Chuyên gia quốc tế: Trung Quốc lợi dụng COVID-19, tiếp tục mưu đồ trên Biển Đông
Chuyên gia quốc tế: Trung Quốc lợi dụng COVID-19, tiếp tục mưu đồ trên Biển Đông
Nguồn: Báo Điện tử VTC
Chuyên gia cho rằng, dịch COVID-19 có thể là dịp để Trung Quốc "ngư ông đắc lợi", tăng cường hoạt động và ảnh hưởng trên Biển Đông.
Trung Quốc lợi dụng cơ hội
Liên quan đến việc tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm, trả lời VTC News, nhà nghiên cứu Collin Koh, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (Singapore) nhận định: ''Vụ việc lần này cũng như nhiều sự kiện trong quá khứ cho thấy Bắc Kinh vẫn khăng khăng với lập trường của họ về chủ quyền với Hoàng Sa, do đó sẽ luôn cố gắng biện minh cho hành động của mình dựa trên cơ sở đó. Nhìn lại các sự kiện trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây, những sự cố tương tự không phải là chưa từng xảy ra ở Hoàng Sa. Trung Quốc có những thời điểm đối xử thô bạo với ngư dân Việt Nam''.
Ông Collin Koh nêu lên thực tế rằng, những sự cố này dường như trở nên mạnh mẽ hơn kể từ năm 2011 kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền.
''Những phát triển gần đây cũng cho thấy Trung Quốc không muốn bất cứ ai nghĩ rằng tai ương hay virus sẽ ngăn họ đưa ra các tuyên bố khẳng định chủ quyền của mình'', chuyên gia Collin Koh nhấn mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Carl Schuster, hạm trưởng đã nghỉ hưu của Hải quân Mỹ và là cựu Giám đốc Trung tâm tình báo thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho rằng, Trung Quốc đang tranh thủ cơ hội, lợi dụng thời điểm quân đội Mỹ đang gồng mình chống dịch COVID-19 để nối lại các hoạt động quân sự trên biển Đông.
Trong tuần qua, trang web tiếng Anh của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đăng tải thông tin về các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn và vụ đánh chìm tàu đánh cá Việt Nam. Bên cạnh đó, PLA cũng tuyên bố đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp quân sự ở Vũ Hán, tâm dịch COVID-19.
"Tôi nghĩ rằng, Trung Quốc đang tận dụng cơ hội từ mối đe dọa của dịch COVID-19 đối với Hải quân Mỹ để cải thiện vị thế của mình ở Biển Đông. Trung Quốc có thể và sẽ hoạt động ở đó, trong khi Mỹ đang bị mắc kẹt", Carl Schuster đánh giá.
Để minh chứng cho việc Trung Quốc tăng cường hoạt động, đẩy mạnh ảnh hưởng ở Biển Đông, Carl Schuster đã lấy hành động "ngang ngược", "bất cần đạo lý" gần đây của Trung Quốc khi đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam làm ví dụ minh họa.
Trung Quốc chờ "ngư ông đắc lợi"?
Chuyên gia Carl Schuster cũng cho rằng, Bắc Kinh đang có một số lợi thế trong việc kiểm soát hoặc ít nhất là che giấu số lượng người nhiễm bệnh trong lực lượng hải quân của nước này.
Trung Quốc đang tận dụng cơ hội từ mối đe dọa của dịch COVID-19 đối với Hải quân Mỹ để cải thiện vị thế của mình ở Biển Đông
"Các tàu hải quân của Trung Quốc hoạt động ở biển Đông hay biển Hoa Đông không có các chuyến thăm cảng nước ngoài. Các tàu ra khơi, tập trận từ 5 đến 10 ngày và trở về cảng quân sự”, Carl Schuster nói thêm.
Điều này cho phép họ "thay thế các thủy thủ bị nhiễm bệnh bằng các thủy thủ khỏe mạnh từ tàu khác", cựu Giám đốc Trung tâm tình báo thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ nhận định.
Từ tình thế đó, các nhà phân tích chỉ ra rằng, những đợt rút lui tạm thời của Mỹ ở Biển Đông có thể tạo ra cơ hội để Trung Quốc có thể tận dụng.
Hôm 2/4, trang web tiếng Anh của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đăng tải nhận định rằng, "sự bùng phát COVID-19 làm giảm đáng kể khả năng triển khai tàu chiến của Hải quân Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương".
Thực tế, tàu USS Theodore Roosevelt bị cách ly ở đảo Guam trong một thời gian không xác định. Và phương án thay thế vai trò tàu sân bay này ở Biển Đông còn bỏ ngỏ.
Hải quân Mỹ hiện có 11 tàu sân bay trong biên chế. Song các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân đòi hỏi phải đại tu và bảo trì dài hạn, thường không có sẵn để triển khai ngay lập tức.
Theo Viện Hải quân Mỹ, hiện nước này chỉ có 5 tàu sân bay hoạt động kể từ ngày 30/3. Một trong số đó là USS Theodore Roosevelt, một chiếc khác là USS Ronald Reagan. Hai tàu sân bay khác được triển khai ở Vịnh Ba Tư để đối phó với mối đe dọa có thể từ Iran và chiếc thứ 5 hiện ở trên bờ biển phía Đông nước Mỹ.
Việc di chuyển tàu sân bay từ một điểm trên các đại dương sang vị trí khác có thể sẽ để lại các lỗ hổng tại khu vực mà nó khởi hành.
Chính sự không linh hoạt trong điều tàu chiến từ địa điểm này sang địa điểm khác của Hải quân Mỹ có thể tạo ra cơ hội để Trung Quốc gia tăng các cuộc tập trận ở Biển Đông.
Video: Ngư dân vạch trần lời lẽ dối trá của người phát ngôn BNG Trung Quốc
Các cuộc tập trận ở Biển Đông của quân đội Trung Quốc diễn ra sau khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ đã đi qua vùng biển này để về đảo Guam.
Bộ Quốc phòng Mỹ thông tin thêm, đến nay có hơn 1.500 binh sĩ Mỹ nhiễm virus corona chủng mới.
Do đó, Lầu Năm Góc buộc phải thực hiện các bước để kiểm soát sự lây lan dịch COVID-19, trong đó có việc dừng hoạt động chuyển quân giữa các cơ sở trên toàn thế giới và hủy bỏ các bài tập huấn luyện và thậm chí trì hoãn một số khóa huấn luyện cơ bản cho các tân binh.
Hôm 6/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus miêu tả việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam là "hành động mới nhất trong một chuỗi dài các hành động Trung Quốc nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông”.
"Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tiếp tục tập trung vào việc hỗ trợ các nỗ lực quốc tế để chống lại đại dịch toàn cầu và ngừng khai thác sự mất tập trung hoặc dễ bị tổn thương của các quốc gia khác để mở rộng các yêu sách phi pháp của họ ở Biển Đông", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Bộ Ngoại giao Mỹ lên án việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, đồng thời cho rằng Trung Quốc lợi dụng dịch bệnh nhằm đòi hỏi các yêu sách hàng hải bất hợp pháp ở Biển Đông.