Trung Quốc ngang ngược chỉ trích việc Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá

Ngày đăng: 08:44 13/05/2020 Lượt xem: 585

Trung Quốc ngang ngược chỉ trích việc Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá

TIN TỨC BIỂN ĐÔNG Thứ Ba, 12/05/2020 12:47:08 +07:00 15
 

(VTC News) - Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 11/5 ngang ngược nói Việt Nam "không được quyền" phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong cuộc họp báo ngày 11/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngang nhiên chỉ trích phản đối của Việt Nam đối với lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương nước này áp đặt trên Biển Đông.
Ông Triệu Lập Kiên nói rằng, Việt Nam "không có quyền khuyến khích ngư dân xâm phạm" cái gọi là "lợi ích và quyền lợi của Trung Quốc" ở vùng biển này.
Trung Quốc ngang ngược chỉ trích việc Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá - 1
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. 
Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục nhắc lại tuyên bố trái phép chủ quyền với "Tây Sa" (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), và cho rằng nước này có quyền chủ quyền và quyền tài phán với một số phần của Biển Đông "theo luật pháp quốc tế và luật pháp Trung Quốc".
Hôm 4/5, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao về việc phản đối quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc.
Trước hành động phi lý của Trung Quốc, Hội Nghề cá Việt Nam "kịch liệt phản đối hành động hết sức phi lý của phía Trung Quốc. Quy chế này không có giá trị pháp lý đối với các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trên các vùng biển thuộc chủ quyền của mình".
Hội Nghề cá Việt Nam cũng kêu gọi và vận động ngư dân bình tĩnh, yên tâm bám biển đẩy mạnh sản xuất và kiên quyết thực hiện quyền lợi chính đáng của mình, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
 
Phản đối lệnh cấm đánh bắt cá Trung Quốc đưa ra, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
"Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông".
Tân Hoa xã ngày 1/5 ngang nhiên thông báo Trung Quốc đơn phương tiếp tục thực hiện các lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè thường niên ở vùng biển từ phía Bắc đến 12 độ vĩ Bắc ở Biển Đông bắt đầu từ trưa cùng ngày.
Phạm vi này bao gồm một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
"Trung Quốc nói lệnh cấm đánh bắt cá là nhằm bảo vệ các ngư trường trong khu vực, nhưng mục đích thực sự của họ là khẳng định quyền lực ép buộc đối với các quốc gia láng giềng", GS.TS.James Kraska, chuyên gia luật hàng hải quốc tế từ Trung tâm Luật quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ trả lời VTC News.
GS.TS. James Kraska nhận định: “Phần lớn cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của những nước láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Các nước này có quyền hợp pháp với tất cả tài nguyên, bao gồm đánh bắt cá, trong EEZ của họ.
Trung Quốc hành động bất hợp pháp và vi phạm điều 56 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 khi thiết lập quy định ở vùng nằm ngoài EEZ của mình”.
PHƯƠNG ANH
(PS sưu tầm theo VTC)
tin tức liên quan