"Bác Hồ trong ánh mắt của đàn cháu tôi". Tác giả Hoàng Kiền

Ngày đăng: 09:15 18/05/2020 Lượt xem: 600
-----------------------------------------------------------

BÁC HỒ TRONG ÁNH MẮT CỦA ĐÀN CHÁU TÔI
Hoàng Kiền
 
         Nhân dịp Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác Hồ, Bao điều trào dâng trong lòng tôi về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới.
         Cái trào dâng nó được nhân lên khi có sự cộng hưởng từ ánh mắt đàn cháu của tôi – Tôi vui mừng nhận thấy nơi những ánh mắt trong trắng và ngây thơ ấy của các cháu đã sớm có ánh hào quang của Bác Hồ kính yêu và của Đảng vĩ đại…
         Trong thời khắc Kỷ niệm một sự kiện long trọng này, tôi xin được chia sẻ cảm xúc trào dâng và cả niềm vui ấy cùng đồng chí, đồng đội và các bạn qua một câu chuyện trong bài viết này
         Xin trân trọng!

BÁC HỒ CỦA CHÚNG TA
Năm đứa cháu nội ngoại ba trai, hai gái ngồi chơi với ông bà , cùng xem ti vi, đang xem chương trình về chiến thắng Điện Biên Phủ, thấy hình ảnh Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiện lên.
Cả năm đứa trẻ reo to: Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Cháu Nguyễn Đức Tiến ( Bon ) học lớp 4 hỏi ngay: Ông ngoại ơi, Bác Hồ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ai giỏi hơn ạ?
Cháu hỏi rất hay!
Cả Bác Hồ và Đại tướng đều giỏi. Bác Hồ là Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, là danh nhân văn hoá thế giới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong 10 tướng tài được ghi nhận trong lịch sử thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là học trò xuất sắc của Bác Hồ.
Bác lãnh đạo nhân dân ta, Đại tướng chỉ huy quân đội ta đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cả thế giới ca ngợi đấy.
Cháu Hoàng Minh Đức ( Bi ) học lớp 3 hỏi tiếp : Ông nội ơi, sao Bác Hồ già thế mà ai cũng gọi bằng Bác, cháu phải gọi bằng Cố Hồ, Cụ Hồ mới đúng chứ?
Cháu hỏi cũng hay lắm
Bác Hồ cả đời vì nước vì dân, Bác không có vợ con gia đình, hi sinh tất cả để cống hiến cho Tổ quốc. Nhà thơ Tố Hữu đã viết về Bác là : “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Bác thương yêu tất cả mọi người dân Việt Nam, nhân dân ta từ trẻ đến già, cả nam cả nữ, mọi tầng lớp ai cũng kính yêu Bác, gọi vị lãnh tụ thiên tài của mình là Bác Hồ. Ông cũng phải gọi là cụ Hồ mới đúng, nhưng cứ thích gọi là Bác Hồ, gần gũi mà thân thương.
Cháu Minh Đức hỏi tiếp:
Nếu không có Pháp và Mỹ sang xâm lược thì Bác Hồ còn sống thêm nhiều nữa ông nhỉ. Không được đến bây giờ nhưng cũng thọ hơn nhiều.
Cháu nói đúng!
Ngày 5 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành là một thanh niên ra đi từ bến cảng Nhà Rồng - Sài Gòn, suốt gần ba mươi năm bôn ba khắp thế giới, làm đủ các nghề, tìm con đường cứu dân, cứu nước. Đến ngày 28 tháng 1 năm 1941 Bác trở về Pắc Bó - Cao Bằng để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Từ đó Bác đã giành trọn cả cuộc đời để lãnh đạo nhân dân ta chống lại hai đế quốc to và vô cùng tàn bạo là Pháp và Mỹ, nên Bác tổn thọ rồi ra đi ở tuổi 79. Nếu không suy nghĩ, lo lắng, vất vả vô cùng thì Bác thọ hơn nữa, tuy không được đến nay, vì sắp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác rồi, nhưng Bác không ra đi khi mới bảy mươi chín mùa Xuân .
Cháu Hoàng Đức Nhân ( Bin ) cũng học lớp ba hỏi: Ông nội ơi, Bác Hồ ủng hộ người da đen hay người da trắng? Dĩ nhiên là Bác ủng hộ người da vàng nước ta rồi.
Câu hỏi của cháu hay lắm .
Bác là người Việt Nam, thấy nhân dân Việt Nam bị áp bức bóc lột, nô lệ, lầm than, Bác thương đồng bào mình nên mới ra đi tìm đường cứu nước cứu dân. Khi đi khắp nơi, đến đâu Bác cũng thấy người dân các màu da đều bị áp bức bóc lột. Bác thương và ủng hộ tất cả người dân da đen, da trắng, da đỏ, da vàng bị áp bức bóc lột . Bác chỉ ghét bọn thực dân, đế quốc xâm lược, thống trị tàn bạo thôi, nhất là bọn thực dân da trắng.
Cháu Hoàng Bảo Hân ( Bông ) học lớp 1 hỏi: Ông nội ơi Bác Hồ yêu Thiếu nhi lắm ông nhỉ. Bác Hồ đánh cả Nhật, cả Pháp, cả Mỹ, cả Trung Quốc ông nhỉ. Nếu không có các nước đến đánh nước ta thì con được nhìn thấy Bác Hồ ông nhỉ.
Bảo Hân giỏi quá.
Đúng thế, Bác Hồ rất thương yêu thiếu niên nhi đồng, Thiếu niên nhi đồng cũng vô cùng kính yêu Bác Hồ. Có bài hát “ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” đấy.
Bác lãnh đạo nhân dân ta khởi nghĩa vũ trang cướp chính quyền từ tay giặc Nhật.
Bác lãnh đạo nhân dân ta đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Bác sang Trung Quốc bị Tưởng giới Thạch bắt giam ở các nhà lao khổ cực lắm. Bác đã ký một hiệp ước hoà hoãn với Pháp để đuổi gần 20 vạn quân Tầu ô ra khỏi đất nước ta đấy. Lúc đầu cháu nói Bác Hồ đánh cả Trung Quốc, một lát ông mới nghĩ ra là Bác đuổi quân Tầu Tưởng ra khỏi miền Bắc nước ta năm 1946 đấy.
Cháu Hoàng Minh Châu ( Thỏ ) 5 tuổi hỏi: Ông nội ơi, ngày xưa ông có đi đánh Mỹ không?
Có chứ!
Bác Hồ bảo mọi người đi đánh Mỹ à?
Cháu gái ông 5 tuổi mà giỏi quá.
Đúng thế, Mỹ sang xâm lược nước ta, đem bom đạn sang bắn phá giết hại nhân dân ta. Năm 1966 Bác Hồ ra lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước. Ông nghe theo lời Bác là đi bộ đội rồi vào chiến trường đánh Mỹ đấy.
Mấy ông cháu cùng ngồi ăn cơm trưa, xem ti vi.
Cháu Hoàng Minh Đức hỏi:
Ông nội ơi, ông đã được gặp Bác Hồ chưa?
Ông chưa được gặp!
Ông được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp mấy lần ông?
Ông gặp nhiều lần, 5 lần.
Lần cuối cùng khi nào ông?
Lần cuối cùng vào năm 2005
Có phải ông viết bài đăng lên Facebook không?
Đúng thế đấy.
Ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao cho ông là Tư lệnh Công binh lên khôi phục lại hang Cốc Bó bị đánh sập năm 1979.
Đại tướng nói với ông là : Năm 1941 sau ba mươi năm đi tìm đường cứu nước, Bác về nước, tại cái hang này Bác Hồ và anh Văn ( Võ Nguyên Giáp) nằm tâm sự ở cái hang này 7 đêm. Bác nói " Chú Văn ạ, làm người cách mạng là phải dĩ công vi thượng, có nghĩa là phải đặt lợi ích của cách mạng lên trên hết, thấm nhuần lời dạy của Bác, cả đời tôi phấn đấu một lòng vì nước vì dân"
Bác nói tiếp: Con đường của cách mạng Việt Nam là " Vũ trang khởi nghĩa cướp chính quyền ".
Chính từ cái hang này, mới có Nghị quyết TW 8 vào tháng 5/1941, dẫn tới Cách mạng 8/1945 thành công. Đại tướng nói: “Không có cái hang này thì không có Nghị quyết TW 8, không có cách mạng Tháng 8, không có nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đây là Di tích lịch sử số 1, di tích hàng đầu của Việt Nam”.
Đại tướng nói tiếp "Bác sang Trung Quốc bị Tưởng Giới Thạch bắt giam, năm 1944 được thả tự do, Bác về nước, cũng tại cái hang này, hai Bác cháu nằm trao đổi. Bác giao cho Tôi thành lập " Đội tuyên truyền Việt Nam giải phóng quân ". Đây là lực lượng vũ trang đầu tiên, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông rất vinh dự và tự hào đã tổ chức cho các đơn vị của Bộ Tư lệnh Công binh cùng với Sở văn Hoá... Cao Bằng khôi phục lại hang Cốc Bó như cũ, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi Bộ đội Công binh.
Đại tướng còn nói: Bộ chính trị đã quyết định là đường Hồ Chí Minh từ Hà Nội đến Cà Mau, như thế là chưa đủ. Đường Hồ Chí Minh phải từ Pắc Bó - Cao Bằng đến mũi Cà Mau. Đại tướng đã viết thư gửi tới Bộ chính trị và thủ tướng Phan Văn Khải nêu ý kiến của mình. Đường Hồ Chí Minh đã được xây dựng đúng như Đại tướng nói.
Cháu Hoàng Đức Nhân nói :
Nếu không có Pháp và Mỹ sang xâm lược có khi con nhìn thấy Bác Hồ đấy ông nhỉ.
Hoàng Bảo Hân cũng nói : Có khi con cũng được nhìn thấy Bác Hồ ông nội nhỉ.
Có thể, nhưng cũng khó, năm nay sắp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác rồi.
Ồ, thế thì khó rồi, con mới 7 tuổi, anh Bi và anh Bin mới 9 tuổi.
Một hôm đàn cháu cùng ông bà ngồi xem phim về Bác Hồ,
Hoàng Minh Châu ( tức Thỏ ) chạy đến hỏi ông:
Ông nội ơi, hôm Bác Hồ chết ông có khóc không?
Có chứ, cả nước khóc, ai cũng khóc.
Thế Mỹ có khóc không?
Có nhiều người Mỹ tốt họ kính trọng Bác Hồ, họ thương Bác Hồ họ cũng khóc chứ.
Thế Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ac hen ti na , Cu Ba, ... có khóc không?
Thỏ giỏi quá, biết nhiều nước quá. Cu Ba rất nhiều người khóc, các nước khác nước nào cũng có nhiều người khóc đấy .
Thỏ hỏi tiếp:
Ông nội ơi, Bác Hồ có nhiều tên ông nhỉ.
Đúng rồi.
Thỏ kể xem nào?
Cháu kể:
Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Văn Tất, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh.
Nguyễn Tất Thành chứ không phải Nguyễn Văn Tất.
À con quên, đúng vậy ...
Ai bảo Thỏ thế?
Cô giáo con dạy mà.
Hoan hô Thỏ, lớp mầm non mà biết được thế là tốt nhé.
Vâng ạ.
Cháu Hoàng Minh Đức hỏi thêm.
Thế Bác Hồ họ Nguyễn à Ông nội.
Đúng rồi, Nguyễn Sinh Cung con cụ Nguyễn Sinh Sắc mà.
Sao lại có tên Hồ Chí Minh.
Ừ, sau này Bác lấy tên là Hồ Chí Minh.
Sao Bác chỉ thay tên mà cứ để họ Nguyễn dễ bị lộ ông nhỉ. Sao Bác không lấy họ khác nữa.
Có chứ, Bác hoạt động ở nước ngoài còn có nhiều tên lắm, Nguyễn Văn Ba, anh Ba phụ bếp trên tàu buôn của Pháp, Lý Thuỵ khi ở Liên Xô, Tống Văn Sơ khi hoạt động ở Trung Quốc rồi Bác bị bắt ở Hồng Công, có vụ án Tống Văn Sơ đấy. Bác còn nhiều bút danh lắm, các cháu học lên sẽ biết thêm.
Các cháu đều hỏi : Thế Bác mang tên Hồ Chí Minh từ năm nào?
Câu này để ông xem lại, ông chỉ biết từ sau khi Bác về nước. Mở sách ra xem, mới rõ chính xác : Bác mang tên Hồ Chí Minh từ tháng 8 năm 1942 đến 2 tháng 9 năm 1969.
Trong một bữa cơm tối, cháu Hoàng Minh Đức hỏi, ông nội ơi, thế Bác Hồ lập ra Đảng ta à?
Đúng thế, ngày 3 tháng 2 năm 1930 tại Cửu Long gần Hồng Công - Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.
Hoàng Đức Nhân hỏi: Thế ông nội có vào Đảng của Bác Hồ không?
Có chứ, ông đi bộ đội theo lời kêu gọi Chống Mỹ cứu nước của Bác Hồ rồi vào Đảng của Bác Hồ.
Các cháu đều hỏi: thế nhà ta có ai vào Đảng của Bác Hồ nữa không?
Có, nhà nào cũng có, nhà anh Bon, chị Hà Linh cả hai bố mẹ là Đảng viên, nhà Bi, Thỏ mẹ là Đảng viên, nhà Bin, Bông bố là Đảng viên.
Trong dịp chuẩn bị kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác Hồ, trên VTV1 chiếu liên tục trong 19 buổi từ 20 giờ đến 20 giờ 05 các phóng sự về Bác Hồ, cả đàn cháu cứ ăn cơm xong, trước 8 giờ tập trung tại nhà ông bà để xem phim với sự háo hức say mê, reo mừng.
Sáng hôm nay, cháu gái Hoàng Minh Châu dậy sớm vào phòng ông, ra hiên xem rồi nói : Ông nội ơi, các nhà tháo cờ hết rồi, chỉ còn 3 nhà thôi, nhà con, nhà ông nội và chú Huỳnh và nhà Công ty.
Thế à, cả tổ dân phố chỉ còn nhà Thỏ và nhà Ông treo cờ thôi.
Thế có treo nữa hay tháo xuống?
Cứ treo ông nội ạ.
Hoan nghênh Thỏ, treo đến 19 tháng 5 kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác Hồ nhé.
Vâng ạ.
Cháu gái Nguyễn Hà Linh học sinh lớp 8, ít sang nhà ông hơn. Hôm nay cháu sang Ông hỏi, cháu nói là đội viên Thiếu niên Tiền phong, được quàng khăn đỏ, cháu luôn luôn phấn đấu để trở thành cháu ngoan Bác Hồ.
Sáu cháu nhỏ, tuổi Nhi đồng, Thiếu niên hỏi chuyện về Bác Hồ, ngây thơ mà sâu sắc. Các cháu đều gọi Bác Hồ. Được học ở trường, xem ti vi, sách báo, ông bà kể chuyện cho các cháu nghe, thế là bọn trẻ lúc nào cũng nói đến Bác Hồ.
Ông phải vận dụng hết hiểu biết của mình để trả lời cho đàn cháu nhỏ ngay tại chỗ, có câu không nhớ chính xác phải mở sách ra xem.
Nguyễn Sinh Cung, từ một người thanh niên yêu nước, đi tìm đường cứu nước cứu dân, ngày 5 tháng 6 năm 1911 Anh ra đi từ bến Nhà Rồng - Sài Gòn, trở thành anh Ba phụ bếp trên tàu buôn của Pháp, sang phương Tây Anh đổi tên thành Nguyễn Ái Quốc, đến với chủ nghĩa Mác-Lê-nin, Người tìm ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.
Sau gần ba mươi năm đến ngày 28 tháng 1 năm 1941 Bác trở về Pắc Bó - Cao Bằng để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Rồi đổi tên thành Hồ Chí Minh.
Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, tên tuổi gắn liền với các giai đoạn hoạt động cách mạng.
Cả cuộc đời Bác hi sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đem lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Bác thương yêu tất cả chỉ quên mình.
Người dân Việt Nam ai cũng kính yêu Người, gọi Người là Bác Hồ.
Tôi tự hào là người được sinh ra trong thời đại Hồ Chí Minh, được tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên đường Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh, con đường thống nhất non sông. Được đứng trong hàng ngũ của Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo. Cả cuộc đời đi theo Bác, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đồng tác giả. Mãi mãi tự hào là Đảng viên Đảng của Bác Hồ, Bộ đội Cụ Hồ. Tự hào hơn khi các thế hệ con cháu mình lúc nào cũng nói đến Bác Hồ với sự kính yêu và niềm tin son sắt.

Ngày 18/5/2020
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Anh hùng LLVTND
Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đồng tác giả.

tin tức liên quan