Tư tưởng của V.I.Lê-nin tiếp tục soi sáng con đường cách mạng Việt Nam

Ngày đăng: 04:43 23/04/2020 Lượt xem: 312

Tư tưởng của V.I.Lê-nin tiếp tục soi sáng con đường cách mạng Việt Nam


Hôm nay, ngày 22-4, toàn thể giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới lại cùng nhau tưởng nhớ ngày sinh của V.I.Lê-nin, lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức. Sinh ngày 22-4-1870 tại Simbirsk (Sim-bia) nay là Ulianovsk (U-li-a-nốp) thuộc Cộng hòa Liên bang Nga, từ khi còn trẻ, V.I.Lê-nin đã tiếp thu tư tưởng cộng sản, tham gia phong trào cách mạng.

Dù bị tù đày và nhiều năm phải sống ở nước ngoài, Người vẫn dấn thân vào quá trình phấn đấu không mệt mỏi, vừa nhiệt thành bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác trong bối cảnh thế giới đã có nhiều biến chuyển; vừa dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác để nghiên cứu thực tiễn và sáng tạo, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác, đồng thời nỗ lực hiện thực hóa các sáng tạo lý luận đó vào hoàn cảnh cụ thể của nước Nga, đưa tới sự ra đời của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Kết quả của quá trình này là Cách mạng Tháng Mười vĩ đại và sự ra đời của nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Kể từ đó, V.I.Lê-nin tiếp tục lãnh đạo đảng, nhà nước và nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga và Liên bang Xô-viết với các thành tựu làm thay đổi diện mạo nhân loại, trở thành tấm gương cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức noi theo, và đấu tranh cho quyền sống của mình.

Từ quá trình kế tục, phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác, từ ý nghĩa thực tiễn trong các hoạt động của Người, phải khẳng định rằng, V.I.Lê-nin đã nỗ lực để chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, đội ngũ nhằm xây dựng chính đảng của giai cấp công nhân theo lý tưởng của chủ nghĩa Mác và truyền bá một cách sâu rộng lý tưởng đó trong toàn thể nhân dân lao động, nâng cao nhận thức để hình thành ý thức tự giác về sứ mệnh của giai cấp công nhân, về tính tất yếu của quá trình từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản. Từ các hoạt động lý luận - thực tiễn đó, V.I.Lê-nin phát hiện ra rằng khi điều kiện chín muồi, cách mạng vô sản có thể nổ ra ở khâu yếu nhất trong hệ thống chủ nghĩa đế quốc; và khi thời cơ đến, trên nền tảng khối liên minh công - nông và nhân dân lao động, chính đảng của giai cấp công nhân có thể tổ chức, lãnh đạo cách mạng giành chính quyền từ tay giai cấp tư sản để xây dựng xã hội mới. Phát hiện thiên tài của V.I.Lê-nin có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về lý luận - thực tiễn, đã được chứng minh qua thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và sau cách mạng, chính đảng của giai cấp công nhân, Nhà nước Xô-viết đã cùng toàn dân xây dựng đất nước, bảo vệ thành tựu cách mạng và chế độ, chiến thắng thù trong, giặc ngoài.

Với tầm nhìn xa trông rộng, V.I.Lê-nin nhận thức rất sâu sắc vấn đề để tổ chức, lãnh đạo nhà nước kiểu mới chưa từng có trong lịch sử, giai cấp công nhân phải bảo đảm hai yếu tố có tính chất quyết định: Chính đảng vô sản cầm quyền phải là đội ngũ tiên phong, luôn được củng cố, phát triển, ngày càng vững mạnh, đảng viên toàn tâm, toàn ý với cách mạng, nỗ lực phấn đấu vì lợi ích của cách mạng và nhân dân lao động; nhà nước từ trung ương đến địa phương phải là một bộ máy trong sạch, có khả năng xây dựng “một chế độ dân chủ vô cùng cao hơn và rộng hơn tất cả những chế độ dân chủ trước kia trên thế giới và mở đầu công cuộc sáng tạo của hàng chục triệu công nhân và nông dân nhằm thực hiện chủ nghĩa xã hội trong thực tiễn” (V.I.Lê-nin toàn tập, tập 37, NXB Chính trị quốc gia, H.2006, tr.373). Dưới sự lãnh đạo của V.I.Lê-nin, Đảng Cộng sản (Bôn-sê-vích) Nga, sau đó là Đảng Cộng sản Liên Xô, cùng Nhà nước Xô-viết đã được củng cố để bảo đảm sứ mạng tổ chức, lãnh đạo sự phát triển đất nước với tư cách một hệ thống đồng bộ, phát huy vai trò của chính quyền từ trung ương đến địa phương, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, nâng cao tri thức và nhận thức của xã hội, xây dựng và củng cố phẩm chất, bản lĩnh chính trị của Hồng quân, mở rộng quan hệ quốc tế…; đặc biệt, Chính sách kinh tế mới (NEP) do V.I.Lê-nin khởi xướng đã góp phần quan trọng vào hệ thống này, huy động được nội lực của xã hội, và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất của thời kỳ trước, tạo dựng tiền đề cho sự phát triển của các giai đoạn sau.

Là người cộng sản chân chính với tinh thần nhân văn cao cả, V.I.Lê-nin nêu cao khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!”, và Người luôn quan tâm đến số phận của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Trong bối cảnh chủ nghĩa thực dân đang phủ bóng đen lên loài người, V.I.Lê-nin không chỉ xác định quan điểm, mà còn đề xuất sách lược đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức. Với “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, Người đã thẳng thắn phê phán các quan điểm sai lầm về dân tộc và thuộc địa, lên án chủ nghĩa sô-vanh, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, khẳng định các đảng cộng sản có nhiệm vụ ủng hộ, giúp đỡ sự nghiệp giải phóng dân tộc ở thuộc địa. Và trên lộ trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp nhận ý nghĩa to lớn trong quan điểm về dân tộc và thuộc địa của V.I.Lê-nin, coi đó là điều cần thiết cho cách mạng Việt Nam, là con đường giải phóng dân tộc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chủ nghĩa Lê-nin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, NXB Chính trị quốc gia, H.2011, tr.563).

Hơn nửa thế kỷ sau ngày V.I.Lê-nin qua đời, do nhiều sai lầm lịch sử, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Sự sụp đổ đó đem đến cho chúng ta bài học cốt tử là nếu xa rời các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, không xuất phát từ nhận thức khách quan, khoa học về sự vận động phát triển của thực tiễn để xây dựng chiến lược, sách lược phù hợp, nâng cao phẩm chất, năng lực, trình độ lãnh đạo, đạo đức cách mạng,… trong đảng, nhà nước theo chỉ dẫn của V.I.Lê-nin, thì hoàn toàn có thể đánh mất mọi thành tựu của cách mạng. 90 năm qua, tư tưởng và hình ảnh của V.I.Lê-nin đã in đậm dấu ấn trên mỗi chặng đường cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, giúp chúng ta từng bước đi từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi của kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đến các thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trực tiếp là tư tưởng của V.I.Lê-nin, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp thu và vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp hoàn cảnh, điều kiện, đặc điểm của Việt Nam, để hình thành nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt tiến trình cách mạng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, từ đó xây dựng chiến lược, sách lược cụ thể của mỗi giai đoạn cách mạng.

Kỷ niệm 150 năm Ngày sinh V.I.Lê-nin, chúng ta tưởng nhớ nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức, và khẳng định Người vẫn là tấm gương để mọi người cộng sản trên thế giới học tập, noi theo. Tư tưởng, lý luận của Người vẫn sống mãi với thời gian, vẫn là nguồn năng lượng soi sáng con đường giải phóng nhân dân lao động hướng theo chủ nghĩa xã hội. Di huấn của Người vẫn chỉ lối, giúp chúng ta kiên định với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Và để xứng đáng với Người, toàn Đảng, toàn dân, và toàn quân cần nỗ lực nhiều hơn nữa để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, đưa đất nước đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

tin tức liên quan