Mỹ nói gì khi điều tàu chiến tiến sát tàu khảo sát Trung Quốc tại Biển Đông?

Ngày đăng: 06:08 22/04/2020 Lượt xem: 360

Mỹ nói gì khi điều tàu chiến tiến sát tàu khảo sát Trung Quốc tại Biển Đông?

Thứ Ba, ngày 21/04/2020 20:30 PM (GMT+7)

2 tàu chiến của Mỹ đang hoạt động tại Biển Đông và tiến sát khu vực tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 Trung Quốc đang hoạt động, Reuters đưa tin.

Mỹ nói gì khi điều tàu chiến tiến sát tàu khảo sát Trung Quốc tại Biển Đông? - 1

Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành vi “bắt nạt” tại Biển Đông (ảnh: SCMP)

Vụ việc diễn ra trong bối cảnh Mỹ kêu gọi Trung Quốc dừng ngay các hành động “bắt nạt” các nước khác trên Biển Đông. Mỹ bày tỏ lo ngại những hành vi khiêu khích của Bắc Kinh có thể ảnh hưởng tới khai thác dầu khí và tự do hàng hải tại Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, Trung Quốc đang lợi dụng bối cảnh nhiều nước trong khu vực tập trung vào cuộc chiến chống Covid-19 để “cưỡng ép” các quốc gia láng giềng.

“Tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đã được triển khai và đang hoạt động ở Biển Đông”, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương Mỹ - Nicole Schwegman, xác nhận hôm 21.4.

“Thông qua sự hiện diện liên tục tại Biển Đông, chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không, cũng như các nguyên tắc quốc tế là nền tảng cho an ninh, thịnh vượng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”, bà Schwegman cho biết.

Chuẩn đô đốc Fred Kacher, chỉ huy nhóm tác chiến viễn chinh tàu USS America, cho biết, lực lượng của ông đã liên lạc với hải quân Trung Quốc tại Biển Đông.

“Mọi hoạt động liên lạc của chúng tôi với Trung Quốc đều an toàn và chuyên nghiệp”, ông Kacher nói.

Các nguồn tin an ninh cho biết, 2 tàu chiến Mỹ đang áp sát khu vực mà tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc hoạt động.

Cuối tuần trước, tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc bị phát hiện đang hoạt động gần một tàu khoan thuộc Công ty dầu khí quốc gia Malaysia Petronas.

Trung Quốc trước đó đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông thông qua bản đồ “đường lưỡi bò” 9 đoạn, tuy nhiên, yêu sách này không được các nước láng giềng và thế giới công nhận.

Cách hành vi khiêu khích tại Biển Đông của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nhiều nước cùng khu vực đang tập trung đối phó với dịch Covid-19 – dịch bệnh được cho là bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Theo Reuters, ngày 14/4, tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc cũng được nhìn thấy cách bờ biển Việt Nam khoảng 158km và di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khi đó cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở Biển Đông. Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông.

Vào tháng 7 năm ngoái, Việt Nam đã nhiều lần kiên quyết phản đối khi nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông.

Hôm 19.4, Việt Nam lên tiếng phản đối mạnh mẽ sau khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố thành lập 2 khu hành chính trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Theo Vương Nam – SCMP (Dân Việt)
(PS sưu tầm)
 

tin tức liên quan