Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép - Ảnh: SCMP
Công hàm này là bước tiếp nối trong chuỗi trao đổi công hàm về vấn đề thềm lục địa tại Biển Đông khởi đầu từ Malaysia. Nó dường như cho thấy có một sự phối hợp "Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao" giữa Malaysia, Philippines và Việt Nam trong việc chống lại các yêu sách phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông.
Dùng pháp lý "đấu" Trung Quốc
Tháng 12-2019, Malaysia đã gửi đơn yêu cầu Ủy ban ranh giới thềm lục (viết tắt là CLCS) xem xét về thềm lục địa mở rộng của Malaysia tại Biển Đông. Sau đó, Trung Quốc đã lập tức phản đối và lặp lại các yêu sách cũ của mình.
Trong đó, Trung Quốc một lần nữa nói đến chủ quyền của Trung Quốc tại các quần đảo ở Biển Đông, nhấn mạnh việc các thực thể trên biển trong khu vực này có khả năng tạo ra các vùng biển pháp lý (lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) bao quanh chúng và yêu cầu CLCS không tiến hành xem xét đơn của Malaysia.
Tiếp theo đó, Philippines đã gửi hai công hàm đến Liên Hiệp Quốc. Trong công hàm đầu tiên, Philippines đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc, và lần đầu tiên quốc gia này sử dụng phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện Biển Đông giữa quốc gia này và Trung Quốc làm cơ sở pháp lý để phản đối lại Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng ngay sau đó, với một giọng điệu rất hung hăng, đã trắng trợn tuyên bố Manila không có quyền sử dụng phán quyết của Tòa trọng tài và yêu cầu Philippines cần "trở lại con đường đúng đắn" (hàm ý chỉ sử dụng đàm phán và hòa giải) khi giải quyết tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
Việt Nam đã tiếp nối theo chuỗi tranh biện này và đệ trình lên Liên Hiệp Quốc phản đối hai công hàm của Trung Quốc.
Trong công hàm, Việt Nam ngoài việc lặp lại chủ quyền của mình tại Biển Đông, còn khẳng định cơ sở pháp lý duy nhất cho việc xác định các vùng biển pháp lý trên biển là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, trực tiếp loại bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc tại khu vực này.
Căn cứ vào UNCLOS 1982, Việt Nam cũng khẳng định hành động vẽ hệ thống các đường cơ sở thẳng quanh các cấu trúc xa nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không có cơ sở pháp lý.
Các lập luận trên của Việt Nam đều theo đúng với nội dung của phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện Biển Đông năm 2016.
Như vậy, sau khi Trung Quốc phản đối Philippines bằng việc bác bỏ phán quyết này, Việt Nam đã lập tức dùng các lập luận trong phán quyết để phản đối Trung Quốc.
Phải thượng tôn pháp luật
Khi Kuala Lumpur mở đầu "cuộc tranh biện", Bắc Kinh đã liên tục phản đối, Manila và Hà Nội lần lượt vào cuộc và trực tiếp bác bỏ các lập luận này. Điều này đầu tiên cho thấy sự đơn độc của Trung Quốc trong cuộc chiến pháp lý với các quốc gia ASEAN.
Thứ hai, việc Philippines bắt đầu sử dụng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế vào tháng 7-2016 để phản bác lại Trung Quốc ở một diễn đàn quốc tế quan trọng là Liên Hiệp Quốc cho thấy điểm sáng ở trong cuộc tranh chấp dai dẳng và phức tạp tại Biển Đông.
Phán quyết này không những đã loại bỏ sự tồn tại pháp lý của đường chín đoạn hay đường lưỡi bò, mà còn giúp thu hẹp các vùng biển chồng lấn tại khu vực Trường Sa; từ đó, mở ra cơ hội hợp tác tích cực cho các quốc gia trong khu vực.
Ngoài ra, phán quyết còn đưa ra cơ sở pháp lý chính thống để căn cứ vào đó mà giải quyết các tranh chấp còn lại ở Biển Đông.
Thứ ba, đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra các quan điểm chi tiết, trực tiếp và rõ ràng về các thực thể tại Biển Đông.
Nó là một chỉ dấu quan trọng trong chuỗi các thủ tục khi tiến hành sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế, trong đó có Tòa trọng tài tương tự như Tòa trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.
Căn cứ theo UNCLOS 1982, để tiến hành việc kiện tụng trước Tòa án quốc tế, các quốc gia cần thỏa mãn điều kiện về việc trao đổi quan điểm.
Đây là một trong những nghĩa vụ bắt buộc trước khi các quốc gia yêu cầu Tòa án quốc tế giải quyết tranh chấp giữa họ. Đối với việc đơn phương khởi kiện tại Tòa án quốc tế, điều này càng trở nên quan trọng.
Các diễn biến trong cuộc trao đổi công hàm của các quốc gia ở Liên Hiệp Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông cho thấy sự phát triển tích cực trong việc giải quyết tranh chấp trong khu vực này.
Các nước ASEAN đều khẳng định sự đúng đắn trong việc áp dụng UNCLOS 1982 như một công cụ pháp lý quan trọng, tôn trọng nội dung phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế và thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật.
Điều này còn biểu hiện sự phối hợp và đoàn kết của các nước ASEAN trước Trung Quốc. Đặc biệt, một vụ kiện trước Tòa án quốc tế chống lại Trung Quốc tương tự như Philippines đã từng làm có thể sẽ xảy ra trong tương lai gần.
Philippines đoàn kết với Việt Nam
Ngày 8-4, Bộ Ngoại giao Philippines đã ra tuyên bố bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Philippines nói rằng "tránh xảy ra những vụ việc như vậy là cực kỳ quan trọng".
Tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm hồi năm 2019, buộc 22 ngư dân phải nhảy xuống biển thoát thân - Ảnh chụp màn hình
"Trải nghiệm tương tự của chúng tôi đã tiết lộ được bao nhiêu niềm tin trong một mối quan hệ hữu nghị đã mất đi (do hành động của tàu Trung Quốc), và bao nhiêu niềm tin đã được tạo ra nhờ hành động nhân đạo của (ngư dân) Việt Nam khi họ trực tiếp cứu mạng các ngư dân Philippines" - Bộ Ngoại giao Philippines nhắc lại vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines rồi bỏ đi vào ngày 9-6-2019.
Manila khẳng định: "Chúng tôi đã và sẽ không ngừng biết ơn Việt Nam. Lưu giữ điều đó trong đầu, chúng tôi phát tuyên bố cho thấy tình đoàn kết này".
Bộ Ngoại giao Philippines nói rằng những vụ việc như trên sẽ "làm xói mòn tiềm năng của một mối quan hệ khu vực đáng tin và sâu sắc thật sự giữa ASEAN và Trung Quốc".
Trước đó vào đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ "cực kỳ quan ngại" vụ Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam và kêu gọi Trung Quốc ngừng "lợi dụng sự xao lãng hoặc dễ tổn thương của các nước khác để bành trướng các yêu sách phi pháp ở Biển Đông" giữa dịch COVID-19.
BÌNH AN
(PS st Theo Tuổi trẻ Online)