Ý Đảng, lòng dân và tình người trong cuộc chiến chống đại dịch virus Covid-19.

Ngày đăng: 05:15 10/05/2020 Lượt xem: 431
Ý Đảng, lòng dân và tình người
      trong cuộc chiến chống đại dịch
                    virus Covid-19.


                                    CTV:  Đại tá Hoàng Văn Kính

      Lịch sử dựng nước và giữ nước từ thủa các vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh,  dân tộc Việt-Nam phải chiến đấu với nhiều loại giặc: giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt và hôm nay là giặc Covid-19. Trong tất cả các cuộc chiến đấu ấy nhân dân ta chưa bao giờ chịu khuất phục trước bất kì loại giặc nào. Đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên phạm vi toàn cầu. Theo dự báo có thể còn kéo dài thêm một thời gian nữa nhưng ở Việt-Nam đã  qua hơn 20 ngày ( từ 16/4 đến hôm nay 10/5 ) không phát hiện thêm ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng, không có ca tử vong, 221 ca phục hồi  trong tổng số 271 ca nhiễm. Thành công ấy khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đao sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, sự vào cuộc cùng chung tay, chúng sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị, của mọi tầng lớp nhân dân ở mọi vùng miền của Tổ quốc nhất định nhân dân ta sẽ chiến thắng đại dịch.
 Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “ Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân đoàn kết vùng lên vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh đánh giặc cứu nước. Hôm nay trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, tinh thần: “Bất kì đàn ông, đàn bà, bất kì người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc…Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc…” của Bác được Đảng ta vận dụng sáng tạo vào cuộc chiến đấu mới chống đại dịch.
Khi đại dịch bùng phát, toàn dân Việt Nam được nghe lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến ” của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Toàn thể dân tộc Việt Nam hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19”. “Trên dưới một lòng, mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận chống dịch”. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Chống dịch như chống giặc”, “ Đất nước không bỏ rơi một ai. Không ai bị bỏ lại phía sau”, “Chúng ta chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt, ngắn hạn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân”, “Mỗi xí nghiệp, mỗi khu phố, mỗi người dân phải trở thành pháo đài trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19”… Đấy là ý chí, là quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân ta. Tổng thư kí Diễn đàn văn chương Indonesia ông Magus Marwan đã đánh giá: “ …Người dân tuân theo yêu cầu của Chính phủ một cách kỉ luật. Cả Chính phủ và người dân đều hợp tác trong cuộc chiến đấu này. Có thể nói tinh thần chiến đấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện trong cuộc chiến chống covid-19 ở Việt Nam. Đó là tinh thần chiến đấu không mệt mỏi trước bất kì một kẻ thù nào”.
 Dù muốn hay không thì mỗi người dân Việt Nam, bạn bè và dư luận quốc tế  đều phải thừa nhận bước đầu Việt Nam đã thành công khống chế, ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh. Đấy là một sự thật, hoàn toàn minh bạch. Theo hãng thông tấn Mỹ NPK (National Public Radio ), ông John MacArthur đại diện Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ tại Thái Lan đã khẳng định:  “Đội ngũ của tôi ở Hà Nội làm việc rất sốt sáo với các đồng nghiệp ở Bộ Y tế Việt Nam. Những liên lạc mà tôi có được với nhóm làm việc ở Hà Nội đến thời điểm này không có bất kì dấu hiệu những số liệu đó là sai”.
 Từ ngày Tổ chức Y tế thế giới ( WHO ) tuyên bố đại dịch đến nay, dịch bệnh đã lây lan ra 214 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp hành tinh làm hơn 4 triệu người bị lây nhiễm, gần 270 ngàn người tử vong, kéo  kinh tế thế giới  vào cuộc  khủng hoảng mới, gây xung đột pháp lí làm rạn nứt quan hệ ngoại giao toàn cầu. Theo các chuyên gia đây là đại dịch sinh học khủng khiếp nhất trong nhiều thập kỉ qua ở thời kì hiện đại. Từ số người nhiễm virus, số người tử vong tăng chóng mặt ở các quốc gia có nền y học đi trước và phát triển hơn mới thấy hết được những nỗ lực phi thường của cả dân tộc trong cuộc chiến phòng chống dịch, mặc dù nước ta ở cận kề, có đường biên giới chung cả ngàn cây số và chịu ảnh hưởng trực tiếp, sớm nhất từ trung tâm dịch bệnh Vũ Hán, Trung Quốc.
Trong cuộc chiến đấu với loại kẻ thù vô hình này, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tình đoàn kết, yêu thương, cùng đồng tâm hợp lực là gía trị cốt lõi liên kết mỗi người  Việt Nam lại với nhau. Là sức mạnh để chiến thắng đại dịch
Finacial Times, thời báo kinh tế có tiếng của Anh đã viết “…Một quốc gia mặc dù có nguồn lực hạn chế nhưng vẫn có thể chiến thắng dịch bệnh bằng sự quyết tâm và đồng lòng của cả dân tộc”. Tờ Toàn cảnh frankfurt của Đức số ra ngày 1/4 viết: “Một trong những lí do cho thành công đến nay của Việt Nam trong phòng chống dịch là huy động được sức mạnh của người dân…”.
Ngay từ rất sớm khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ đã đánh giá đúng tình hình, chỉ đạo kịp thời với nhiều giải pháp tích cực và hiệu quả. Kêu gọi toàn dân vào cuộc thực hiện việc khoanh vùng, cách li, đeo khẩu trang, sát khuẩn, không tụ tập nơi đông người… đồng thời bảo đảm đầy đủ nhu yếu phẩm thiết yếu không để xẩy ra khan hiếm hàng; đầu tư mọi nguồn lực phòng, chống dịch và chữa trị người bệnh. Khi đại dịch bước sang giai đoạn 3 diễn biến phức tạp hơn,  Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị  số 16 tiếp tục kêu gọi toàn dân đoàn kết, nêu cao cảnh giác, thực hiện một loạt giải pháp quyết liệt hơn tương ứng với các mức nguy cơ trong từng thời điểm cụ thể: Khoanh vùng, cách li, khai báo bắt buộc, giãn cách xã hội, xiết chặt nhập cảnh, đóng cửa đường mòn, lối mở, đóng cửa các chuyến bay từ những vùng có dịch…Mạnh tay xử phạt những người đăng tin thất thiệt, gom hàng, nâng giá, làm hàng giả…Tất cả những giải pháp ấy đã góp phần ổn định đời sống xã hội, ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh.
Mỗi người dân Việt Nam thuộc đủ mọi tầng lớp, đủ mọi lứa tuổi: người già, trẻ nhỏ,  học sinh, sinh viên, giáo viên, các lực lượng y tế, các lực lượng vũ trang, người cao tuổi, người lao động, nông dân, tiểu thương, các doanh nghiệp, doanh nhân, phóng viên nhà báo, giới văn nghệ sỹ, các nhà khoa học, tri thức, cộng đồng tôn giáo… Ở tất cả mọi vùng miền của Tổ quốc đều nhất tề đứng lên đánh giặc Covid-19 theo lời kêu gọi của Đảng, thể hiện lòng yêu nước, trách nhiệm công dân với cộng đồng.
Cả xã hội luôn dành tình cảm tốt đẹp nhất, tri ân những người lính “ áo trắng” trên tuyến đầu của cuộc chiến phòng chống dịch. Họ là những cán bộ, nhân viên trong ngành y; những y, bác sỹ, nhân viên y tế dù phải xa gia đình, xa vợ, xa con túc trực ngày đêm tại các bệnh viện, phòng cấp cứu, các trung tâm y tế, phải làm việc trong môi trường có nhiều rủi ro, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng không một ai đầu hàng, bỏ cuộc. Vượt qua mọi vất vả, nhọc nhằn, nguy hiểm đến tính mạng tất cả đều vì người bệnh, cho người bệnh. Nhờ đó đã chữa khỏi, cứu sống và mang lại hạnh phúc cho hàng trăm người bệnh. Bác sỹ trẻ Nguyễn Thị Cẩm Vân và hơn 30 bác sỹ khác của bệnh viện huyện Củ Chi tình nguyện ra tuyến đầu chống dịch. Gần 300 bác sỹ, y tá đã nghỉ hưu ở quận Bắc Từ Liêm làm đơn tình nguyện đi chống dịch. Hàng ngàn nhân viên y tế, nhân viên vệ sinh môi trường ngày đêm không quản nắng mưa thu gom rác thải trong các bệnh viên, khu cách li, ngoài đường phố làm sạch môi trường, ngăn chặn sự lây lan của virus. Theo PGS–TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM: “Không có một lời đòi hỏi nào và cũng không có một lời than khó nào, mặc dù không ít bác sỹ, điều dưỡng đã có dấu hiệu mệt mỏi và kiệt sức…”. “Bao giờ hết dịch con sẽ về”.  “Bố sẽ về”. “ Anh sẽ  về ” là câu nói cửa miệng, là lời thề danh dự của những người “lính áo trắng ” trên tuyến đầu chống dịch với Tổ quốc, với gia đình và người thân.
Trên tuyến đầu của tuyến đầu là các điều tra viên, tuyên truyền viên, tư vấn viên thuộc các Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh. Đây thực sự là cơ quan đầu não, phụ trách toàn bộ hoạt động chuyên môn phòng chống dịch. Cùng với đó là hệ thống chân rết các Trung tâm Y tế quận huyện, trạm y tế phường xã. Là những người đầu tiên tiếp xúc với các ca dương tính, tiến hành khoanh vùng, lập hàng rào ngăn cách, điều tra dịch tễ, truy xét các ca lây nhiễm. Họ thực sự là những “lá chắn thép “, những người đi trước về sau trong cuộc chiến dài ngày.
Nhờ những nỗ lực sáng tạo của các nhà khoa học,  Việt Nam  trở thành một trong số ít nước trên thế giới  sản xuất thành công bộ sinh phẩm kit real-tim RT-PCR. Sản phẩm này đã được  Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu ( CE ) và cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do ( CFS ), sản phẩm này cũng đã được WHO chứng nhận. Làm chủ 2 phương pháp xét nghiệm Covid-19; tìm ra phác đồ điều trị hiệu quả trong khi chưa có thuốc đặc trị. Chế tạo thành công robot hỗ trợ y tế; người máy phục vụ hậu cần trong các bệnh viện, khu cách li; buồng cơ động sát khuẩn toàn thân; thiết bị đo thân nhiệt tự đông không tiếp xúc; phát triển các ứng dụng để người dân khai báo y tế…góp phần tích cực và hiệu quả phòng chống dịch.
Sau khi được điều trị khỏi tại Bệnh viện Nhiệt đới TƯ (Đông Anh, Hà Nội ), bệnh nhân nữ số 27 là người nước ngoài đã nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Vì tôi là một y tá nên tôi biết mình có thể bị chết vì bệnh này. Tôi rất biết ơn các bạn, các bác sỹ, y tá đều rất phi thường. Họ đều là những người tuyệt vời. Xin cảm ơn”. Bệnh nhân số 148, cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jaen-Noel Poirier sau khi khỏi bệnh đã xúc động: “Các bác sỹ, y tá đều có tinh thần như thể đang ra trận thời chiến vậy. Ai cũng làm việc 7 ngày trong tuần mà không nghỉ ngơi. Họ làm việc quên ngày đêm…Tôi xin gửi tới họ những lời cảm ơn và động viên sâu sắc nhất cho những cố gắng và sự dũng cảm của họ. Người dân Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào về đội ngũ y tế của mình”. 
Cùng trên tuyến đầu là các chiến sỹ quân đội,  những người lính của dân, vì dân luôn tỏa sáng bản chất bộ đội “Cụ Hồ ”. Cán bộ, chiến sỹ đã tự nguyện nhường doanh trại, chăn ấm, nệm êm cho người dân đến cách li còn bản thân ở lán dã chiến, ăn mỳ tôm kiểm soát đường biên. Dù làm nhiệm vụ ở đâu các chiến sỹ cũng luôn coi mỗi người dân là người thân, tận tình, chu đáo thức khua dậy sớm chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, hỏi han, động viên tinh thần người bệnh để mọi người yên tâm, có cuộc sống tốt nhất. Chốt chặn ngày đêm trên các cửa ngõ, động viên nhắc nhở người dân thực hiện các quy định phòng chống dịch. Chiến sỹ Lăng Minh Tuấn (23t TP.HCM ) làm nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến Củ Chi tâm sự: “Công việc ở đây rất vất vả nhưng chúng tôi rất vui và tự hào vì được góp sức vào cuộc chiến chống dịch bệnh của đất nước”. Chị Phan Thị Hoàn (Yên Thành, Nghệ An) cùng 2 con nhỏ từ Lào về qua cửa khẩu Cầu Treo, được đưa về khu cách li tập trung tại trường cao đẳng sư phạm Nghệ An đã chia sẻ: “Mẹ con em cảm ơn tất cả các chú bộ đội, các cơ quan chức năng ở khu cách li đã chăm sóc rất tận tình và chu đáo” . Trước nỗi lo của các bệnh nhân chạy thận trong những ngày giãn cách xã hội, hàng ngày Ban chỉ huy quân sự quận Hai Bà Trưng đã tổ chức nhiều chuyến xe đưa đón hàng trăm lượt người ở “xóm chạy thận Bạch Mai” đi chạy thận. Cùng với đó UBND Q.Hai Bà Trưng còn hỗ trợ mối người 10 kg gạo + 1.000.000đ để bà con yên tâm chữa trị bệnh. Bà Phạm Thị Chung xúc động “…Thật may chúng tôi không bị bỏ rơi giữa muà dịch”.
Cùng tham gia chống dịch, các chiến sỹ công an trong cả nước đã làm tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững cuộc sống bình yên, là điểm tựa của mỗi người dân trong lúc đại dịch bùng phát. Ngày đêm sàng lọc, quản lí, kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh, khai báo y tế bắt buộc. Chốt chặn, tuần tra, canh gác, truy bắt tội phạm, bám sát cơ sở kịp thời nắm bắt tình hình, mạnh mẽ đấu tranh với các loại tội phạm xã hôi, đặc biết các đối tượng tung tin thất thiệt, vụ lợi, chống người thi hành công vụ, tụ tập gây rối đua xe trái phép, buôn bán ma túy…Nhờ đó đã góp phần ổn định xã hội, ổn định tình hình đất nước, bảo đảm cuộc sống bình yên cho mỗi người dân. Ngày 28/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư ghi nhận, đánh giá cao kết quả, thành tích của toàn lực lượng CAND trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, góp phần làm tốt công tác phòng, chống dịch covid-19.
   “ Có hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”. Trong cộng đồng xuất hiện hàng vạn, hàng vạn nghĩa cử cao đẹp tương thân tương ai, của ít lòng nhiều chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Andy Đào Nguyên 12 tuổi ( TP. HCM )  đã dùng hết số tiền lì xì trong dịp Tết 10 triệu đồng mua khẩu trang, nước sát khuẩn phát cho người đi đường. Em chia sẻ: “ …Con mong món quà nhỏ của mình sẽ giúp nhiều người phòng tránh bệnh hơn.  Cụ Nguyễn Văn Tạ 88t, (Xã Hưng Tiến, H.Mỹ Đức, HN ) thương binh 4/4 ba lần đạp xe 10km/lần lên UBND xã mang 2 triệu từ tiền trợ cấp chế độ ủng hộ phòng chống dịch. Ngày 2/4 khi ban vận động ủng hộ chống dịch của xóm 5 đi qua nhà cụ Lê Thị Thanh 73t ( X.Đức Sơn, H. Anh Sơn, Nghệ An ) thấy cụ sống một mình, nhà nghèo nên không vào vận động, cụ đã gọi vào: “Các chú thấy bà nghèo định không cho bà ủng hộ à. Bà mới bán được con gà, của ít lòng nhiều, cho bà gửi thêm để phòng chống dịch bệnh”. Rồi cụ bộc bạch: “Trong xóm ai cũng quyên góp, thì bà cũng có nghĩa vụ trong lúc đất nước đang khó khăn nên mọi người không cần lo lắng, cứ nhận đi cho bà vui”. Các cụ: Quách Thị Chao  85 t, Nguyễn Thị Phương  82 t , Phan Thanh Nhàn  78 t , Võ Ánh Nguyệt 63 t  và cụ Nguyễn Thị Mười đang sống neo đơn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau mỗi cụ đã đóng góp từ 3-5 triệu đồng ủng hộ. Hơn tháng nay, bất kể ngày nắng hay mưa ông Nguyễn Văn Lộc 70t ( khu dân cư Lò Rèn, Đồng Đăng, Cao Lộc, Lạng Sơn ) “ Vác tù và ” rong ruổi trên các nẻo đường, ngõ xóm “ loa, loa” thông tin,  tuyên truyền nhắc nhở bà con phòng chống dịch.
Để thuận lợi cho việc làm từ thiện, nhiều ATM gạo, nhiều siêu thị 0 đồng, chợ 0 đồng được các nhà hảo tâm, chính quyền lắp đặt, khai trương ở nhiều địa phương. Nhiều  cửa hàng thuốc nói không với nâng giá khẩu trang, nước sát khuẩn. Nhiều cơ sở tư nhân, bà con ở các khu dân cư đã gom góp tiền may hàng vạn chiếc khẩu trang, làm mũ chống giọt bắn, pha chế nước sát khuẩn phát miễn phí. Họ không tính toán, đắn đo thiêt hơn miễn là góp được một chút công sức nhỏ bé cùng cả nước chống dịch. Đôi vợ chồng trẻ ( P.Thới Hòa, TX. Bến Cát, Bình Dương ) mặc dù đang phải ở trọ đã bỏ tiền túi làm hơn 100 phần quà gồm: gạo, mỳ tôm, cháo phát miễn phí. Trước quầy ghi tấm biển: “Nếu khó khăn cứ lấy 1 phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác”. Họ xin được dấu tên vì:  Làm từ thiện từ tấm lòng, xuất phát từ sự đồng cảm với người nghèo trong mùa dịch. Tại huyện miền núi Quy Hơp ( Nghệ An ) mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, chủ yếu là người dân tộc thiểu số nhưng Hội phụ nữ thị trấn cùng Chi hội phụ nữ khối 6 và các cụ ông, cụ bà trong Hội người cao tuổi đã chung tay làm 200 xuất ăn sáng gửi tặng những người đang cách li tập trung và các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại đấy.
 Anh Nguyễn Xuân Phúc 38 t ( Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh ) đã dừng việc kinh doanh, nhường 40 phòng khách sạn cho khách thuộc diện cách li tập trung. Anh tâm sự: Trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp việc làm của anh là cần thiết và giúp đất nước ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát. Cùng với đó là hàng trăm khách sạn, resor đăng kí cho cách li tự nguyện, miễn giảm hoàn toàn hoặc  giảm hẳn giá thuê phòng cho khách đến cách li. Nhiều trường Đại học, Cao đẳng trong đó có Đại học Ngoại ngữ-Tin học và Học viện hành chính Quốc gia TP.HCM đã nhương cơ sở, khu kí túc xá sinh viên để đón người Việt từ nước ngoài về cách li.
Thành phố HCM chi 1.800 tỷ hỗ trợ 600.000  người người mất việc do dịch bệnh với mức 1 triệu đồng/người. Thủ tướng Chính phủ quyết định gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho  gần 20 triệu người thuộc thuộc 6 nhóm đối tượng có khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Tập đoàn Vingroup, ngay từ đầu đã hỗ trợ 20 tỷ đồng cho nghiên cứu vacine kháng virus, 100 tỷ đồng bổ xung các trang thiết bị cho các bệnh viện, mới đây còn tuyên bố dừng sản xuất ô tô chuyển qua sản xuất máy thở đồng thời tặng nhà nước 5.000 máy. Tất cả các ngân hàng đều thực hiện dãn nợ, giảm lãi xuất, cho vay mới lãi xuất thấp hàng trăm ngàn tỷ đồng hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Ngân hàng  HDBank giành gói ưu đãi lãi xuất tới 10.000 tỷ đồng, ngoài ra còn dành 3.000 tỷ ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt đông trong lĩnh vực cung cấp thuốc men, dược phẩm, thiết bị y tế góp phần ổn định dân sinh xã hội. Tặng 1.000 tỷ hưởng ứng lời kêu gọi của UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt-Nam. 1.000 giường y tế cao cấp...Hàng triệu người trên cả nước được hưởng mức giảm 10% giá điện tương đương 11.000 tỷ đồng. Ngoài việc giảm sâu giá xăng dầu, Petrolimex còn ủng hộ phòng chống dịch 14,1 tỷ đồng. Tính đến ngày 28/4, thông qua cuộc vận động “ Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch covid-19”, hệ thống MTTQ Việt Nam đã tiếp nhận tổng số tiền, hiện vật trị gía 1.900 tỷ đồng.
  “Ở nhà là yêu nước”, không tụ tập đông người, không có việc không ra ngoài, nếu phải ra ngoài đều tuân thủ đeo khẩu trang, đứng đúng cự li quy địnhViệc tuy nhỏ nhưng ý nghĩa vô cùng lớn lao. Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO đánh giá “ Ý thức kỷ luật của người dân khi tuân thủ các quy định cách ly xã hội đã giúp Việt-Nam giảm tỷ lệ lây nhiễm cũng như phát huy hiệu quả cuả các biện pháp trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ”. Toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Các tổ chức Đảng, chính quyền cơ sở ngay từ những ngày đầu đã thể hiện rõ trách nhiệm, quyết liệt, trực tiếp giám sát chặt chẽ địa bàn, tuyên truyền, vận động đến từng nhà, từng người dân. Mỗi tổ chức xã hội ở cơ sở đều có chương trình hành động cụ thể phối hợp  với chính quyền sở tại. Hội CCB Hải Phòng là lực lượng nòng cốt trong 2.560 tổ công tác kiểm soát phòng chống dịch tại các thôn, tổ dân phố trên toàn thành phố. Các cấp Hội thuộc HLH phụ nữ Hậu Giang đã thành lập 61 tổ nhóm may khẩu trang vải, đã may tặng gần 50.000 chiếc, cấp miễn phí 68.891 khẩu trang y tế, phát 116.210 tờ rơi tuyên truyền. Tỉnh đoàn Bắc Giang đã thành lập 239 đội thanh niên tình nguyện phát miễn phí hơn 70 ngàn khẩu trang, 500 lit dung dịch sát khuẩn, hơn một ngàn mũ chống giọt bắn. Trong đợt hiến máu lần 1 năm 2020, Đoàn khối các cơ quan thành phố Đà Nẵng đã vận động gần 500 ĐVTN tham gia hiến máu…Em Giáp Bùi Việt Anh học sinh trường Trung học phổ thông Lục Ngạn 1 cùng nhóm bạn đã thành lập Fanpage bằng tiếng Anh với mong muốn để người nước ngoài hiểu rõ về tình hình dịch ở Việt-Nam. Cùng với đó là hàng vạn các tình nguyện viên, học sinh, sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng đã đồng loạt ra quân tuyên truyền trên loa phát thanh, phát tờ rơi, áp phích, băng rôn khẩu hiệu… có nội dung tuyên truyền phòng chống dịch, tích cực tham gia các hoạt động ở các khu cách li tập trung, trực tiếp với người bệnh. Cùng tổ công tác tại các địa phương “ vào tận ngõ, gõ từng nhà ” để kiểm soát dịch bệnh.
Hưởng ứng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cộng đồng tôn giáo đóng cửa các nơi thừa tự, cử hành giáo lễ qua trực tuyến. Các trường học, công sở…tạm thời chuyển qua phương thức học tập và làm việc Onlin. Quán bar, các dịch vụ, nơi vui chơi giải trí…cũng dừng mọi hoạt động để bảo đảm giãn cách cộng đồng. Đồng bào ta trên khắp thế giới đã cùng chung sức, đồng lòng bằng nhiều hình thức khác nhau ủng hộ đất nước trong lúc hoạn nạn. Kiều bào ở miền Tây nước Mỹ ủng hộ về nước 100 ngàn USD, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn ( kiều bào Philippines ) ủng hộ 25 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Minh Hồng ( kiều bào Đức ) tặng 2 hệ thống thiết bị y tế lắp đặt phòng cách li áp xuất âm cho bệnh viên Củ Chi…Không những thế, bản thân cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng hết lòng ủng hộ chính quyền sở tại, giúp đỡ kiều bào mình phòng chống dịch.
Trong khi một số quốc gia thực hiện việc phong tỏa lãnh thổ, đóng cửa biên giới, dừng cho công dân hồi hương… thì nhà nước ta vẫn dang rộng vòng tay đón hàng ngàn bà con người Việt trở về. Những người bị kẹt tại sân bay do bị bỏ chuyến không thông báo, do bị đóng cửa biên giới ở các nước đều được đưa về nước. Không ai bị bỏ rơi, bị bỏ lại . Khi về đến đất mẹ bà con còn được thăm khám, tổ chức cách li miễn phí kể cả với người nước ngoài. Có lẽ cũng chỉ đất nước mình mới làm được điều ấy.
Cùng đồng hành là sự vào cuộc kịp thời, nhạy bén, quyết liệt của những người “lính” Thông tấn với một chiến dịch truyền thông mạnh mẽ, sáng tạo và rất hiệu quả. Truyền thông đã giành thời lượng đáng kể hàng ngày thông tin, cập nhật tình hình dịch bênh, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Chính phủ; khuyến cáo của các cơ quan chức năng về phòng chống dịch. Vượt  nguy cơ dễ lây nhiễm, các phóng viên lên tuyến đầu, len lỏi vào tận ngóc ngách của con Covid, vào khu cách li, tiếp xúc với nguồn bệnh, tiếp cận nguồn tin nóng…đưa tin kịp thời, chính xác về diễn biến của dịch, trấn an dư luận, tuyên truyền rộng rãi kĩ năng tự bảo vệ, tự phòng chống dịch đồng thời cũng mạnh mẽ phản bác các luận điều xuyên tạc, bóp méo sự thật, ngăn chặn các thông tin sai lệch. Trong cuộc chiến ấy cũng đã có chiến sỹ bị lây bệnh phải vào khu cách li, vào viện điều trị bệnh. Cũng nhờ sự quả cảm ấy mà  người dân có cơ sở tăng sức đề kháng với những tin tức xấu độc, tạo được sự đồng thuận và định hướng xã hội.
Giới văn nghệ sỹ đã tích cực đồng hành cùng dân tộc: Ca sỹ Hồ Anh Tuấn cùng 2 người bạn đã góp 2 tỷ đồng, cùng 3 phòng cách li âm… Không chỉ đóng góp tài chính, vật chất mà còn có nhiều tác phẩm nghệ thuật thuộc đủ các thể loại cổ vũ cộng đồng chung tay phòng chống dịch, sáng tạo nhiều hình thức tuyên truyền đi vào lòng người. Nhạc sỹ Tô Văn cùng ca sỹ Việt Tú cho ra mắt bài hát “ Những bông hoa nở giữa mù dịch”. Soạn giả Mai Văn Lạng có “ Bài ca chống giặc dịch Covid” theo điệu xẩm xoan... Nhậy bén, kịp thời, 2 đạo diễn Danh Dũng và Trịnh Lê Phong cùng dàn sao cho ra mắt bộ phim: Những ngày không quên. Dí dỏm, nhẹ nhàng mà sâu sắc giúp mỗi người xem hiểu biết thêm về kĩ năng phòng chống dịch, phê phán những việc làm sai trái, lợi dụng dịch bệnh.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chỉ thị của Thủ tướng chính phủ; lời kêu gọi của Đoàn chủ tịch Ủy ban Tung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Truyền thống Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh đã kịp thời có văn bản chỉ đạo các cấp hội trong toàn quốc cùng chung tay phòng chống dịch. Ở khắp các Chi hội ngoài việc trực tiếp tuyên truyền, làm từ thiện, các hội viên còn tích cực tham gia phòng chống dịch cùng chính quyền, cùng các đoàn hội khác. 7 Hội quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đã vận động hội viên ủng hộ 102 triệu đồng, 1.100kg gạo, 2.500 khẩu trang, 50 bình sát khuẩn. Tỉnh hội Yên Bái quyên góp 102 triệu đồng, Hội Trường-Sơn thị xã Sơn Tây 1 tấn gạo. Công ty Thanh Bình của chiến sỹ Trường Sơn Nguyễn Thanh Bình ủng hộ 1.040 chiếc khẩu trang và 6 tấn gạo, Chị Nguyễn Thị Bình ( TP.HCM ) ủng hộ 1.000kg gạo, 100 thùng mì tôm, 8 triệu đồng…   Hội Văn học nghệ thuật Trường-Sơn thuộc Hội truyền thống bộ đội Trường-Sơn còn cho ra mắt hàng trăm bài viết thuộc nhiều thể loại: văn, thơ, chuyện vui…phản ánh muôn màu cuộc sống trong cuộc chiến phòng chống dịch được đăng tải trên Bản tin và Trang thông tin điện tử của Hội.
Trong lúc cả hành tinh bị phủ bóng đen của đại dịch, mặc dù còn nhiều khó khăn, lại cũng đang gặp hoạn nạn nhưng Đảng,  Chính phủ, nhân dân Việt Nam vẫn thể hiện nghĩa cử cao đẹp gửi các thiết bị y tế phòng chống dịch sang giúp các nước Lào, Campuchia, Nga, Trung Quốc, Các nước tây Âu và Mỹ. Sáng 9/4 ( giờ VN ) Tổng thống D.Trump đã đăng trên tài khoản Twitter lời cảm ơn Việt Nam: “Sáng hôm nay  450.000 bộ quần áo bảo hộ y tế đã tới thành phố Dallas, bang texas…Cảm ơn các bạn”. Sau khi 20.000 chiếc khẩu trang y tế do 2 chị em Trương Thị Linh Nhạn và Trương Cao Khôi ( học sinh cấp 2 Hà Nội ) gửi tặng được chuyển thành công về nước, ông Gareth Ward, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã gửi thư cảm ơn: “…Tôi rất hạnh phúc khi các cháu ở lứa tuổi còn nhỏ đã biết quan tâm đến thế giới và góp sức trong cuộc chiến chống virus này… Câu chuyện của các cháu thật ấm lòng…”. Ngoài ra các em còn nhận được nhiều lời cảm ơn từ dân mạng Anh.
Cho đi là còn mãi”.  Sau khi được điều trị khỏi bệnh, bệnh nhân số 53 quốc tịch Cộng hòa Séc xúc động nói: “Tôi vô cùng biết ơn các y tế Việt Nam, tôi được cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết và rất được tôn trong”. Hai vợ chồng bà Shan quốc tịch Anh sang Việt Nam thăm con trai, chẳng may cả 2 người đều mắc bệnh, ông chồng bị nặng hơn do có bệnh nền ung thư máu, phải thở máy đến nay cả 2 ông bà đã khỏi bệnh, bà không cầm được nước mắt: “Con trai tôi yêu Việt Nam và tôi cũng rất yêu Việt Nam và tình yêu đó còn lớn hơn sau câu chuyện lần này. Khi trở về Anh, tôi sẽ kể về những kỉ niệm mà tôi không thể nào quên về các y, bác sỹ ở Việt Nam cho bạn bè và người thân…”
 Thành công bước đầu trong cuộc chiến chống đại dịch covid-19, nghĩa cử cao đẹp của Việt Nam với bạn bè quốc tế cùng vũ điệu rửa tay Ghen-Covi ( đã được dịch sáng 28 thứ tiếng ) do  nghệ sỹ  Việt Nam sáng tạo  đang chắp cánh đưa hình ảnh đất nước Việt Nam, con người Việt Nam lan tỏa ra khắp thế giới.
Ngày 31/3, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã đăng tải một  video clip, ông chia sẻ: “Hôm nay tôi chỉ muốn nói lời cảm ơn đến mọi người Việt Nam đang ở tuyến đầu chống dịch. Công việc của các bạn đang cứu sống rất nhiều người. Tôi muốn tuyên dương chính phủ Việt Nam đã xuất sắc khi đương đầu với đại dịch Covid-19 và vẫn tiếp tục chủ động hợp tác và minh bạch trong việc chống dịch”. Mới đây, Chia sẻ trên VTV, TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới ( WHO ) tại Việt Nam khen ngợi: “Chúng tôi rất ấn tượng với cách chống dịch “Made in Việt Nam” và ông khuyến cáo các nước nên học hỏi phương châm 4 tại chỗ của Việt Nam.
 Ý Đảng, lòng dân và tình người là gốc rễ làm nên sức mạnh của cả dân tộc trong cuộc đại chiến chống đại dịch Covid-19. Chân lí ấy đã được thực tiễn kiểm chứng. Mỗi người dân có quyền và mãi mãi tự hào về Đảng, Chính phủ và sức mạnh đaị đoàn kết của cả dân tộc Việt Nam.
 

tin tức liên quan