Sau Hiệp định Geneva năm 1954, miền Bắc có hòa bình, nhân dân ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH), tạo nền tảng vững chắc, sát cánh cùng đồng bào miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà. Ở miền Nam, chính quyền tay sai đã thẳng tay đàn áp rất đẫm máu phong trào đấu tranh yêu nước, đòi địch phải thi hành hiệp định, tổ chức tổng tuyển cử tự do để thống nhất Tổ quốc. Nhưng quân thù càng đàn áp, thì phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân càng lên cao. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Nam đã tiến hành thành công cuộc Đồng khởi trên toàn miền, làm thất bại chính sách xâm lược bằng “chủ nghĩa thực dân kiểu mới” của Mỹ. Chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng được thành lập, đánh dấu bước trưởng thành và lớn mạnh của cách mạng miền Nam.

Chiến thắng hào hùng, niềm vui trọn vẹn
Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường, nồng nhiệt chào đón quân Giải phóng tiến vào thành phố. Ảnh tư liệu/TTXVN.

Có sự chi viện của miền Bắc, chiến tranh cách mạng ở miền Nam phát triển ngày càng vững mạnh. Quân dân ta đã kiên cường chiến đấu, đánh thắng các chiến lược "chiến tranh đặc biệt”, "chiến tranh cục bộ”. Trước sức mạnh ưu thế về quân sự của địch, ta đã tìm ra cách đánh rất độc đáo, sáng tạo chưa từng có trong lịch sử chiến tranh: Bất ngờ, đồng loạt tổng công kích và tổng khởi nghĩa trên toàn miền. Chiến trường chính là vùng đô thị, nằm sâu trong hậu phương quân thù, nơi có nhiều mục tiêu hiểm yếu, bao gồm cả quân sự và chính trị, được canh phòng rất cẩn mật, như: Dinh Độc Lập, tòa đại sứ Mỹ, bộ tổng tham mưu ngụy… Thời gian tiến công đúng Giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968, lúc kẻ thù chủ quan, mất cảnh giác nhất. Cách đánh kết hợp giữa trong đánh ra-ngoài đánh vào, giữa tiến công quân sự với nổi dậy giành quyền làm chủ của nhân dân là những nhân tố vô cùng quan trọng để ta giành phần thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Cuộc tổng tiến công đó đã gây chấn động thế giới, buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", mở ra thời cơ thuận lợi để Đảng ta chỉ đạo đẩy mạnh đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị, binh vận và ngoại giao, tạo sức mạnh tổng hợp đánh thắng kẻ thù.

Mặc dù bị thất bại rất nặng nề, nhưng đế quốc Mỹ vẫn chưa từ bỏ ý đồ xâm lược nước ta. Tuy còn rất nhiều khó khăn, với sự nỗ lực vượt bậc của quân và dân cả nước. Bước sang năm 1972, ta mở các chiến dịch tiến công ở miền Nam và đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” ở miền Bắc, tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng không quân của địch, bảo vệ vững chắc hậu phương chiến lược. Trước những chiến thắng ngày càng lớn của ta, nguy cơ chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” bị đánh bại, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân viễn chinh và chư hầu về nước. Thắng lợi to lớn, toàn diện đó đánh dấu bước phát triển quan trọng của cách mạng miền Nam, mở ra thời cơ thuận lợi để ta rút ngắn thời gian chuẩn bị và tiến hành cuộc tổng tiến công chiến lược giải phóng miền Nam.

Bước phát triển mới trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là Đảng ta đã vận dụng sáng tạo phương thức tác chiến: Kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với nổi dậy đấu tranh giành chính quyền của nhân dân. Vì vậy, chỉ sau gần một tháng tổng tiến công, ta đã mở liên tiếp hai chiến dịch tiến công chiến lược ở Tây Nguyên và Huế-Đà Nẵng, cùng nhiều chiến dịch khác, tiêu diệt, làm tan rã toàn bộ quân địch ở vùng 1, vùng 2 chiến thuật, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy, giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung và nhiều địa bàn quan trọng khác. Thắng lợi giành được đã tạo ra lực, thế và thời cơ thuận lợi để ta tiến hành chiến dịch quyết định mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bước phát triển trong chỉ đạo chuẩn bị và tiến hành chiến dịch quyết định này là: Trong thời gian rất ngắn ta đã “thần tốc” cơ động tập trung lực lượng tương đương 5 quân đoàn, tạo sức mạnh ưu thế để tiêu diệt địch. Bên cạnh đó, ta đã sử dụng cách đánh rất táo bạo, sáng tạo, đó là: Bất ngờ, đồng loạt tiến công từ 5 hướng bằng sức mạnh hiệp đồng quân và binh chủng, tiêu diệt các sư đoàn địch phòng ngự ở tuyến ngoài. Tổ chức các binh đoàn thọc sâu, nhanh chóng đánh thẳng vào các mục tiêu trọng yếu bên trong thành phố. Trước sức tiến công nhanh, mạnh của các binh đoàn chủ lực, thế trận quân địch bị phá vỡ từng mảng, hệ thống chỉ huy của ngụy mất hiệu lực, các tầng lớp nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Trưa 30-4-1975, chế độ tay sai Việt Nam cộng hòa hoàn toàn sụp đổ.

Thật hiếm có trong lịch sử chiến tranh có một cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn, tác chiến bằng sức mạnh hiệp đồng quân, binh chủng, đánh vào tận hang ổ cuối cùng của địch như vậy. Nhiều trận đánh diễn ra đồng thời, liên tiếp, ngay trong đô thị, nơi có mật độ dân cư đông, hạ tầng phát triển, nhưng tính mạng và tài sản của nhân dân cũng như các công trình xã hội vẫn được bảo toàn hầu như nguyên vẹn. Quân giải phóng tiến tới đâu đều thấy nhân dân phấn khởi ùa ra, tay cầm cờ hoa vẫy chào. Ngay sau khi tiếng súng vừa dứt, mọi hoạt động của thành phố đã trở lại gần như bình thường. Không bao giờ có cuộc “trả thù đẫm máu” như chính quyền tay sai vẫn tuyên truyền trước đó. Thực tế đó càng cho thấy: Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, là chiến thắng rất hào hùng, mang lại niềm vui trọn vẹn cho cả dân tộc Việt Nam và nhân dân tiến bộ thế giới, mở ra kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập tự do và CNXH ở nước ta.     

Thiếu tướng PGS, TS BÙI THANH SƠN
(PS st Theo QĐND online)