gánh vác”, Giáo sư Luật Y tế Công tại Đại học Georgetown Lawrence Gostin chia sẻ: “Chính vì thế, nếu Tổng thống Trump lãnh đạo WHO, chắc chắn ông ấy sẽ đòi hỏi ít nhất là gấp đôi khoản ngân sách mà WHO đang có chỉ để đối phó với Covid-19”.

Hơn thế nữa, các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới đều đánh giá cao tính minh bạch và khả năng ứng phó nhanh chóng với dịch Covid-19 của WHO dưới thời Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus. Năng lực của WHO hiện tại tốt hơn nhiều so với những gì Tổ chức này đã làm hồi năm 2014 khi dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi.

“Trước đây tôi luôn chỉ trích WHO và từng đánh giá năng lực của họ trong đại dịch Ebola là thảm họa. Tuy nhiên, theo tôi, những gì WHO đã làm trong đại dịch Covid-19 dù chưa hoàn hảo nhưng đã khá tốt”, Giáo sư Y tế Công cộng tại Đại học Harvard Ashish Jha chia sẻ: “Họ đã cố gắng minh bạch hết sức có thể với những thông tin họ có được và đã nói rất rõ về tính nghiêm trọng của dịch bệnh lần này cũng như cách cộng đồng quốc tế cần phải phản ứng”.

who dang tro thanh "con de te than" cua trump trong dich covid-19 hinh 2
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters

Hay chính nước Mỹ chủ quan?

Theo các chuyên gia, hai quan chức y tế hàng đầu của Mỹ là Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia và Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã tham gia các cuộc thảo luận với WHO về dịch Covid-19 từ ngày 7/1 – thời điểm dịch bệnh mới chủ yếu xảy ra ở Trung Quốc.

Đến ngày 30/1, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã chính thức công bố Covid-19 [khi đó còn gọi là nCoV-ND] là “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu" và kêu gọi Chính phủ các nước cần nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến hành xét nghiệm cho các đối tượng nghi mắc Covid-19 càng nhiều càng tốt.

Cùng thời điểm đó, Tổng thống Trump vẫn tràn đầy tự tin tuyên bố với người dân Mỹ rằng, Covid-19 sẽ không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào với nước Mỹ và trấn an người dân rằng: “Chúng ta sẽ có một kết cục tốt đẹp”.

Chuyên gia Gavin Yamey, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về tác động của chính sách đối với y tế toàn cầu tại Đại học Duke nhận định: “Nếu nước Mỹ tuân thủ triệt để khuyến nghị của WHO trong việc xác định ca bệnh, cách ly các đối tượng mắc bệnh và theo sát lịch sử đi lại của họ, chắc hẳn Mỹ đã không rơi vào thảm cảnh như hiện nay”.

Tuy nhiên, WHO vẫn bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích vì đã không đưa ra khuyến nghị hạn chế đi lại giống những gì ông đã làm với công dân các nước từ vùng dịch và một số nước châu Âu vào Mỹ. Tổng thống Trump cho rằng, đây là “ví dụ điển hình” về “những khuyến cáo tệ hại từ WHO”.

Giám đốc Trung tâm Luật pháp Y tế Toàn cầu của WHO, Giáo sư Larry Gostin, đã lên tiếng phản đối lời chỉ trích của ông Trump. Theo Giáo sư Gostin, theo quy định của luật pháp quốc tế, WHO không có quyền kêu gọi các nước áp đặt lệnh cấm đi lại. “Sẽ thật sai lầm nếu đổ lỗi cho WHO vì đã hành động theo đúng luật pháp quốc vế và những thông lệ mà WHO đã thực thi nhiều thế kỷ qua”.

Hơn thế nữa, dù ông Trump khẳng định, lệnh cấm đi lại của ông đã giúp “ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh giữa các châu lục”, một cuộc điều tra do kênh truyền hình ABC tiến hành cho thấy, đã có khoảng 3.200 chuyến bay từ Trung Quốc về Mỹ trong “giai đoạn tối quan trọng” của dịch bệnh từ tháng 12/2019-3/2020.

Lệnh cấm của ông Trump trên thực tế đã quá muộn để ngăn chặn Covid-19 càn quét nước Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả vào thời điểm đó, ông Trump vẫn khăng khăng cho rằng, đại dịch này sẽ không gây tổn thất nghiêm trọng đối với người dân Mỹ và phải mất hơn 6 tuần sau đó, Chính phủ Mỹ mới có thể triển khai việc xét nghiệm đại trà.

Dù cho đến thời điểm này, WHO được đánh giá là đang làm tốt công việc của mình, các chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại về những gì sẽ diễn ra trong thời gian tới khi dịch Covid-19 đạt đỉnh ở nhiều quốc gia trong khi nguồn lực của WHO là rất hạn chế. Hơn thế nữa, Tổ chức này không có chế tài nào để buộc các nước thành viên phải tuân thủ khuyến nghị của mình nếu không muốn bị trừng phạt, như cách của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Theo Phó Chủ tịch Điều hành Trung tâm Phát triển Toàn cầu Amanda Glassman, thách thức lớn nhất đối với WHO là khả năng dịch bệnh Covid-19 tấn công các nước nghèo với điều kiện y tế hạn chế và phải phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của WHO trong khi Mỹ gần như chắc chắn sẽ không làm gì nhiều. Điều này buộc WHO phải rất nỗ lực mới có thể vượt qua. “Liệu họ có thể hỗ trợ cùng lúc 40 quốc gia? Đây sẽ là một phép thử cho WHO trong thời gian tới”, bà Glassman kết luận./.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan