Sau nhiều lần lỗi hẹn, báo cáo mới nhất ra Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT tiếp tục cam kết đưa dự án đi vào vận hành khai thác trong thời gian “sớm nhất”. Nhưng cũng không cho biết rõ thời gian “sớm nhất” sẽ là lúc nào.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông một lần nữa được các đại biểu đề cập khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đầu tư theo đối tác công tư (PPP). Trước khi kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14 diễn ra, cử tri thành phố Hà Nội đã đề nghị truy trách nhiệm các dự án đường sắt “hứa thật nhiều, thất hứa thật nhiều”.
Bức xúc của người dân hoàn toàn dễ hiểu. Trong nhiều năm liền triển khai dự án, nhiều tuyến đường bị quây rào chắn, phục vụ thi công. Người dân ngậm đắng nuốt cay, hàng ngày phải vật lộn với cảnh ùn tắc. Vậy mà đến khi dự án đã hoàn thành, chạy thử rất nhiều lần, nhưng vẫn chưa dám chạy thật, vì còn thiếu hai chữ “an toàn”.
Sau nhiều lần lỗi hẹn, cử tri đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân và truy cứu trách nhiệm từng cá nhân cụ thể đối với các dự án đường sắt trên cao chậm tiến độ, đội vốn khủng.
Phát biểu tranh luận tại phiên thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo đối tác công tư (PPP), đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, Nhà nước cần “khôn ngoan” để tận dụng vốn của mọi tổ chức trong, ngoài nước. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh nguồn lực của chúng ta đang eo hẹp như hiện nay.
Đặc biệt, ông cũng nói lên nguyện vọng của cử tri, mong muốn Chính phủ tìm mọi cách để làm cho được tàu điện ngầm tại các thành phố lớn. Không nên chậm trễ nữa, càng chậm, càng khó, càng tốn kém. Và theo ông, nên ưu tiên lựa chọn đối tác có tiềm lực kinh tế mạnh, có nhiều kinh nghiệm, có thiết bị công nghệ hiện đại như Mỹ, Nhật. Đồng thời, cần tính đến cả an ninh lâu dài cho đất nước.
Liên hệ đến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đại biểu Nguyễn Anh Trí lưu ý đến việc lựa chọn nhà thầu quốc tế. Điều này cần được luật hóa để hạn chế các nhà đầu tư đến từ những quốc gia đã có nhiều dự án không hoàn thành, dây dưa, đội vốn, chậm tiến độ.
“Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông “đội vốn” từ 552 triệu USD đến hơn 868 triệu USD, chậm tiến độ gần cả thập kỷ là những bài học đắt giá. Như tôi đã từng đề cập tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ cần chấm điểm nhà đầu tư và các quốc gia có nhà đầu tư để đưa vào “danh sách đen” làm ăn không nghiêm túc ở Việt Nam”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Theo chúng tôi, bên cạnh việc lập “danh sách đen” các nhà đầu tư cũng cần đưa vào “danh sách đen” những cán bộ, công chức hứa nhiều mà luôn thất hứa, những cán bộ thiếu trách nhiệm khi chưa ngăn chặn kịp thời những dự án đội vốn khủng, những dự án cả thập kỷ...rùa bò nhức nhối dư luận.
LUÂN DŨNG
(PS st Theo Tiền phong)